Thực tế ảo thay đổi trải nghiệm âm nhạc trực tiếp như thế nào

Hoàng Linh| 28/02/2020 15:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong vài năm gần đây, các chương trình hòa nhạc được truyền qua các tai nghe thực tế ảo (Virtual reality - VR), cho phép người hâm mộ thưởng thức khung cảnh ảo thoải mái ngay tại nhà riêng.

Một số nền tảng VR vượt ra ngoài việc tạo trải nghiệm trực tiếp, bằng cách mang đến các quan điểm và tương tác mà người dùng không bao giờ có thể có được nếu họ có mặt ngay tại chương trình biểu diễn thực.

Ra mắt vào năm 2018, MelodyVR đã xây dựng một thư viện các chương trình biểu diễn trực tiếp, được ghi lại để phát trực tuyến đến tai nghe Oculus VR hoặc các thiết bị iPhone và Android thông qua ứng dụng vào một ngày sau đó.

MelodyVR cho biết đã làm việc với hơn 850 nhạc sĩ, bao gồm Kelly Clarkson, Wiz Khalifa và Lewis Capaldi.

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Lewis Capaldi thực hiện một chương trình mở rộng cho MelodyVR

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể xem các buổi hòa nhạc như thể họ ở hậu trường, đằng sau phòng âm thanh hoặc thậm chí trên sân khấu với ban nhạc.

MelodyVR cũng đã tạo ra nhiều trải nghiệm mới lạ hơn như một màn trình diễn VR của ca sĩ người Anh Emeli Sandé hiển thị đồng thời hai hình ảnh của cô, một hình ảnh chơi piano và một hình ảnh đang hát.

Năm nay, MelodyVR có kế hoạch bắt đầu cung cấp phát trực tiếp thông qua một vé ảo trả tiền trước và đã thiết kế camera riêng cho kế hoạch này.

"Chúng tôi cần tạo ra các camera VR sẽ không cản trở quá trình sản xuất, nhưng cũng có thể tồn tại với nhiều yếu tố có thể có trong một buổi biểu diễn âm nhạc, cho dù đó là các nghệ sĩ nhảy xung quanh ngay cạnh camera, rượu sâm banh bị xịt tứ tung, hoặc pháo hoa bắnngay trước mặt họ”, Steven Hancock, đồng sáng lập MelodyVR trao đổi với CNN.

MelodyVR thuộc sở hữu của EVR Holdings cho biết họ nắm giữ giấy phép phân phối VR toàn cầu với các tên tuổi lớn như Universal Music Group, Sony Music Entertainment và Warner Music Group, cũng như Beggars Group.

MelodyVR chưa tiết lộ có bao nhiêu người dùng hoặc bao nhiêu người đã xem các chương trình biểu diễn thông qua nền tảng này, nhưng EVR Holdings được định giá khoảng 220 triệu bảng (285 triệu USD) hồi tháng 1.

Hiện tại, MelodyVR đang vận hành mô hình trả tiền cho mỗi lượt xem (pay-per-view) - từ 1,99 USD cho một bài hát đến khoảng 10 USD cho toàn bộ buổi hòa nhạc - trên tai nghe Oculus và thông qua ứng dụng di động.

Năm nay MelodyVR sẽ cung cấp dịch vụ thuê bao tháng cho phép truy cập không giới hạn vào các buổi hòa nhạc và các chương trình độc quyền. MelodyVR chưa tiết lộ chi phí thuê bao. Đây không phải là công ty duy nhất thực hiện các buổi biểu diễn âm nhạc VR. Oculus Venues của Facebook cũng thực hiện trải nghiệm VR trực tiếp về các sự kiện thể thao và chương trình hài kịch, năm ngoái, Oculus đã phát trực tiếp một buổi hòa nhạc Billie Eilish ở Madrid.

Cũng như các sự kiện thể thao, một công ty khác, NextVR mang đến "trải nghiệm âm nhạc đắm chìm" được quay trong các câu lạc bộ đêm và studio. Trong khi DJ Marshmello đã thu hút hàng triệu người tham dự chương trình ảo của mình trong trò chơi trực tuyến Fortnite hồi năm ngoái.

Tương lai cho VR

Một thách thức đối với các công ty phát trực tuyến các buổi hòa nhạc là thị trường dành cho tai nghe VR chuyên dụng vẫn còn tương đối nhỏ. Hãng nghiên cứu thị trường công nghệ tại ABI Research dự báo thị trường VR sẽ vượt qua doanh thu 24,5 tỷ USD vào năm 2024, đồng thời thừa nhận rằng "VR vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng ban đầu của nó".

Để so sánh, theo công ty tình báo thị trường Newzoo, thị trường trò chơi toàn cầu trị giá khoảng 149 tỷ USD vào năm 2019.

Nhưng một số nhà phân tích nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn. Scott Buchholz, giám đốc nghiên cứu công nghệ mới nổi của Deloitte, trao đổi với CNN: "Thị trường VR có thể sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sự hội tụ ngày càng tăng của thiết bị AR và VR, cũng như khi giá tiếp tục giảm”.

MelodyVR cho biết sẽ tung ra thị trường tai nghe VR của riêng mình trong năm nay, để sử dụng với ứng dụng điện thoại. Với mức giá khoảng 20 USD giống các tai nghe điện thoại thông minh khác trên thị trường, điện thoại của người dùng sẽ đóng vai trò là màn hình và loa.

Steven Hancock, đồng sáng lập MelodyVR bác bỏ những ý kiến cho rằng các buổi hòa nhạc VR trực tiếp sẽ dẫn đến khả năng người hâm mộ sẽ không còn đi đến các buổi biểu diễn thực tế.

"Nếu ai đó có thể đi đến một chương trình biểu diễn thì họ sẽ luôn luôn như vậy.Nhưng trước tất cả các yếu tố hạn chế khiến mọi người không thể tham gia các chương trình trực tiếp như giới hạn địa lý, giới hạn độ tuổi hoặc chi phí ... chúng tôi nhận ra rằng có có cơ hội để phá vỡ mọi rào cản và thực sự toàn cầu hóa âm nhạc bằng VR”, đồng sáng lập MelodyVR cho hay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực tế ảo thay đổi trải nghiệm âm nhạc trực tiếp như thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO