Thanh toán bằng QR Code ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Minh Thiện| 14/07/2018 06:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Giải pháp thanh toán bằng QR Code được các chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng dự đoán sẽ phát triển rất nhanh tại Việt Nam, góp phần giảm thanh toán bằng tiền mặt đang rất phổ biến hiện nay.

Tiện lợi và an toàn hơn

An toàn, nhanh và tiện dụng, giải pháp thanh toán bằng QR Code phổ biến tại những nền kinh tế lớn trên thế giới đang trở thành xu hướng tại Việt Nam, với sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức mạnh về nền tảng công nghệ.

QR Code (Quick response code), hay còn gọi là mã phản hồi nhanh, là dạng mã vạch 2 chiều được đọc bằng máy đọc mã vạch hay smartphone có cài ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. QR Code được phát minh ở Nhật vào những năm 1990, sử dụng theo dõi hàng hóa trong lĩnh vực ô tô và gần đây được phát triển trở thành công cụ hỗ trợ thanh toán.

Tính năng QR trên ứng dụng điện thoại cho phép người dùng sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thực hiện nhanh một số giao dịch như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng. Chỉ cần một lần quét trong vài giây là có thể thanh toán thành công tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, taxi... mà không cần mang theo ví, không lo vấn đề tiền lẻ, không cần mang theo nhiều thẻ, không lo lộ thông tin thẻ tại các điểm thanh toán.

Các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) sẽ tạo ra QR Code, khi khách hàng quét mã vạch đó và nhập vào số tiền, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của DN, ngân hàng đó. Có thể nói các công ty giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử đang kỳ vọng khá lớn vào sự phổ biến của hình thức này để giảm rủi ro. Bởi cho đến nay, dù các dịch vụ thanh toán trực tuyến ở Việt Nam rất phát triển nhưng chỉ 5% người mua thanh toán bằng hình thức này, tiền mặt vẫn được sử dụng phổ biến.

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) Việt Nam 2017, thanh toán phát hàng thu tiền (COD) chiếm tỉ trọng lên tới 90% trong mua bán trực tuyến. Hà Nội và TP. HCM đang giữ vai trò đầu tàu trong thanh toán điện tử. Việc ứng dụng hình thức mới QR Code (mã vuông) cũng sẽ giúp cho việc thanh toán được triển khai dễ dàng hơn ra các tỉnh thành, phù hợp với xu hướng thanh toán trực tuyến mới trên nền tảng di động và giúp Việt Nam tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng phương thức thanh toán bằng mã QR đã được đông đảo những người sở hữu điện thoại thông minh tích cực đón nhận. Theo một số chuyên gia tài chính, trong tương lai, hình thức thanh toán này không những được ứng dụng rộng rãi trên các trang thương mại điện tử, nhà hàng, siêu thị lớn mà ngay cả các cửa hàng quy mô nhỏ cũng quét được QR bởi hiện nay rất nhiều người sử dụng smartphone. 

Ước tính của trang web Statista, thị trường thanh toán trực tuyến từ các thiết bị thông minh bao gồm các công nghệ như QR Code, NFC... ở Việt Nam năm 2017 là 18 triệu USD, giá trị trung bình mỗi giao dịch là hơn 10 USD. Con số này sẽ tăng lên hơn 230 triệu USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là hơn 67%.

Theo khảo sát trong Ngày mua sắm trực tuyến của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), có đến 40% người sử dụng smartphone để mua sắm. Statista cũng dự đoán số người thanh toán qua smartphone ở Việt Nam sẽ đạt mốc 5,4 triệu vào năm 2022.

Thấy được tiềm năng lớn này, các ngân hàng đã đua nhau tích hợp mã QR trên ứng dụng ngân hàng di động như một xu hướng thanh toán mới nhằm gia tăng tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, các nhà băng còn đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người dùng.

Tại Việt Nam hiện nay đã có hơn 8.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR thuộc rất nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm, shop thời trang, taxi...  Sản phẩm này bước đầu được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng (chủ yếu qua Mobile Banking) như: Sacombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, NCB, SCB, ABBank, TPBank… Trong đó, QR Pay được tích hợp trong các ứng dụng Mobile Banking như VCB-Mobile B@nking, VietinBank iPay Mobile, BIDV Smart Banking, Agribank E-Mobile Banking, NCB Smart, SCB Mobile Banking, ABBANKmobile hay TPBank QuickPay hay Sacombank mCard…

Đại diện tổ chức thẻ tín dụng VISA cho biết: Với hình thức thanh toán qua mã vuông QR Code, các đơn vị kinh doanh sẽ tuyệt đối an toàn trước vấn nạn “giao dịch bẩn" như hình thức thanh toán thẻ tín dụng thông thường. Với giao dịch thẻ tín dụng thông thường, các hacker có thể chiếm đoạt thông tin thẻ của nạn nhân và sử dụng để mua sắm toàn cầu. Với mã vuông QR Code được định danh cá nhân 100% giữa thẻ tín dụng, chủ tài khoản ngân hàng và số điện thoại, ứng dụng điện thoại...nên việc ăn cắp thông tin thẻ để giao dịch không thể xảy ra.

QR Code chuẩn EMVCo có thể thanh toán quốc tế

Sau Ấn Độ và Châu Phi, Việt Nam là nơi thứ 3 và là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới được VISA đưa hình thức thanh toán QR Code vào hoạt động và giải pháp thanh toán này được sử dụng thống nhất trên toàn cầu. Người dùng sử dụng các ứng dụng có tích hợp VISA QR có thể thanh toán tại các điểm chấp nhận VISA QR trên thế giới tương tự như sử dụng thẻ VISA. Công ty Cổ Phần Công Nghệ MPOS Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng giúp phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán VISA QR trên toàn quốc.

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Việc sử dụng điện thoại di động và công nghệ mã QR sẽ bổ trợ cho các điểm POS hiện nay bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp một phương thức chấp nhận thanh toán điện tử với chi phí hợp lí, hiêu quả cao; cho phép người tiêu dùng quét mã để thanh toán với Visa thay vì phụ thuộc vào tiền mặt. Do đó, chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kể để công nghệ mã QR thúc đẩy việc áp dụng và chấp nhận thanh toán điện tử trên toàn quốc, đặc biệt là ở những đơn vị chấp nhận thẻ nhỏ lẻ hay tại các vùng sâu, vùng xa.”

MPOS đã đưa giải pháp thanh toán trên di động QR Code tới hơn 3.000 nhà bán lẻ tích hợp phương thức thanh toán QR vào các thiết bị chấp nhận MPOS tại Việt Nam. Giải pháp này được phát triển dựa trên tiêu chuẩn quốc tế của tổ chức EMVCo, cho phép các đơn vị bán lẻ sử dụng một mã QR duy nhất để chấp nhận thanh toán từ các ứng dụng di động kích hoạt mã QR chuẩn EMVCo.

Đại diện MPOS Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc chia sẻ: “Giải pháp thanh toán QR của Visa sẽ thúc đẩy giao dịch thanh toán thương mại điện tử cũng như các dịch vụ thanh toán di động, giao hàng và thu phí tại nhà. Dịch vụ này sẽ được triển khai trên toàn quốc, đặc biệt những khu vực mà thanh toán điện tử còn sơ khai, chưa phát triển. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ có khoảng 100.000 điểm chấp nhận thanh toán theo hình thức này tại Việt Nam.”

Sẽ thống nhất chuẩn chung

Mặc dù, thanh toán bằng QR Code đang trở thành xu hướng trong một nền kinh tế muốn gia tăng tỉ trọng thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng vẫn chưa có chuẩn chung về QR Code, gây khó khăn trong việc liên thông thanh toán. Hình thức thanh toán QR Code của một số ngân hàng bị khép kín, không tương thích với các mạng lưới khác, hay bắt buộc các đơn vị chấp nhận thanh toán phải sử dụng nhiều mã QR khác nhau. Một số đơn vị tự xây dựng hệ thống thanh toán mã QR của riêng mình khiến khách hàng chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, dẫn đến thị trường bị chia cắt và không thuận lợi trong giao dịch đối với khách hàng. Trước thực tế đó, rất cần một chuẩn chung về mã QR để các hệ thống khác nhau có thể đọc được mã của nhau và quan trọng hơn là hướng tới sự liên thông trong thanh toán.

Để giải quyết vấn đề này, hiện tại, Ngân hàng nhà nước đã hoàn tất xây dựng tiêu chuẩn cơ sở: "Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam", tiêu chuẩn cơ sở này dự kiến sẽ được ban hành vào quý III/2018. Nếu không có gì thay đổi, tiêu chuẩn QR Code do Ngân hàng nhà nước ban hành sẽ tuân theo tiêu chuẩn EMVco.

EMVCo là cơ quan công nghệ toàn cầu xúc tiến việc chấp nhận và tương kết các giao dịch thanh toán an toàn trên toàn thế giới bằng cách quản lý và phát triển các chuẩn mực kỹ thuật EMV và những quy trình kiểm tra liên quan. Qua đó, giúp thúc đẩy một khung thanh toán quốc tế thống nhất nhằm hỗ trợ những phương thức thanh toán, các công nghệ và môi trường thanh toán cao cấp. EMVCo được đồng sở hữu bởi 6 tổ chức American Express, Discover, JCB, Mastercard, UnionPay và Visa, và tập trung vào phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật EMV. Việc mã QR phát triển bởi các ngân hàng và tổ chức thanh toán nội địa đạt chuẩn đồng nghĩa với việc các ứng dụng di động của sáu tổ chức thanh toán quốc tế có thể quét được định dạng mã QR này và ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng trong nước cũng có thể quét được mã của các tổ chức quốc tế

Khi chuẩn QR Code được áp dụng, những đơn vị sớm định hình phát triển ứng dụng thanh toán QR Code theo chuẩn quốc tế EMVco sẽ có lợi thể so sánh đáng kể với sự đi trước về thời gian.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán bằng QR Code ngày càng phổ biến tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO