Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông

Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ TT&TT| 19/11/2020 09:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2011, Năm 2011, Bộ TT&TT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông, ký hiệu QCVN 32:2011/BTTTT” trên cơ sở soát xét sửa đổi Tiêu chuẩn Ngành TCN 68-135:2001 “Chống sét bảo vệ các công trình viễn thông - Yêu cầu kỹ thuật”.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 1.

Năm 2020, Bộ TT&TT tổ chức sửa đổi QCVN 32:2011/BTTTT trên cơ sở soát xét, sửa đổi QCVN 32:2011/BTTTT và cập nhật theo các tài liệu tham chiếu mới như K.47 (2012) và K.40 (2018) của ITU-T để phù hợp với thực tế và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 17/7/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông (QCVN 32:2020/BTTTT) kèm theo Thông tư số 16/2020/TT-BTTTT. Thông tư 16/2020/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2021. Đồng thời, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi, ký hiệu QCVN 32:2011/BTTTT quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 10/2011/ TT-BTTTT ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021.

Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này được áp dụng cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông nhằm hạn chế các thiệt hại do sét gây ra, đảm bảo an toàn cho con người và khả năng cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ ứng dụng viễn thông.

Trạm viễn thông trong quy chuẩn này bao gồm các công trình như trung tâm chuyển mạch, truyền dẫn; trung tâm dữ liệu; trạm thu phát sóng vô tuyến điện cố định sử dụng trong nghiệp vụ vô tuyến điện cố định, thông tin di động, hàng không, hàng hải, dẫn đường, định vị, vệ tinh, phát chuẩn, nghiệp dư; đài phát thanh, đài truyền hình.

Quy chuẩn này quy định: Rủi ro thiệt hại cho phép do sét gây ra đối với trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông; Phương pháp tính toán tần suất thiệt hại do sét gây ra đối với trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông; Các biện pháp chống sét bảo vệ trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông.

Các Quy định kỹ thuật cụ thể trong Quy chuẩn

1) Quy trình quản lý rủi ro thiệt hại do sét

Việc xác định cần thiết trang bị các biện pháp bảo vệ chống sét cho trạm viễn thông và mạng ngoại vi viễn thông phải được thông qua quy trình quản lý rủi ro như Hình 1.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 2.

Hình 1. Quy trình quản lý rủi ro thiệt hại do sét

2) Tiêu chí cơ bản về bảo vệ chống sét

Quy chuẩn này quy định 4 mức bảo vệ chống sét. Với mỗi mức LPL, một tập hợp các tham số dòng sét được ấn định.

Giá trị lớn nhất của tham số dòng sét tương ứng với mức LPL I sẽ không bị vượt quá với xác suất là 99%.

Giá trị lớn nhất của tham số sét tương ứng với LPL I sẽ giảm xuống tới 75% đối với LPL II và 50% đối với các mức III và IV.

Giá trị tham số dòng sét theo LPL theo Bảng 1.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 3.

Các giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của các tham số dòng sét đối với các mức bảo vệ chống sét khác nhau trong Bảng 1 và được sử dụng để thiết kế các thành phần của hệ thống bảo vệ chống sét (ví dụ, tiết diện dây dẫn, độ dày của vỏ kim loại, khả năng chịu dòng của SPD, khoảng cách cách ly để tránh đánh lửa gây nguy hiểm).

Các giá trị nhỏ nhất của biên độ dòng sét đối với các LPL khác nhau được sử dụng để xác định bán kính quả cầu lăn để xác định vùng bảo vệ LPZ 0B mà sét đánh trực tiếp không tiếp cận được. Giá trị nhỏ nhất của tham số dòng sét cùng với bán kính quả cầu lăn tương ứng được cho trong Bảng 2. Các số liệu này dùng để định vị hệ thống điện cực thu sét và xác định vùng bảo vệ chống sét LPZ 0B.

Giá trị nhỏ nhất của dòng sét và bán kính quả cầu lăn tương ứng với LPL theo Bảng 2.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 4.

3) Vùng bảo vệ chống sét

Tuỳ theo mức độ ảnh hưởng của sét, các vùng bảo vệ chống sét được định nghĩa:

LPZ 0A:  Là vùng có nguy cơ chịu sét đánh trực tiếp và toàn bộ trường điện từ do sét. Các hệ thống trong đó có thể chịu toàn bộ hoặc một phần dòng xung sét;

LPZ 0B: Là vùng đã được bảo vệ khỏi sét đánh trực tiếp nhưng vẫn chịu sự đe doạ của toàn bộ trường điện từ do sét. Các hệ thống trong đó có thể chịu một phần dòng xung sét;

LPZ 1: Là vùng trong đó dòng xung được hạn chế do sự chia dòng và các SPD tại vị trí ranh giới. Việc che chắn không gian có thể làm suy giảm trường điện từ do sét;

LPZ 2,…, n: Là vùng trong đó dòng xung được hạn chế hơn nữa do sự chia dòng và các SPD bổ sung tại vị trí ranh giới. Việc che chắn không gian bổ sung có thể làm suy giảm hơn nữa trường điện từ do sét.

CHÚ THÍCH:Nói chung, mức của một LPZ càng cao thì các tham số môi trường điện từ càng thấp.

Nguyên tắc chung của việc bảo vệ là, đối tượng cần bảo vệ phải nằm trong vùng LPZ có các đặc tính về điện từ tương thích với khả năng của chịu đựng của đối tượng với tác động do sét gây ra thiệt hại cần phải giảm bớt (thiệt hại vật lý, hư hỏng các hệ thống điện và điện tử do quá áp).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 5.

Hình 2. Minh họa phân vùng chống sét LPZ tại trạm viễn thông

4) Yêu cầu về rủi ro do sét gây ra

- Yêu cầu đối với trạm viễn thông

Trạm viễn thông phải được trang bị các biện pháp bảo vệ sao cho giá trị rủi ro không được vượt quá giá trị rủi ro chấp nhận được sau:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 6.

- Yêu cầu đối với mạng cáp ngoại vi viễn thông

Mạng cáp ngoại vi viễn thông phải được trang bị các biện pháp bảo vệ sao cho giá trị rủi ro không được vượt quá giá trị rủi ro chấp nhận được sau:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông (QCNV 32:2020/BTTTT) - Ảnh 7.

CHÚ THÍCH: Đối với các cáp ngoại vi viễn thông, không xét đến rủi ro tổn thất về con người.

5) Phương pháp tính toán rủi ro do sét

Theo quy định điều 2.2 QCVN 32:2020/BTTTT.

Về phương thức quản lý

Quy chuẩn quy định:

Các cơ quan, doanh nghiệp có trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông có trách nhiệm:

- Đảm bảo các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông phù hợp với Quy chuẩn trong quá trình thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng.

- Thực hiện công bố hợp quy chỉ tiêu mức rủi ro do sét gây ra cho trạm viễn thông phải nhỏ hơn hoặc bằng mức quy định tương ứng trong Quy chuẩn này. Việc công bố hợp quy thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012.

Cục Viễn thông có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký công bố hợp quy, thực hiện quản lý, hướng dẫn và kiểm tra việc công bố hợp quy.

Tổ chức triển khai

Quy chuẩn QCVN 32:2020/BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2021 và thay thế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông, ký hiệu QCVN 32:2011/BTTTT.

Cục Viễn thông và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức triển khai quản lý các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông theo Quy chuẩn này.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp quang ngoại vi viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO