Thủ tướng yêu cầu xử lý thông tin báo chí phản ánh

PV| 02/06/2020 15:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao một số Bộ liên quan xử lý thông tin báo nêu về tai nạn đường thủy nội địa tăng, cũng như việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.

Trước đó, Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng ra ngày 26/5/2020 có bài về việc "Tai nạn đường thủy nội địa tăng 138%". Bài viết nêu: Tai nạn giao thông đường thủy đã tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020, trong đó số người chết tăng 138%. Nguyên nhân chủ yếu do các phương tiện thuyền gia dụng tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định an toàn về giao thông. Trong khi chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Xử lý thông tin báo nêu về tai nạn đường thủy nội địa tăng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề nêu trên (nhất là đò ngang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý. Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông đường thủy.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có ý kiến về một số thông tin nêu tại Báo điện tử VietNamNet liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Cụ thể, văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Báo điện tử VietNamNet nêu thông tin Kiểm toán chuyên đề các dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề gây bức xúc trong việc sử dụng vốn vay ODA, quy định nhiều ràng buộc bất lợi như chi phí tư vấn, chuyên gia, quy định về nhà thầu, lựa chọn nhà thầu làm cho các dự án sử dụng ODA tưởng rẻ hóa đắt.

Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đánh giá về những vấn đề chưa hợp lý trong sử dụng vốn ODA và đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, VietNamNet đã đăng tải bài viết "Quy định 'lạ', ràng buộc bất lợi ODA tưởng rẻ hóa đắt". Bài viết dẫn kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi gặp những ràng buộc bất lợi. Đơn cử việc phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí “đắt đỏ”.

Đơn cử, Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh, công tác tư vấn thiết kế, giám sát thi công phải sử dụng nhà thầu quốc tế, chuyên gia tư vấn nước ngoài nên chi phí tăng cao gấp nhiều lần so với sử dụng tư vấn trong nước.

Cụ thể, Gói thầu C, Chi phí tư vấn thiết kế và hỗ trợ đấu thầu tăng từ 6,2 tỷ đồng lên 60,4 tỷ đồng, tương đương 9,7 lần; chi phí tư vấn giám sát tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 66,2 tỷ đồng tương đương 13,5 lần.

Tại gói thầu G, chi phí tư vấn thiết kế cũng tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 12,5 tỷ đồng, tương đương 2,5 lần; chi phí tư vấn giám sát tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 22,4 tỷ đồng tương đương 4,5 lần.

Có dự án bị buộc áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế trên cơ sở chất lượng và chi phí; lựa chọn nhà thầu có trụ sở từ bên cho vay, nhà thầu nước ngoài, quy định chi tiết đề cương và nhân sự tư vấn giám sát trong khi không phải dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng yêu cầu xử lý thông tin báo chí phản ánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO