Quyết liệt triển khai dịch vụ công mức độ 4 tại Bộ TTTT

Lan Phương| 06/03/2020 17:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại cuộc họp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công (DVC) của Bộ ngày 6/3, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo triển khai DVC trực tuyến mức độ 4 của Bộ trong năm 2020 phải quyết liệt.

Cuộc họp được tổ chức nhằm thực hiện Quyết định số 166/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2020 của Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Kế hoạch của Bộ TTTT thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Theo đó, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo về nhiệm vụ triển khai cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 của Bộ trong năm 2020.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, Trung tâm Thông tin, đơn vị thường trực triển khai cho biết: Tổng số DVC của Bộ là 206; trong đó 118 DVC mức độ 2, 27 DVC mức độ 3 và 61 DVC mức độ 4. Có 83 DVC (chiếm gần 40%) phát sinh hơn 12 hồ sơ/1 DVC trong năm, trong đó, 41 DVC mức độ 2; 14 DVC mức độ 3 và 28 DVC mức độ 4.

Tổng số DVC có phát sinh hồ sơ trực tuyến trong năm hơn 30%: DVC mức độ 3 là 6/27; DVC mức độ 4 là 4/61. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2019 của cả Bộ là 33%.

Trao đổi tại phiên họp, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, để thúc đẩy DVC trực tuyến thì cần tập trung 3 việc:

Trước tiên, điều kiện cần để cung cấp DVC trực tuyến là nền tảng thanh toán và định danh. Trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin đã xây dựng được hệ thống thanh toán MIC Connect triển khai trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), cho phép định danh và liên thông với Cổng DVC quốc gia.

Thứ hai, để cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, cơ quan nhà nước phải chủ động và sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến nhiều nhất có thể, trừ trường hợp DVC phải yêu cầu người dân đến để chụp ảnh, làm chứng...

Thứ ba, điều kiện đủ để bảo đảm cung cấp DVC mức độ 4 là đẩy mạnh việc sử dụng của người dân. Đây là trách nhiệm của cơ quan cung cấp DVC trực tuyến, nghĩa là phải thay đổi tư duy từ việc “xin và cấp” sang tư duy phục vụ, coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng và mời người dân dùng dịch vụ để có hồ sơ trực tuyến.

Khi tiếp cận tinh thần này, các DVC đều có thể tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Hiện chưa thể đưa 100% DVC lên mức độ 4 vì theo quy định của pháp luật có những dịch vụ yêu cầu người dân đến trực tiếp để ký nhận, chụp ảnh… nhưng có thể bảo đảm 100% dịch DVC được tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

“Không quan trọng là DVC mức độ 3 và 4 mà quan trọng là phục vụ người dân hết mức có thể, có nghĩa là toàn bộ DVC đều phải trực tuyến. Đây là quan điểm mà Cục Tin học hóa, Trung tâm Thông tin thống nhất để tiến tới 100% DVC được trực tuyến, định danh, thanh toán trực tuyến. Những dịch vụ buộc phải đến ký nhận, chụp ảnhthì Trung tâm thông tin cùng với các đơn vị sẽ làm việc để xác định rõ”, ông Đỗ Công Anh nhấn mạnh.

Rà soát các dịch vụ có thể triển khai cung cấp mức độ 4, ông Hồ Sỹ Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin cho biết: toàn bộ 58 DVC mức độ 2 của 7 đơn vị thuộc Bộ có thể đưa lên cấp độ 4 trừ một số dịch vụ của Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông với các nghiệp vụ đặc thù; các DVC mức độ 3 của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Cục Xuất bản In và Phát hành, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Báo chí, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) hoàn toàn lên cấp độ 4.

Ông Lợi cũng cho biết: Cổng DVC của Bộ đã được nâng cấp có đủ tính năng front office, back office, đăng nhập một lần, ký số, thanh toán điện tử… Theo đó, các cơ quan hành chính của Bộ cần nhất quán và trao đổi với Trung tâm thông tin về quy trình nghiệp vụ.

Các đơn vị có cổng DVC thành phần khi xây dựng đưa lên mức độ 4 phải kết nối liên thông với Cổng DVC của Bộ để kết nối với Cổng DVC quốc gia theo yêu cầu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhất trí với quan điểm phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất, việc triển khai nâng cấp DVC mức độ 4 phải thực hiện một cách quyết liệt nhưng cũng phải bảo đảm nguồn lực để thực hiện.

Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm Thông tin rà soát, lập danh sách các DVC từ mức độ 2, 3 có khả năng đồng loạt lên mức độ 4. Trung tâm Thông tin xác định danh sách công việc, tiến độ, các điều kiện cần và đủ, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể, lộ trình chi tiết thực hiện. Trung tâm thông tin phải làm việc với các đơn vị thuộc Bộ, đối tác để rà soát khó khăn, xây dựng kế hoạch, kinh phí, công việc ưu tiên và xây dựng kế hoạch tổng thể trình Lãnh đạo Bộ trong tháng 4/2020 để thực hiện cung cấp 100% các DVC mức độ 4 vào cuối năm 2020.

Cổng DVC của Bộ đã làm được 2 điều kiện cần là định danh, thanh toán điện tử, còn các đơn vị phải làm làm các công việc về quy trình, chuẩn hoá hồ sơ.

Vụ Tài chính phối hợp với Trung tâm thông tin rà soát thu phí, lệ phí và kinh phí triển khai thực hiện có thể theo hình thức thuê dịch vụ.

Với số lượng công việc lớn để triển khai cho được trong năm 2020, Thứ trưởng yêu cầu Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Cục An toàn thông tin biệt phái thêm một số cán bộ cho Trung tâm để triển khai hướng tới Bộ TTTT dẫn đầu toàn quốc cung cấp DVC mức độ 4 và triển khai Bộ điện tử, liên thông nội bộ, đây là bản chất của Bộ điện tử.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất trong năm nay triển khai Kế hoạch cung cấp DVC của Bộ với cách làm cầu thị, không bàn lùi, kỹ lưỡng và quyết liệt".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt triển khai dịch vụ công mức độ 4 tại Bộ TTTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO