Quản lý dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số

TH| 09/05/2018 14:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những chủ đề được thảo luận tại Hội thảo “Xây dựng dự thảo luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại Việt Nam” là địa phương hóa dữ liệu. Theo nghiên cứu của Viện Brookings (Hoa Kỳ), khoản chi phí khi thực hiện yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam, nhằm địa phương hóa dữ liệu có thể tác động đến 1% GDP.

Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và vai trò trong phát triển kinh tế

Việc truy cập, sử dụng và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới có vai trò thiết yếu đối với phát triển kinh tế trong thời đại kỹ thuật số. Mọi ngành – bao gồm chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp và bán lẻ - đều phụ thuộc vào dữ liệu và dòng chảy toàn cầu của những dữ liệu đó. Cho dù trực tiếp hay gián tiếp tận dụng cơ sở hạ tầng dữ liệu quy mô toàn cầu như điện toán đám mây, việc kết nối toàn cầu đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế xuyên biên giới, cho phép cá nhân, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thị trường toàn cầu.

Giá trị cốt lõi của việc số hóa các nền kinh tế và thương mại quốc tế là ở khả năng nâng cao hiệu quả và tăng năng suất. Bằng cách gia tăng việc tiếp cận thông tin, Internet làm tăng năng suất và cho phép các thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Tự do dòng chảy dữ liệu giảm thiểu chi phí giao dịch, những hạn chế về khoảng cách và tăng hiệu quả tổ chức. Việc tăng khả năng kết nối đẩy nhanh tốc độ lan truyền ý tưởng và cho phép người dùng trên toàn thế giới sử dụng những công nghệ và nghiên cứu mới, dẫn đến sự xuất hiện của các ngành doanh nghiệp mới.  Mở rộng truy cập Internet cũng có thể tăng hiệu quả thị trường bằng cách giảm các rào cản đối với việc gia nhập thị trường và cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường lớn hơn.

Dòng chảy dữ liệu toàn cầu cũng đang chuyển đổi bản chất của thương mại quốc tế, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bằng cách kinh doanh hàng hóa và dịch vụ trực tiếp cho khách hàng và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ước tính của hãng nghiên cứu McKinsey & Company, các dòng chảy dữ liệu toàn cầu đã làm tăng GDP thế giới lên khoảng 3,5% so với nếu không có các dòng chảy này, tương đương với 2,8 nghìn tỷ USD trong năm 2014 và có thể đạt 11 nghìn tỷ USD vào năm 2025.  Khoảng 12% thương mại quốc tế về hàng hóa được dự đoán sẽ diễn ra thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba và Amazon. 

Một nghiên cứu năm 2016 của Ngân hàng Thế giới cho thấy cứ 10% tăng trưởng trong thâm nhập Internet ở nước xuất khẩu sẽ dẫn đến 1,9% tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu cùng với sự gia tăng theo quy mô nguồn lực (số lượng hàng hóa).

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về An ninh mạng

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, Internet và các dòng chảy dữ liệu toàn cầu là một cơ hội đặc biệt để tham gia vào thương mại quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng với Đông Á, khu vực mà các doanh nghiệp nhỏ chiếm 60-99% trong tổng số doanh nghiệp, chịu trách nhiệm cho 50-98% tổng việc làm và đóng góp 35-70% GDP. 

Với việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như eBay hoặc Alibaba, các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. Việc truy cập vào các nguồn kĩ thuật số như điện toán đám mây sẽ cung cấp quyền truy cập theo yêu cầu tới tài nguyên đám mây và phần mềm mà trước đây chỉ dành riêng cho các công ty lớn. Các dịch vụ kỹ thuật số như vậy có thể được sử dụng để giảm chi phí công nghệ thông tin cố định và tăng tính cạnh tranh kinh doanh.

Hạn chế các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Những vấn đề cần xem xét

Trong khi cơ hội kinh tế và thương mại đến từ kết nối và dòng chảy dữ liệu là rất lớn, một số nước trên thế giới lại đang tăng cường giới thiệu những biện pháp nhằm hạn chế các dòng chảy dữ liệu – những biện pháp địa phương hóa dữ liệu. Những biện pháp này sẽ gây ra phí tổn cho kinh tế và thương mại.

Nghiên cứu của Viện Brookings (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng, chi phí đối với việc địa phương hóa dữ liệu ở Việt Nam là khoản tiền lớn và có thể tác động đến 1% GDP. Trong phần trình bày tại Hội thảo “Xây dựng dự thảo luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại Việt Nam”, ông Joshua Meltzer, nhân sự cao cấp về kinh tế và phát triển toàn cầu, Viện Brookings, cho rằng có hai vấn đề cần xem xét khi soạn thảo Luật an ninh mạng tại Việt Nam. Thứ nhất, việc yêu cầu doanh nghiệp đặt dữ liệu và máy chủ không được cản trở dòng chảy thông tin; Thứ hai, trao thẩm quyền thành tra cho lực lượng chuyên trách như thế nào để không gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

“Chính phủ cũng cần có những quy định về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng nhưng phải cho phép luồng dữ liệu tự do dịch chuyển qua biên giới vì đây là điều quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Địa phương hóa dữ liệu không hẳn tốt cho an ninh mạng. Việc đặt máy chủ ở nhiều địa điểm khác nhau thay vì tập trung vào 1 nơi tránh được nguy cơ toàn bộ dữ liệu bị tấn công bởi hacker" - ông Joshua P. Meltzer nhấn mạnh.

Ông Joshua P. Meltzer, Viện Brookings trình bày tại Hội thảo

Bà Lim May-Ann, Giám đốc điều hành Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á đề cập đến một thực tế về địa phương hóa dữ liệu (bắt buộc phải đặt máy chủ ở nước sở tại) ở Indonesia và cho biết, quy định này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tuân thủ. CNTT cũng vì thế mà khó phát triển vì không có đủ tiền để tuyển chuyên gia theo quy định. Chính vì thế, nền kinh tế số của Indonesia không thể phát triển như mong muốn.

Điều chỉnh các quy định hướng tới phát triển nền kinh tế số

Quyền riêng tư và địa phương hóa dữ liệu

Khả năng di chuyển một lượng lớn dữ liệu liền mạch và nhanh chóng xuyên biên giới quốc gia có thể gây tổn hại đến các tiêu chuẩn pháp lý trong nước như vấn đề quyền riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng, chăm sóc y tế. Ví dụ, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới tới một quốc gia khác có các quy định về bảo mật thông tin cá nhân người dùng thấp hơn sẽ vi phạm các quy định về bảo mật thông tin cá nhân trong nước. Điều này tạo ra động cơ cho các nhà làm luật giới hạn việc di chuyển dữ liệu xuyên quốc gia đối với thông tin cá nhân. Cụ thể, Quy đinh Bảo vệ dữ liệu chung EU (GDPR) ngăn việc chuyển dữ liệu cá nhân tới một quốc gia hay khu vực mà EU cho rằng không có sự bảo vệ quyền riêng tư một cách thỏa đáng.

Hiện nay, các quốc gia đều đang phát triển luật về quyền riêng tư của mình, nhằm tạo ra cơ hội tăng trưởng và thương mại từ dòng chảy dữ liệu, đồng thời hạn chế các rủi ro liên quan đến quyền riêng tư. Thách thức ở đây là làm thế nào để tìm ra cách thức để lưu thông dữ liệu một cách tự do giữa các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về bảo mật thông tin. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận về vấn đề bảo mật dựa trên những nguyên tắc chung, ưu tiên thỏa thuận về kết quả chung của các chính sách bảo mật thông tin giữa các nước, đồng thời đem đến khả năng linh hoạt để đạt được mục tiêu cho mỗi quốc gia.Địa phương hóa dữ liệu không những không thể đáp ứng được các yêu cầu trên mà còn gây ra chi phí về kinh tế và thương mại.

An ninh mạng

An ninh không hẳn được tăng cường khi dữ liệu được địa phương hóa mà trái lại, còn có thể bị suy yếu. Khi các trung tâm dữ liệu được đặt ở các vị trí khác nhau, hoặc ở các quốc gia khác nhau, khả năng phục hồi được cải thiện nhiều hơn. Điều này trái ngược với việc địa phương hóa dữ liệu.

Thêm nữa, việc cải thiện an ninh trước các cuộc tấn công đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ và chuyên gia thuộc khối tư nhân. Địa phương hóa dữ liệu thường cản trở cơ hội hợp tác đối phó với các mối đe dọa an ninh.

Bảo hộ kỹ thuật số

Nhiều Chính phủ ũng hạn chế dòng chảy dữ liệu nhằm bảo vệ các công ty trong nước trước áp lực cạnh tranh trực tuyến. Phương thức bảo hộ này gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Việc dòng chảy dữ liệu bị hạn chế có thể dẫn đến sự vi phạm một cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO. Bảo hộ bằng cách hạn chế dữ liệu còn có khả năng làm phát sinh các hành động trả đũa của các quốc gia khác và làm tăng chi phí tiếp cận dữ liệu để hoạt động trên trường quốc tế của các công ty trong nước.

Do đó, chính phủcác nước cần đảm bảo quốc gia của mình sẵn sàng về mặt công nghệ và có một chiến lược nhằm tạo ra nhiều cơ hội thương mại số nhất có thể. Điều này đồng nghĩa với việc tránh các biện pháp bảo hộ eo hẹp như địa phương hóa dữ liệu.Thay vào đó, các chính phủ nên thực hiện những cải cách cần thiết để đảm bảo các quy định được ban hành có thể tối đa hóa các cơ hội cho công nghệ số.

Tạo sân chơi pháp lý công bằng

Một yếu tố khác tác động đến dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia là nhu cầu áp dụng các quy định hiện hành vào các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số mới. Điều đáng quan ngại ở đây là các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu không trả phí bản quyền cho các nền tảng công nghệ giao tiếp truyền thông mà họ sử dụng và không phải tuân thủ các quy định tương tự kiểm soát hoạt động hay nội dung của họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp hàng đầu tác động tích cực đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ lớn như Google, Face-book, và Netflix đầu tư vào cơ sở hạ tầng để mang nội dung tới từng ngõ ngách của Internet, nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ và giảm thời gian chờ; người dùng sẵn sàng trả tiền để nâng cấp kết nối mạng.

Điều này nhấn mạnh điểm chính trong việc điều tiết nền kinh tế số. Các nhà hoạch định chính sách xem xét lưỡng các vấn đề, tập trung vào quy định cho phép các công nghệ và mô hình kinh doanh mới phát triển mạnh, nhằm thu hút cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế -xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO