Phát triển nguồn nhân lực: Mối quan tâm hàng đầu trong chuyển đổi số

TH| 10/11/2020 19:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang trở thành một động lực tất yếu cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Để chuyển đổi số thành công thì phát triển nguồn nhân lực nhằm đón đầu xu thế giữ vai trò mang tính quyết định.

Một số mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc giatại Việt Nam

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ các mục tiêu cơ bản phải đạt được tới năm 2025, nhằm đạt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Theo đó, một số chỉ số cơ bản cụ thể như sau: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Quyết định cũng xác định đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký DN, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phát triển nguồn nhân lực: Mối quan tâm hàng đầu trong chuyển đổi số - Ảnh 1.

Lực lượng công an căng mình thu thập dữ liệu, quyết tâm hoàn thành mục tiêu về xây dựng CSDL dân cư quốc gia (Nguồn: Internet)

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Đề án xác định rõ các mục tiêu cơ bản, đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT (IDI); nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI).

Phát triển nguồn nhân lực giữ vai trò trọng yếu

Với những mục tiêu cơ bản như vậy, có thể thấy khối lượng công việc cần thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 là rất lớn. Để hoàn thành khối lượng công việc đó, yếu tố mang tính quyết định chính là chuẩn bị nguồn nhân lực. Đó là lý do mà trong Đề án chuyển đổi số đã chỉ ra các nhiệm vụ chính trong phát triển nguồn nhân lực.

Đầu tiên là tổ chức thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, DN lớn trên thế giới để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau.

Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1000 chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các DN.

Hàng năm tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành CNTT. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing).

Đồng thời triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, DN (giáo dục STEAM/STEAM/STEAME), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

Mặt khác cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực hiện triển khai thử nghiệm đào tạo, đào tạo lại về công nghệ số cho người lao động ít nhất 1 giờ/1 tuần tại 3 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Nam và Bình Dương trước, sau đó triển khai đồng bộ tại các DN trên phạm vi cả nước.

Cuối cùng là cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các DN công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ từ bậc tiểu học

Để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho quá trình "chuyển đổi số", theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị nguồn nhân lực không chỉ là kỹ sư CNTT mà trước đó, phải giáo dục cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ để có được một kiến thức và kỹ năng liên quan đến CNTT, ICT và truyền thông số. Bộ GD&ĐT đã đưa chương trình học này vào từ lớp 3.

Khi đưa môn CNTT với những nội dung về ICT và những kỹ năng chuyển đổi số vào chương trình giáo dục phổ thông, chúng ta hy vọng sẽ có một thế hệ công dân số. Hàng năm, hệ tiểu học lớp 3 có khoảng 2 triệu học sinh. Với việc mỗi năm có 2 triệu em được tiếp cận với chương trình học CNTT, điều này sẽ giúp trong 10 năm tới, các công dân sẽ có kiến thức về CNTT và kỹ năng về chuyển đổi số tốt.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đẩy mạnh khuyến khích giáo dục STEM, việc kết hợp khoa học công nghệ vào các chương trình dạy học ngày càng gia tăng. Như vậy, từ nhỏ các em đã được tiếp cận với môi trường về không gian số, tạo nền tảng giúp hình thành nên một thế hệ "công dân số" cho Việt Nam. Từ đây, các em sẽ có một khát vọng hùng cường dựa vào công nghệ.

Phát triển nguồn nhân lực: Mối quan tâm hàng đầu trong chuyển đổi số - Ảnh 2.

Bốn lĩnh vực chính trong giáo dục STEM

Với bậc đại học, trong năm qua, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT đã phối hợp xúc tiến diễn đàn về nguồn nhân lực CNTT. Đến nay chúng ta có khoảng 140 trên tổng số 235 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về CNTT. Hằng năm tuyển sinh khoảng hơn 30.000 học viên, đây là cơ sở quan trọng để đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.

Để chuyển đổi số thành công và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, nhân lực là một trong ba vấn đề quan trọng, cùng với thể chế và công nghệ. Trong năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hợp tác, trước hết là cùng với Bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa kỹ năng chuyển đổi số vào các chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Với những nhiệm vụ đã được xác định rõ cùng với sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, với lợi thế dân số trẻ và có khả năng tiếp thu công nghệ nhanh, có thể tin tưởng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ đáp ứng tốt yêu cầu, giúp Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới xã hội số trong các năm tới.

Bài liên quan
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực: Mối quan tâm hàng đầu trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO