Tăng tốc Chính phủ điện tử tạo thuận lợi cho người dân, DN, thu hút đầu tư

Xuân Tuấn| 11/05/2020 17:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc tăng tốc và thúc đẩy sử dụng Chính phủ điện tử (CPĐT) là rất cần thiết nhằm giảm đáng kế thời gian, chi phí, thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp (DN), thu hút nhiều nhà đầu tư.

Tăng tốc và thúc đẩy CPĐT

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) tổ chức sáng ngày 9/5, nhiều đại biểu từ Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam)... đã đề nghị với Chính phủ cần tăng tốc và thúc đấy sử dụng chính phủ điện tử (CPĐT), thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng điện tử, công nghệ áp dụng trong ngành tài chính, điện toán đám mây hiện đại và giảm việc sử dụng tiền mặt cho DN, người dân là rất cần thiết.

Ngoài ra, việc tăng tốc thực hiện các mục tiêu của công nghệ 4.0 và ngành kinh tế số sẽ giảm đáng kế chi phí thủ tục hành chính (TTHC) cũng như thời gian cho các DN và sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới - những nhà đầu tư hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu và thuận tiện trong kinh doanh.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, chính phủ số và DN số. Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy có thể tạo ra nhận thức mới cho toàn xã hội, biến thách thức thành cơ hội, đặc biệt là CNTT nếu biết tận dụng, nhu cầu sử dụng TMĐT bùng nổ, hệ thống thanh toán trực tuyến cũng có cơ hội được phát triển mạnh mẽ.

Đẩy mạnh tăng tốc, thúc đẩy sử dụng Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Với nội dung thúc đẩy sử dụng CPĐT tại Việt Nam trong thời gian qua, tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về xây dựng thể chế, chính sách, cải cách TTHC gắn với ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT. Tiêu biểu là trong công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVC TT) cho người dân và DN trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử cũng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Cổng DVCQG, Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Tính đến ngày 7/5/2020, Cổng DVC quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập, trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, DN. 

Cổng cũng đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.

5 DVC TT được triển khai trên Cổng DVCQG hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Theo VPCP, tính trong hơn 1 tháng trở lại đây (giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19), số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng DVCQG tăng gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý của 4 tháng trước đó (trung bình mỗi ngày Cổng DVCQG tiếp nhận, xử lý khoảng gần 1.400 hồ sơ trực tuyến). Điều này đã cho thấy sự hưởng ứng tích cực của người dân, DN đối với Cổng DVCGQ.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, DN, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 khi thực hiện các TTHC bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, VPCP đã phối hợp với một số bộ, cơ quan xây dựng, tích hợp cung cấp một số DVC TT và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng DVCQG theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, DN.

5 dịch vụ được triển khai, đó là: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, DN; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đẩy mạnh tăng tốc, thúc đẩy sử dụng Chính phủ điện tử - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: "5 dịch vụ này rất quan trọng. Chúng ta làm tốt vấn đề này để thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chính xác và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách".

Việc cung cấp DVC TT trên Cổng DVCQG theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Các DVC này trên Cổng DVCQG sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp.

Đổi mới lề lối làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, việc ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT đã có một số kết quả đáng kể, giúp đổi mới lề lối làm việc trong nội bộ các cơ quan nhà nước.

Được khai trương từ tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và 63 địa phương. Đến nay, gần 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tổng số văn bản gửi, nhận trong tháng 3 năm 2020 gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019; trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 đến 150.000 văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông.

Hệ thống thông tin và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khai trương tháng 6/2019 đã phục vụ 15 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (thay thế cho việc in ấn 51.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 330 phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành gần 53.000 phiếu giấy, hồ sơ tài liệu kèm theo.

Trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh. Trong tháng 3/2020, số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận đã tăng gấp 5 lần so với tháng đầu tiên khi vận hành Trục, đặc biệt trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hàng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.

Theo ước tính của VPCP, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng một năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh đó, gửi nhận văn bản điện tử còn góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Việc gửi nhận văn bản điện tử cũng giúp lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc Chính phủ điện tử tạo thuận lợi cho người dân, DN, thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO