Thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế "sandbox"

Lan Phương, Ảnh: Mạnh Vỹ| 02/07/2020 13:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Giao dịch điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt, sau mỗi lần đại dịch, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định.

Ngày 2/7, Bộ TT&TT, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) chuyên đề các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và GDĐT trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và Môi trường Quốc hội; bà Đoàn Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên thường trực Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội.

GDĐT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao (tại Nghị quyết số 01/CP ngày 01/01/2020 "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020"), Bộ TT&TT đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tổng kết thi hành Luật GDĐT.

Thúc đẩy các giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: GDĐT sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Sau mỗi lần đại dịch, GDĐT càng phát triển mạnh.

Cũng với sự phát triển, Thứ trưởng nhận định: GDĐT sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Đặc biệt, sau mỗi lần đại dịch, GDĐT càng phát triển mạnh. Như đã biết, sự bùng phát dịch SARS năm 2003 được xem là sự thúc đẩy đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), sản sinh ra những gã khổng lồ TMĐT Trung Quốc như Alibaba và JD.com.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tái định hình các chuỗi cung ứng, làm thay đổi cách thức giao tiếp, làm việc, thực hiện các dịch vụ,... trên môi trường trực tuyến, khiến cho các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật,… trong GDĐT càng trở nên hết sức quan trọng.

Thúc đẩy các giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế

Ông Nguyễn Trọng Đường: Luật GDĐT là căn cứ để ban hành nhiều văn bản dưới luật

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã thông tin một số kết quả triển khai Luật GDĐT. Luật GDĐT là sở cứ để triển khai các hoạt động GDĐT trong thương mại, tài chính, kinh tế, xã hội và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Luật là căn cứ để ban hành nhiều văn bản dưới luật như 71 văn bản pháp luật liên quan, 10 Nghị định, 47 Thông tư, 14 Quyết định các cấp và nhiều văn bản hướng dẫn thực thi. Gần 90 cơ quan thực hiện trao đổi văn bản điện tử, hơn 2 triệu văn bản trao đổi qua trục Văn bản quốc gia.

Trên cổng dịch vụ công quốc gia đã có 726 thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 10.746.608 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý, 157.031 hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng.

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT 2019, quy mô thị trường TMĐT năm 2018 đạt 7,8 tỷ USD, bao gồm bán lẻ, du lịch, tiếp thị trực tuyến, giải trí và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 30% năm. Năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Sửa đổi luật để đáp ứng sự phát triển của kinh tế số, CMCN 4.0

Trong quá trình triển khai đánh giá, tổng kết thi hành Luật GDĐT, Bộ TT&TT đã tổ chức các buổi làm việc với Bộ Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Qua đó, Bộ TT&TT nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và những ý kiến đóng góp tích cực, mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm giá trị pháp lý, tính "Tin cậy" trong GDĐT.

Các ý kiến đóng góp đã thể hiện những tồn tại, vấn đề bất cập, những quy định thiết yếu còn thiếu để bảo đảm GDĐT an toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để người sử dụng có được "Niềm tin" trên môi trường mạng.

Theo phân tích của ông Đường, Luật GDĐT 2005 được xây dựng theo hình thức luật khung, nhiều quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; quy định tại các Nghị định, Quyết định, Thông tư theo các ngành xuất hiện sự thiếu thống nhất, không đồng bộ, khó liên thông khi mở rộng phạm vi giao dịch, có thể chồng chéo, mâu thuẫn.

Luật GDĐT đã được ban hành gần 15 năm, trong thời gian đó, công nghệ, kỹ thuật và đời sống kinh tế, xã hội đã có những bước tiến lớn, đòi hỏi Luật phải thay đổi cho phù hợp.

Thúc đẩy các giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế

Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo tổng kết của các bộ ngành, địa phương về Luật GDĐT hầu hết đều đề xuất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật, với các vấn đề cụ thể như: mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật (95%); Quy định cụ thể hơn giá trị pháp luật của thông điệp dữ liệu; Quy định cụ thể hơn giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, hồ sơ điện tử (80%); Bổ sung quy định về định danh, xác thực điện tử (90%); Quy định cụ thể hơn về chữ ký điện tử (80%).

Cũng có ý kiến cần kiện toàn bộ máy về cơ chế cho GDĐT, nhằm tăng cường quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung của luật được ông Đường đề cập như bất cập trong quyết định về phạm vi điều chỉnh của Luật.

Cụ thể, tại điều 1 Luật GDĐT 2005 về phạm vi điều chỉnh có quy định loại trừ không áp dụng đối với một số lĩnh vực (bất động sản, thừa kế, kết hôn…) gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và GDĐT trong các lĩnh vực loại trừ. Hiện nay, an toàn, an ninh và công nghệ xác thực đã phát triển nên cần xem xét loại bỏ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trước đây cũng có những loại trừ nhưng nay đã hoặc đang điều chỉnh sửa đổi.

Bên cạnh đó là bất cập trong quy định về thông điệp dữ liệu, chứng từ, hồ sơ điện tử; chữ ký điện tử; thiếu quy định về danh tính số và định danh, xác thực điện tử đối với cá nhân, tổ chức; Thiếu quy định về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử; Thiếu quy định về quản lý, phát triển tổ chức trung gian phục vụ GDĐT; Bất cập trong quy định về GDĐT của cơ quan nhà nước; Bất cập trong quy định về nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT.

"Việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐT là rất cần thiết để giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển, nhu cầu về GDĐT tin cậy, an toàn, và áp dụng được các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến", ông Đường nhấn mạnh.

Ông Đường cũng cho hay, sửa đổi Luật để đồng bộ các quy định trong Luật GDĐT với các văn bản pháp luật được ban hành từ năm 2005 đến nay. Việc sửa đổi Luật còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng đòi hỏi của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần cơ chế sandbox trong quy định mới

Cũng để đáp ứng phát triển CMCN 4.0, bà Lưu Hương Ly,Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đề xuất khi sửa đổi Luật GDĐT trong thời gian tới cần gắn với công nghệ, kinh tế số, CMCN 4.0, chuyển đổi số quốc gia.

Thúc đẩy các giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế

Bà Lưu Hương Ly: Hiện là giai đoạn mà công nghệ và pháp luật phải pháp luật song hành với nhau

Tuy nhiên, bà Ly cũng cho rằng: Khi tiếp cận đối với việc ban hành chính sách pháp luật liên quan đến công nghệ, kinh tế số, CMCN 4.0 thì nguyên tắc đầu tiên là phải cân bằng giữa một bên đổi mới sáng tạo và rủi ro. Có nghĩa là, một mặt, Nhà nước sẽ phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng mặt khác cũng phải hạn chế rủi ro đối với xã hội, hạn chế lạm dụng công nghệ để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Bà Ly khuyến nghị cần phải tạo điều kiện để phát triển các công nghệ mới và hạn chế áp đặt các quy định cấm trước khi các vấn đề chưa rõ ràng liên quan đến GDĐT được giải quyết nhằm có thể thúc đẩy phát minh, sáng tạo, thử nghiệm.

Đồng thời, người dân và doanh nghiệp cần được cảnh báo về các rủi ro liên quan và các hỗ trợ (nếu có) cho các hoạt động liên quan.

Cũng theo bà Ly, công nghệ hiện nay phát triển rất nhanh mà vẫn duy trì tư duy quản lý xây dựng chính sách, pháp luật theo tư duy cũ thì sẽ luôn luôn lạc hậu với công nghệ. Theo đó, đây là lý do mà các tổ chức quốc tế như OECD đang khuyến nghị nhiều về cơ chế sandbox - khung pháp lý thử nghiệm, mở đường cho việc quản lý các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ mới sử dụng công nghệ. Đây là điều mà lưu ý trong quá trình xây dựng, sửa đổi Luật GDĐT.

"Đây chính là giai đoạn mà công nghệ và pháp luật phải pháp luật song hành với nhau. Nếu vẫn giữ tư duy cũ thì pháp luật sẽ luôn luôn theo sau công nghệ và công nghệ cũng không phát triển được", bà Ly cho hay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế "sandbox"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO