Sở hữu trí tuệ với startup Việt khi CPTPP, EVFTA có hiệu lực

TH| 08/09/2020 18:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) lại chưa quan tâm đến hoạt động bảo hộ cũng như đăng ký sở hữu trí tuệ.

Vai trò của sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò đảm bảo cho môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo - kỹ thuật; bảo vệ người tiêu dùng, xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả.

SHTT khẳng định vị trí độc quyền của người được cấp SHTT về các sáng chế, nghiên cứu và ghi nhận của xã hội về những nghiên cứu, sáng chế đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của việc phát minh sáng tạo khoa học gắn với phát triển doanh nghiệp, cho phép người sáng tạo và chủ sở hữu bảo vệ và thụ hưởng quyền hưởng lợi từ sáng tạo của mình.

SHTT giúp các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nói chung có lợi thế cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại, cùng phân khúc, thông qua kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và nhãn hiệu, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ, từ đó gia tăng tài sản vô hình hay tài sản số của các doanh nghiệp.

Sở hữu trí tuệ với startup Việt khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực - Ảnh 1.

Ngoài ra, SHTT còn giúp tạo căn cứ để lượng hóa được giá trị tài sản vô hình hay chất xám mà các nhà sáng lập hay đồng sáng lập có thể sử dụng như là nguồn vốn góp vào doanh nghiệp cũng như tạo ra lợi thế và tín nhiệm lớn hơn để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể kêu gọi vốn dễ dàng hơn.

SHTT đối với startup Việt khi tham gia CPTPP, EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay được đánh giá là hai hiệp định chất lượng cao và được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam. 

Khi tham gia CPTTP và EVFTA chúng ta đã bước vào một sân chơi lớn, một sân chơi chất lượng cao, chúng ta chấp nhận đến với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Một trong những vấn đề nan giải đang tạo ra cho doanh nghiệp thời điểm này chính là vấn đề về SHTT và thực thi quyền SHTT.

Bàn về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, phạm vi điều chỉnh bao trùm nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, cam kết về quyền SHTT trong hai hiệp định này sâu hơn đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền SHTT liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do đó, việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền SHTT trong CPTPP và EVFTA có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.

Liên quan đến câu chuyện SHTT khi tham gia CPTTP và EVFTA, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch VMCG, sáng lập Strategy Academy, cho biết, thực tế hiện nay, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà công nghệ, các nhà phát minh sáng chế, các doanh nhân, doanh nghiệp luôn thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm và kinh doanh,... đều ít quan tâm đến SHTT. Trong khi đó, SHTT lại là vấn đề sống còn của các đổi mới sáng tạo, vốn là động lực tăng trưởng chính trong việc phát triển doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều bài học về các sản phẩm có chất lượng rất cao, đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, nhưng lại mất trắng quyền SHTT của mình.

Khi Việt Nam gia nhập thương mại thế giới sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội thuận lợi từ thị trường chung mang tính toàn cầu. Cụ thể, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước tham gia CPTPP sẽ làm cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nhiều hơn, từ đó mở rộng quảng bá thương hiệu cũng như khẳng định được vị trí thương hiệu các sản phẩm từ Việt Nam.

Các sản phẩm mang nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp sẽ được nhập khẩu từ EU, các nước tham gia CPTPP về Việt Nam nhiều hơn. Đây là các cơ hội cho các doanh nghiệp/cá nhân được tiếp cận nhiều nhãn hiệu mới cũng như những sản phẩm mang những giải pháp/sáng chế, từ đó tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo hơn và tạo ra nhiều sản phẩm với công nghệ giải pháp tiến bộ hơn.

Mặt khác, sự công bằng và kết nối thị trường giữa Việt Nam và các nước còn giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường mới có sức mua và văn hóa tiêu dùng trực tuyến hàng đầu thế giới cùng với nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như sản phẩm công nghệ vô cùng to lớn.

Song song với những cơ hội có được, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng cũng phải đối diện với những thách thức lớn. Đó là sự cạnh tranh gay gắt và rộng hơn, sự vi phạm quyền SHTT diễn ra phổ biến và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Cụ thể, sản phẩm mang nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp đến từ Việt Nam để được bảo hộ độc quyền tại EU hay các nước tham gia CPTPP thì cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, mức chi phí đăng ký tại EU khá cao, thủ tục đăng ký khá phức tạp với điều kiện để được bảo vệ khá khắt khe, khiến doanh nghiệp Việt e dè, tính toán để thực hiện công việc này.

Mặt khác, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam cũng phải chịu sức ép cạnh tranh lớn trên chính thị trường nội địa của mình về mặt chất lượng sản phẩm/dịch vụ cũng như việc xây dựng chiến lược bảo vệ, tiếp thị các đối tượng nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp để cạnh tranh với các sản phẩm từ nước ngoài.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam với cơ chế xử lý xâm phạm còn yếu; cũng như thủ tục, thời gian đăng ký nhãn hiệu khá dài, gây cản trở các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục và bảo vệ thực thi quyền tại Việt Nam.

Theo ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch VMCG, sự thành công của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải được xem xét đến 3 trụ cột: Bảo vệ SHTT; Đổi mới hay đột phá về công nghệ và đổi mới hay đột phá về mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ SHTT còn chưa thực sự được các doanh nghiệp, startup quan tâm. Trong quá trình hội nhập, việc thiếu quan tâm đến SHTT cũng như thực thi quyền SHTT đang "cản bước" nhiều doanh nghiệp tiến vào các thị trường lớn, đặc biệt là tận dụng được những cơ hội từ hai hiệp định thương mại tự do là CPTPP và EVFTA./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sở hữu trí tuệ với startup Việt khi CPTPP, EVFTA có hiệu lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO