Sử dụng dịch vụ công, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn 1.500 tỉ đồng/năm

PV| 19/05/2020 19:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc sử dụng dịch vụ công (DVC) trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), thực hiện Thủ thục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp (DN). Cổng DVCQG còn tăng tính minh bạch, giúp giám sát quá trình thực hiện công vụ của cán bộ công chức.

Sáng ngày 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng DVCQG và những lợi ích dành cho DN".

Sự cần thiết của Cổng DVCQG

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, dịch Covid-19 thời gian qua càng cho thấy sự cần thiết của Cổng DVCQG. Việc sử dụng DVC trên Cổng DVCQG, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, DN, đồng thời góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. 

Bên cạnh đó, Cổng DVCQG còn tăng tính minh bạch, giúp giám sát quá trình thực hiện công vụ của cán bộ công chức. Theo đó, người dân, DN có thể trực tiếp theo dõi quá trình giải quyết TTHC; còn VPCP sẽ giúp Thủ tướng đôn đốc, chấn chỉnh khi quá trình thực thi giải quyết thủ tục không đúng.

Sử dụng DVC làm tăng tính minh bạch, giúp giám sát thực hiện công vụ của cán bộ công chức - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Kể từ thời điểm khai trương (tháng 12/2019) đến nay, sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, Cổng DVCQG đã nâng từ 8 nhóm dịch vụ lên 406 DVC trực tuyến, trong đó có 235 DVC trực tuyến cho DN như thông báo khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông… Cổng DVCQG cũng giúp DN tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí, TTHC.

"Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVC trực tuyến là khoảng 6.490 tỉ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỉ đồng/năm. Đây là những con số biết nói"- Bộ trường Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu VPCP, tính đến 18/5, Cổng DVCQG đã có 35 triệu lượt truy cập; trên 140.000 tài khoản đăng ký; trên 7,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG; tiếp nhận, hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi của người dân, DN. Đồng thời, đã tiếp nhận, xử lý 5.600 phản ánh kiến nghị của người dân, DN và hoàn thành xử lý gần 4.500 phản ánh, kiến nghị.

Đặc biệt, từ ngày 12/5, Cổng DVCQG cung cấp thêm 6 DVC hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

"Việc hỗ trợ trực tuyến này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp cơ quan quản lý giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ trưởng VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm, từ 12/5 đến nay có 96 hồ sơ DN đề nghị hỗ trợ, vì trong việc chi trả hỗ trợ, các địa phương mới chủ yếu chi trả cho người có công, người nghèo. Còn với người lao động của các DN chủ yếu mới đang thực hiện thủ tục.

"Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm chưa đạt yêu cầu đề ra. Cổng DVCQG đã thực sự tiện lợi cho DN hay chưa, bởi tỷ lệ DN tham gia còn rất thấp"- ông Mai Tiến Dũng lưu ý.

Không bắt DN phải gửi hồ sơ quyết toán khi chưa đến hạn

Là đơn vị trực tiếp cung cấp DVC trực tuyến, bà Trần Thị Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Thống kê, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết Cổng DVCQG đã tiến hành thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị hỗ trợ theo gói Covid-19.

Theo đó, có hai quy trình là "hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương" và "hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động".

"Lợi ích của thực hiện thủ tục trực tuyến là người lao động hay người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chỉ cần tạo tài khoản, đăng ký, nộp hồ sơ theo từng bước và… chờ tiền về", bà Liễu chia sẻ.

Trước báo cáo "phấn khởi" này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chất vấn: "Lý thuyết là thế, nhưng bây giờ vẫn chưa giải ngân được một đồng nào, có đúng không? Bộ LĐTB&XH và Tài chính cần làm rõ vướng mắc do đâu".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phải có một mẫu đơn giản, để các cơ quan liên quan như thuế, lao động chỉ cần xác nhận chứ không bắt DN phải gửi hồ sơ quyết toán khi chưa đến hạn.

Giải trình vấn đề này, bà Liễu cho biết, Bộ LĐTB&XH đã làm mẫu và đang lấy ý kiến Bộ Tài chính.

Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione bày tỏ: "Chúng ta đang sống trong thời kỳ chưa từng có khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động lớn, đòi hỏi nỗ lực từ cả phía Chính phủ và tư nhân. Việt Nam đã thành công trong kiềm chế dịch Covid-19 và được ghi nhận trên toàn cầu. Nhưng từ đây cần nêu bật lên bài học về sự cần thiết các cơ quan phải số hoá, cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng".

Sử dụng DVC làm tăng tính minh bạch, giúp giám sát thực hiện công vụ của cán bộ công chức - Ảnh 2.

Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu

Ông Ousmane Dione cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đóng vai trò như bệ phóng cho quá trình số hoá của các DN, để họ tiếp cận, sử dụng nhanh hơn.

DN sẽ tiết kiệm được hơn 1.500 tỉ đồng/năm

Cũng tại hội nghị, bà Vũ Thị Tuyến, đại diện VNPT cho biết, VNPT là đơn vị xây dựng phát triển và vận hành Cổng DVCQG những cũng là đơn vị được hưởng lợi. Bà Tuyến dẫn chứng, VNPT sử dụng dịch vụ thông báo khuyến mãi trên Cổng DVCQG, với thời gian thao tác trên cổng thông tin chỉ mất tối đa 15 phút.

"Lợi ích thấy rõ nhất là chúng tôi tiết kiệm được thời gian, nguồn lực và công sức. Trong 1 năm chúng tôi thực hiện 300 chương trình khuyến mại thì tiết kiệm được 200 triệu một năm. Còn các DN trên toàn quốc sẽ tiết kiệm được hơn 1.500 tỉ đồng/năm" - bà Tuyến chia sẻ.

Để thuận tiện hơn cho các đơn vị và cá nhân sử dụng các ứng dụng trên Cổng DVCQG kể từ ngày 15/5, VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối Cổng DVC các cấp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng dịch vụ công, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn 1.500 tỉ đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO