Tháo gỡ thủ tục cho doanh nghiệp Việt - Hàn trong bối cảnh COVID-19

PV| 17/07/2020 20:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều 17/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan đồng chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của DN trong bối cảnh COVID-19.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều Bộ, ngành, địa phương, đại diện các DN Hàn Quốc hiện đang đầu tư vào Việt Nam. Hội nghị được trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế-xã hội (KTXH) của các quốc gia trên thế giới.

Tháo gỡ khó khắn vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Ở Việt Nam, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt KTXH. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh; quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Tính đến ngày 17/7/2020, Việt Nam ghi nhận 381 trường hợp mắc COVID-19; tuy nhiên, trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh; quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Trong số các trường hợp mắc COVID-19, đã có 356 trường hợp khỏi bệnh, 25 trường hợp đang được điều trị; liên tiếp 92 ngày qua Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi lớn trên thế giới và vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam và Hàn Quốc đều được đánh giá là những điển hình của thế giới trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; kiên định với mục tiêu tăng trưởng 3-4%; lạm phát dưới 4%. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công; từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử.

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Tháo gỡ khó khắn vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, DN.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp 801 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); hơn 51 triệu lượt truy cập (tăng gấp đôi so với 3 tháng trước); có hơn 196.000 tài khoản đăng ký, gần 12 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái... Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVCTT khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương

Liên quan tới nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7% - 4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm, Việt Nam có hơn 62.000 DN đăng ký thành lập mới; có trên 25.000 DN quay trở lại hoạt động.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 15,7 tỷ USD, trong đó có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD.

Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam thì Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 5, đạt trên 544 triệu USD, chiếm 6,5%. Cho đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, tổng số vốn lũy kế gần 70 tỷ USD với hơn 8.000 dự án đang tạo việc làm cho trên 700 nghìn lao động ở nhiều địa phương, đóng góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, năm 2020 Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020 - 2021, vì vậy: "Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung như là việc phối hợp khắc phục dịch bệnh COVID-19".

Tại hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho biết, hội nghị hôm nay được tổ chức dành cho các DN Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Bên cạnh lắng nghe khó khăn của DN, những chính sách của Việt Nam để hỗ trợ DN thì hội nghị cùng là dịp để hai bên cùng thảo luận phương hướng hợp tác trong tương lai để 2 nước tiếp tục phát triển sau COVID-19.

Tháo gỡ khó khắn vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 3.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đại sứ Hàn Quốc nêu kiến nghị liên quan đến việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc để giao lưu nhân dân giữa hai nước sớm khôi phục trở lại. Để thúc đẩy vấn đề này, Đại sứ đề nghị các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc thành lập nhóm làm việc để thúc đẩy bình thường hóa giao lưu nhân dân.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ DN để không gặp khó khăn về TTHC, không gặp khó khăn trong quá trình thay đổi đăng ký đầu tư để mở rộng đầu tư. Đối với dự án xây dựng quy mô lớn có DN Hàn Quốc tham gia, Đại sứ đề nghị có sự quan tâm tích cực để không phát sinh khó khăn do TTHC, không có nhà đầu tư nào thiệt hại ngoài ý muốn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ thủ tục cho doanh nghiệp Việt - Hàn trong bối cảnh COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO