Phú Thọ: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Chính quyền điện tử

Vân Anh| 04/06/2020 14:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) là một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh Phú Thọ nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp (DN).

100% cơ quan Nhà nước sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc

Thời gian qua, việc triển khai các nội dung Đề án CQĐT của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực: Việc gửi, nhận văn bản điện tử đã được thực hiện rộng rãi; các hội nghị trực tuyến dần được tổ chức thường xuyên; một số đơn vị đã tăng cường sử dụng chữ ký số, giải quyết hồ sơ công việc, TTHC trên môi trường mạng; hệ thống một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến được triển khai đồng bộ,...

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án CQĐT trong thời gian tới, tỉnh xác định triển khai CQĐT là yêu cầu cấp thiết, là xu thế tất yếu của đổi mới tư duy, phương thức điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020.

Theo đó, các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: Triển khai sử dụng chữ ký số cá nhân, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, tăng cường tổ chức hội nghị trực tuyến, tổ chức họp bàn và trao đổi công việc qua mạng; gắn chặt việc ứng dụng CNTT với cải cách hành chính (CCHC), đổi mới lề lối, phương thức làm việc.

Phú Thọ: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Cán bộ xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao sử dụng thành thạo máy tính, xử lý văn bản qua phần mềm Quản lý văn bản điện tử. (Ảnh: Phutho.gov.vn)

Đặc biệt, từ 01/6/2020, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được yêu cầu sử dụng chữ ký số cá nhân, thực hiện giải quyết hồ sơ, công việc qua môi trường mạng. Thực hiện nghiêm túc mục tiêu Đề án: Đến hết năm 2020, trên 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Rà soát, đẩy mạnh cung cấp DVC mức độ 3, mức độ 4, phấn đấu đến hết năm 2020 cung cấp tối thiểu 30% DVC ở mức độ 4.

Chữ ký số là ứng dụng quan trọng trong quá trình thực hiện thay thế văn bản giấy bằng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Sau hơn 5 năm triển khai ứng dụng chữ ký số, đến thời điểm hiện nay, các cơ quan Nhà nước của tỉnh đã cơ bản đáp ứng các điều kiện để có thể sử dụng chữ ký số trong giải quyết công việc.

Tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2019

Ngày 19/5, Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố công bố Báo cáo Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019.

Theo báo cáo, Chỉ số PAR INDEX của Phú Thọ đạt 82,01 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố và tăng 2 bậc so với năm 2018.

Theo đó, trong 7 chỉ số thành phần thì Chỉ số "Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh" của Phú Thọ xếp thứ hạng cao nhất, đứng đầu bảng xếp hạng cả nước với 99,36 điểm (tăng 56 bậc so với năm 2018); Chỉ số "Công tác chỉ đạo điều hành CCHC" xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 27 bậc so với năm 2018); Chỉ số "Hiện đại hóa hành chính" xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố với 83,24 điểm (tăng 13 bậc so với năm 2018); Chỉ số "Cải cách tài chính công" xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố với 83,24 điểm (tăng 3 bậc so với năm 2018); Chỉ số "Cải cách TTHC" xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố (tăng 27 bậc so với năm 2018).

Đối với Chỉ số SIPAS, Phú Thọ đạt 85,89% tỷ lệ hài lòng chung, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm 2018 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện khâu đột phá về CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước của Chính phủ phải đạt mức trên 80% vào năm 2020).

Phú Thọ: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Người dân tra cứu TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. (Ảnh: Phutho.gov.vn)

Nâng cao tỷ lệ sử dụng DVC trực tuyến

Lợi ích từ việc sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4 thời gian qua đã được khẳng định, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ cần truy cập vào hệ thống Cổng DVC trực tuyến tỉnh Phú Thọ tại địa chỉ dichvucong.phutho.gov.vn, người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể thực hiện TTHC và nhận kết quả tại nhà một cách nhanh chóng. Không chỉ giảm thời gian đi lại, chi phí phát sinh mà còn tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Không cần đến trụ sở cơ quan Nhà nước nhưng vẫn có thể giải quyết được TTHC. Lợi ích là vậy, song thời gian qua việc sử dụng DVC trực tuyến để giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tính đến ngày 30/4/2020, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến thông qua hệ thống Cổng DVC là 1.803/19.259 hồ sơ, chỉ đạt 9,3% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Phú Thọ: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Chính quyền điện tử - Ảnh 3.

Cán bộ Sở TTTT, Sở Tư pháp hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. (Ảnh: Phutho.gov.vn)

Để nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng DVC trực tuyến, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo bố trí bổ sung cán bộ, trang thiết bị để hướng dẫn người dân, DN làm quen, sử dụng thành thạo, tiến tới chủ động trong việc đăng ký giải quyết TTHC và nhận kết quả qua Internet, dịch vụ bưu chính công ích. UBND các huyện, thành, thị khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng và đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại.

Từ ngày 5/5, Sở TTTT cũng đã thành lập quầy hướng dẫn và bố trí cán bộ trực các ngày trong tuần để hướng dẫn tổ chức, công dân sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đồng thời, đề nghị Bưu điện tỉnh thực hiện giảm 30% cước dịch vụ bưu chính công ích từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020 để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ chuyển nhận TTHC qua đường bưu điện.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, UBND các huyện, thành, thị cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu dần thay đổi tư duy, thói quen trong việc sử dụng DVC trực tuyến.

Cùng với đó, người dân, DN cũng cần chủ động, mạnh dạn sử dụng DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC để tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần CCHC, xây dựng CQĐT theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO