Thị trường 5G đầy hứa hẹn với các nhà mạng Việt Nam

Minh Thiện| 18/10/2019 16:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2025, theo một nghiên cứu được tài trợ của Cisco

Cơ hội phát triển mới cho cả nhà mạng và toàn bộ nền kinh tế

Mới đây, Cisco phối hợp cùng với Công ty tư vấn quản lý Hoa Kỳ A.T. Kearney thực hiện Báo cáo “5G tại Đông Nam Á: Tái khởi động tăng trưởng tại các thị trường doanh nghiệp và tiêu dùng” với mục đích đem đến những cập nhật về quá trình phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng của mạng 5G. Nội dung báo cáo chia sẻ những thông tin mới nhất về tình hình triển khai 5G tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng như những thách thức mà các quốc gia trong khu vực phải giải quyết khi triển khai mạng 5G.

Đại diện Cisco chia sẻ nội dung quan trọng nêu trong Báo cáo

Ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN, cho biết: “Việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm chín muồi đối với các nhà khai thác viễn thông. Tỉ lệ sử dụng dữ liệu di động đang tăng nhanh chóng khi người dùng tiêu thụ ngày càng nhiều dịch vụ và nội dung trên thiết bị cá nhân của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0), được củng cố bởi Trí tuệ nhân tạo, IoT, in 3D, rô-bốt và thiết bị đeo tân tiến, để thúc đẩy tăng trưởng. Việc áp dụng thành công các công nghệ nêu trên chủ yếu phụ thuộc lớn vào nền tảng và khả năng kết nối của mạng viễn thông. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông tăng cường sự hiện diện của họ trên thị trường doanh nghiệp và duy trì sự tăng trưởng dài hạn trong mảng khách hàng này”.

Ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN, chia sẻ với các phóng viên Việt Nam về nghiên cứu phát triển 5G khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Tốc độ cao, độ trễ thấp và kết nối ổn định ở mức cao sẽ giúp các công ty khai thác viễn thông cung cấp kết nối Internet siêu nhanh, cho phép truyền phát video với độ phân giải cao, dịch vụ giải trí được cung cấp trên điện toán đám mây và đem các dịch vụ có nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR/VR) tới người tiêu dùng. Ông Naveen Menon khẳng định: Các tính năng này giúp nhanh chóng thương mại hóa các mô hình dịch vụ và ứng dụng mới của mạng 5G ( 5G use case) bao gồm các ứng dụng cho thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, các ứng dụng của Internet vạn vật (IoT) với quy mô lớn. Các nhà khai thác viễn thông vì thế có khả năng gia tăng doanh thu từ cả người tiêu dùng cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp.

Nghiên cứu chỉ ra rằng giai đoạn tăng trưởng ban đầu của việc áp dụng 5G dự kiến sẽ đến từ các khách hàng cao cấp và các thiết bị giá trị cao, sau đó số lượng thuê bao sẽ bắt đầu tăng lên nhanh chóng cùng việc các thiết bị này trở nên phổ biến hơn. Nghiên cứu dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập của mạng 5G sẽ ở mức 25 – 40% tại các quốc gia chính trong khu vực. Tổng số thuê bao 5G tại khu vực ASEAN được dự báo vượt mức 200 triệu vào năm 2025.

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ: “Các quốc gia như Việt Nam từ lâu đã được hưởng lợi từ chi phí lao động tương đối thấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực chủ chốt như sản xuất. Tuy nhiên, nhờ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều này sẽ không còn là lợi thế trong những năm tới. Các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được điều này và đang tìm cách tận dụng các công nghệ liên quan đến Công nghiệp 4.0 để cải thiện hiệu suất và duy trì tăng trưởng của họ trong tương lai. Triển khai dịch vụ 5G sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp và đem tới những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam

Khi các nhà khai thác viễn thông sẵn sàng triển khai dịch vụ 5G, họ có khả năng đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng 5G của khu vực vào năm 2025. "Riêng ở Việt Nam, mức đầu tư này vào khoảng 1,5 – 2,5 tỷ USD giai đoạn 2020 – 2025", bà Lương Thị Lệ Thủy cho biết thêm.

Những thách thức phải vượt qua

Ông Frederik Hoogenboom, Giám đốc kỹ thuật khối nhà cung cấp dịch vụ của Cisco, cho biết: “Việc triển khai dịch vụ 5G sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể vào công nghệ để hiện đại hóa các mạng lưới kết nối viễn thông. Tại Đông Nam Á, các nhà khai thác viễn thông có thể sẽ tiếp tục đầu tư vào nâng cấp mạng 4G của họ và đưa vào các tính năng của công nghệ 5G theo từng bước được tính toán kỹ. Điều này cho phép mạng 4G và 5G hoạt động đồng thời, giúp các công ty kiểm soát chi phí đầu tư và tỷ suất hoàn vốn (ROI) bền vững. Cisco đang hợp tác với các nhà mạng trong hành trình triển khai 5G và đã có một số khách hàng trong khu vực ASEAN đã và đang tham gia chuyển đổi mạng 5G”.

Ông Frederik Hoogenboom giới thiệu một số nội dung có tính kỹ thuật chuyên sâu thể hiện trong Báo cáo

Bản nghiên cứu chỉ ra rằng, so với 4G thì 5G mang đến tốc độ nhanh gấp 50 lần, phản hồi nhanh hơn 10 lần và yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng thấp hơn nhiều. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi sự kết hợp của ba tính năng đặc biệt – thông lượng cao, độ trễ cực thấp và mức tiêu thụ năng lượng thấp cho mỗi kết nối di động.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng để khai thác tiềm năng này, khu vực ASEAN cần giải quyết một số thách thức chính. 

Đầu tiên là sự chậm trễ giải phóng và cung cấp phổ tần dành cho dịch vụ 5G và kéo theo việc triển khai mạng lưới không được tối ưu tốt nhất. 5G sẽ được triển khai trên nhiều băng tần, với 3 băng tần quan trọng trên toàn cầu trong thời gian tới: Băng tần thấp (700 MHz), băng tần trung (3.5 – 4.2 GHz) và băng tần cao với bước sóng milimet (24 – 28 GHz). Tại Đông Nam Á, nhiều băng tần này đã được sử dụng để cung cấp các dịch vụ khác. Băng tần thấp được sử dụng cho truyền hình miễn phí (FTA TV) và băng tần trung được sử dụng cho các dịch vụ vệ tinh. Mặc dù các băng tần với bước sóng milimet là sẵn có, việc triển khai này cần kết hợp với băng tần có dải tần số thấp để cho phép phủ sóng diện rộng tới khu vực ngoại ô và nông thôn cũng như trong tòa nhà với mức chi phí kinh tế nhất.

Ngoài ra, các nhà mạng sẽ cần xây dựng cẩn thận danh mục các dịch vụ và giá cả cho 5G khi khuyến khích và chuyển người dùng sang mạng tốc độ cao. Người tiêu dùng sẽ rất hào hứng với 5G và sẵn sàng chi trả để có chất lượng tốt hơn, mà các dịch vụ này không thể có như ở công nghệ 3G hay 4G. Việc này giúp các nhà mạng tránh khỏi thảm họa tham gia vào cuộc chiến về giá chỉ để thu hút nhiều thuê bao hơn với hi vọng khách hàng sẽ trả cao hơn ở giai đoạn sau, việc này là rất nguy hiểm.

Về phía doanh nghiệp, nhà mạng cần tạo ra những khả năng mới và kết hợp các kết nối nâng cao với các giải pháp và ứng dụng để giúp khách hàng hiểu, thực hiện và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng. Họ cũng sẽ phải đối đầu với một loạt các đối thủ cạnh tranh cung cấp mạng dành riêng cho doanh nghiệp.

Nội dung Báo cáo cho thấy rõ, tiềm năng tổng thể của việc triển khai 5G tại ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, khu vực cần phải giải quyết các thách thức chính. Điều này đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên liên quan – cơ quan quản lý, nhà khai thác và doanh nghiệp. Với những thách thức về hệ sinh thái và giá trị lớn trong cả đầu tư hiện tại và doanh thu tương lai buộc các cơ quan quản lý phải đóng vai trò trung tâm. Các vấn đề chính mà cơ quan quản lý cần ưu tiên giải quyết là: Đảm bảo tính khả dụng của phổ tần trong thời gian ngắn, thúc đẩy chia sẻ cơ sở hạ tầng và duy trì sự phát triển của khả năng an ninh mạng quốc gia trên toàn khu vực

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thị trường 5G đầy hứa hẹn với các nhà mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO