Ra mắt nền tảng công nghệ AI với đủ công cụ hỗ trợ chuyển đổi số

Lan Phương| 28/08/2020 16:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Viettel (Viettel AI Open Platform) được phát triển bởi Trung tâm Không gian mạng thuộc Tập đoàn Viettel, với mục đích đưa các công nghệ ngang tầm thế giới trong lĩnh vực AI phục vụ người Việt.

Ngày 28/8/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ ra mắt nền tảng Viettel AI Open Platform. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số "Make in Vietnam" nhằm thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ra mắt nền tảng công nghệ AI với đủ công cụ hỗ trợ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, chú trọng việc áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, chú trọng việc áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, góp phần đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), phương thức sống và làm việc của người dân.

Nền tảng công nghệ AI của Viettel cung cấp các công nghệ AI đa dạng như công nghệ nhận dạng chuyển đổi giọng nói thành văn bản, công nghệ thị giác máy tính, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt… có thể tích hợp vào các ứng dụng chuyển đổi số nhằm tự động hóa, nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu chi phí.

Bộ TT&TT đánh giá cao việc Viettel áp dụng chính sách cung cấp nền tảng AI mở miễn phí đối với các cá nhân, DN, tổ chức đăng ký sử dụng trong giai đoạn phát triển ứng dụng của mình, chỉ tính phí hoặc hợp tác kinh doanh khi thương mại hóa sản phẩm. Đây là một hành động cụ thể hóa định hướng của Bộ TT&TT khi thực hiện chương trình "Mỗi tuần một nền tảng Make in Vietnam": DN công nghệ số Việt Nam giúp các tổ chức, DN chuyển đổi số nhanh hơn bằng nền tảng số.

Thứ trưởng tin tưởng với lợi thế của một Tập đoàn công nghệ lớn, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để khai phá các công nghệ mới, đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, góp phần thực hiện nhanh chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ra mắt nền tảng công nghệ AI với đủ công cụ hỗ trợ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Quý: Viettel AI Open Platform có cơ sở hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng lưu trữ cơ sở dữ liệu đạt chuẩn và ứng dụng các thuật toán học sâu tiên tiến thế giới

Chia sẻ về nền tảng Viettel AI Open, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết: Viettel AI Open Platform đã được Viettel đầu tư nghiên cứu từ năm 2016, với cơ sở hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng lưu trữ cơ sở dữ liệu đạt chuẩn và ứng dụng các thuật toán học sâu tiên tiến thế giới.

Viettel đã hoàn thành phát triển các công nghệ và cung cấp trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud API) hoặc đóng gói triển khai tùy theo nhu cầu (On-Premise) phù hợp với hầu hết các khách hàng: các nhà phát triển sản phẩm, DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa, DN lớn, cơ quan chính phủ, các đơn vị sản xuất nội dung, xuất bản…

Viettel AI Open Platform là một trong số ít các nền tảng cung cấp đầy đủ công cụ về AI cho các ứng dụng chuyển đổi số tại Việt Nam để có thể tích hợp nhằm tự động hóa, nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu chi phí.

Cung cấp các công nghệ nền tảng với chất lượng tốt

Thông tin chi tiết về các công nghệ của Viettel AI Open Platform, ông Nguyễn Mạnh Quý cho biết nền tảng này có các công nghệ nền tảng với chất lượng tốt dùng cho người Việt như:

Text To Speech: Công nghệ tổng hợp giọng nói cho phép chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo tiếng Việt có độ tự nhiên đạt điểm MOS 4.4, tương đương 95% giọng người thật, hỗ trợ đa dạng 12 giọng đọc nhân tạo 3 miền Bắc - Trung - Nam, giới tính nam nữ khác nhau, tùy chỉnh định dạng phát âm các danh từ riêng theo yêu cầu.

Công nghệ này được ứng dụng trong báo nói, sách nói, truyện nói, thuyết minh video tự động, thuyết minh giáo trình/bài giảng trực tuyến, tổng đài chăm sóc khách hàng tự động, loa thông minh.

Speech To Text: Công nghệ nhận dạng giọng nói cho phép chuyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản với độ chính xác nhận dạng lên tới 95%, hỗ trợ nhận dạng đa dạng giọng 3 miền Bắc Trung Nam, hỗ trợ đa dạng định dạng âm thanh đầu vào (8k, 16k), tùy chỉnh văn bản đầu ra theo yêu cầu.

Ứng dụng công nghệ này giúp ghi chú cuộc họp, phỏng vấn, bóc băng ghi âm, tổng đài chăm sóc khách hàng tự động, cuộc gọi xác thực Voice OTP, trợ lý ảo nhà thông minh, trợ lý ảo trên xe hơi, nhập liệu tự động bằng giọng nói

Computer Vision: Công nghệ thị giác máy tính cho phép nhận dạng hình ảnh với độ chính xác nhận dạng lên tới 98%, hỗ trợ nhận dạng ký tự văn bản, tài liệu tiếng Việt, nhận dạng và so khớp mặt người; nhận dạng các phương tiện giao thông, biển số xe theo thời gian thực.

Ứng dụng công nghệ này giúp trích xuất nhanh thông tin giấy tờ tùy thân của khách hàng; Số hóa văn bản hành chính tự động; Xác thực khách hàng bằng việc đối sánh, kiểm tra giả mạo với ảnh chụp của khách hàng; Giám sát và phát hiện các phương tiện vi phạm giao thông, phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không dừng; Kiểm duyệt tự động các nội dung video…

NLP: Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt cho phép thay thế một phần khả năng suy luận của con người như nhận diện các từ, loại từ, thực thể, ý định trong văn bản; Nhận diện sắc thái tiêu cực, tích cực của một bài viết; Kiểm tra và sửa lỗi chính tả văn bản.

Công nghệ này được ứng dụng trong hệ thống trả lời tự động chatbot, callbot, trợ lý ảo; Hệ thống giám sát thông tin trên Internet…

Các công nghệ này được Trung tâm Không gian mạng Viettel áp dụng để phát triển những giải pháp tương tác tự động với khách hàng bằng giọng nói (Cyberbot); giải pháp ghi chú nội dung cuộc họp (Meeting Note); giải pháp định danh và xác thực khách hàng (eKYC); giải pháp số hóa văn bản và tự động nhập liệu (OCR)…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt nền tảng công nghệ AI với đủ công cụ hỗ trợ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO