Thương mại điện tử, CNTT là ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN

PV| 11/03/2020 16:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử (TMĐT), thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin (CNTT), nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo…

Thông qua các sáng kiến, ưu tiên nhằm tằng cường khối đoàn kết và nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Ngày 10/3 tại TP. Đà Nẵng, các Bộ trưởng Kinh tế thuộc ASEAN đã chính thức nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì Hội nghị.

Đây là hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng phụ trách kinh tế đầu tiên trong năm, là dịp quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN trao đổi, thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020, hướng tới hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025.

Tại Hội nghị AEM hẹp lần thứ 26, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Với sáng kiến còn lại liên quan đến giảm cước chuyển vùng quốc tế, các Bộ trưởng cũng thông qua nhưng giao các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trước khi có thể triển khai chính thức.

Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào các lĩnh vực như TMĐT, thương mại hàng hóa, năng lượng, CNTT, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo… được xây dựng theo 3 định hướng gồm: (i) Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; (ii) đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và (iii) nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần 26

Việc thông qua các sáng kiến ưu tiên này là một kết quả quan trọng giúp khẳng định vai trò của ASEAN hướng tới củng cố khối đoàn kết khu vực, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời chủ động ứng phó trước với các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ người dân mà còn nền kinh tế khu vực.

Bên cạnh các sáng kiến ưu tiên theo đề xuất của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị cũng đã rà soát và thống nhất các ưu tiên trong chương trình làm việc thường niên năm 2020 trong kênh kinh tế.

Danh sách này bao gồm 62 nội dung khác nhau thuộc phụ trách của AEM, thuộc các lĩnh vực hàng hóa (gồm thương mại hàng hóa, thuận lợi hóa thương mại, cơ chế một cửa ASEAN, tiêu chuẩn); thương mại dịch vụ; môi trường đầu tư; thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh; chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ; thông lệ tốt; TMĐT; thúc đẩy vai trò của các DN SMEs; ASEAN toàn cầu; số liệu thống kê.

Ngoài ưu tiên thảo luận về hợp tác nội khối, Hội nghị lần này cũng thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hợp tác ngoại khối. Cụ thể, Hội nghị AEM hẹp lần này đã thảo luận định hướng hợp tác liên quan đến một số đối tác cần sớm có định hướng mới như: thời điểm khởi động rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), hợp tác với Hàn Quốc...

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Hội nghị cũng đã thông qua 6 khuyến nghị của Hội nghị Nhóm Đặc trách cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) được tổ chức từ ngày 12-13/2 tại Hà Nội, trong đó đáng lưu ý là việc (i) nhất trí chỉ đạo các Nhóm công tác chuyên ngành đóng góp tích cực vào quá trình rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, hướng đến hoàn thành bản báo cáo sơ bộ cuối năm nay và bản cuối cùng vào đầu năm 2021; (ii) thông qua mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo RCEP là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.

Vào ngày 11/3, các Bộ trưởng ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về phương hướng để các nước ASEAN có thể thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực

Trả lời phóng viên báo chí trong và ngoài nước tại buổi họp báo tối ngày 10/3 sau khi hết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) lần thứ 26, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN khẳng định trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất chủ động, tích cực từ công tác chuẩn bị đến đưa ra các sáng kiến ưu tiên về kinh tế ASEAN 2020.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi họp báo thông tin kết quả AEM Retreat lần thứ 26

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thế giới, ASEAN và Việt Nam đang đối mặt với các khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hội nghị AEM Retreat lần thứ 26 chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh này. Dù vậy, trong khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chủ động cùng các nước trong ASEAN cũng như Ban Thư ký ASEAN hoàn tất công tác chuẩn bị bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch cũng như môi trường an toàn chung cho tất cả đại biểu các nước ASEAN tham gia Hội nghị.

Tại Hội nghị, Việt Nam đã đưa ra 13 sáng kiến ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế của ASEAN năm 2020. Những sáng kiến và nội dung triển khai lần này rất sâu rộng, hoàn toàn phù hợp với định hướng, vai trò chiến lược của ASEAN.

Những nội dung chuyên môn này được phía Việt Nam, mà cụ thể Bộ Công Thương chủ trì làm đầu mối, phối hợp với các bên liên quan, thông qua Ban Thư ký nhằm có được những phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các nước ASEAN để những sáng kiến này của Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu, quan điểm của Việt Nam mà trở thành sáng kiến chung của ASEAN, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ASEAN trong thời gian tới.

“Những sáng kiến và những nội dung của Hội nghị AEM lần này đi đúng vào thực chất, giúp cho ASEAN đạt được 3 mục tiêu quan trọng, quan trọng nhất là bảo đảm được khả năng thích ứng và ứng phó của ASEAN trong bối cảnh diễn biến rất mới và rất nhanh của toàn cầu ở tất cả các khía cạnh từ thương mại, kinh tế cho đến dịch bệnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Các quốc gia thành viên ASEAN thống nhất phải đẩy mạnh thương mại nội khối, chủ động thích ứng, tăng sức chống chịu với những thách thức mới nổi của thế giới, ví dụ như dịch bệnh Covid - 19

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, những sáng kiến Việt Nam đưa ra và được các thành viên ASEAN thông qua sẽ giúp ASEAN không chỉ có khả năng ứng phó và có những biện pháp hành động tập thể để đạt được mục tiêu của mỗi nước, mục tiêu chung của ASEAN, mà còn góp phần duy trì ASEAN như là một trung tâm kết nối, tạo dựng những khung phù hợp, hiệu quả trong khung khổ hợp tác của các nước trong khu vực ASEAN với các đối tác khác trên thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, New Zeland, Australia, Canada….

Các đại biểu ASEAN "yên tâm" về công tác phòng chống dịch của Việt Nam

Ông Suresh Kaliyana Sundram, đại biểu đoàn quan chức kinh tế Malaysia cho biết công tác chuẩn bị hội nghị lần này của Việt Nam rất tốt.

“Tại Hội nghị, hệ thống kiểm tra an ninh, đo thân nhiệt và các hướng dẫn phòng dịch rất hữu ích, giúp kiểm soát và bảo đảm an toàn cho các đại biểu. Tôi cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở đây”, ông Suresh Kaliyana Sundram cho biết.

Tương đồng với ý kiến trên, theo ông Maspiyono, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC), ngay khi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHồ Chí Minh), ông cũng như tất cả mọi du khách đều đã được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt và được cung cấp lịch trình di chuyển rất chi tiết.

“Khi tới TP. Đà Nẵng tham dự Hội nghị, tôi tiếp tục được kiểm tra sức khỏe tại khách sạn và thêm một lần kiểm tra nữa trước khi vào tham gia Hội nghị. Điều này là cần thiết. Tôi thấy công tác bảo đảm an toàn cho các đại biểu dự Hội nghị ASEAN lần này rất nghiêm ngặt và tôi rất yên tâm về điều đó”, ông Maspiyono chia sẻ.

Trước đó, tại Hội nghị Quan chức cấp cao trù bị (Prep-SOM), bà Nor Zelina Momin, Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei đánh giá và nhất trí cao với những sáng kiến của đoàn Việt Nam, tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đến năm 2025, đặc biệt là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tạo nền tảng để các nước ASEAN gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, ứng phó tốt hơn với các tác động bên ngoài. 

Đại biểu các nước thành viên ASEAN cho biết rất yên tâm về công tác bảo đảm an toàn cho các đại biểu dự Hội nghị lần này

Còn bà Donna Glutom, thành viên đoàn quan chức Indonesia đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm ứng phó với các thách thức của thời kỳ mới, ví dụ như dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu.

Bài liên quan
  • Hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN
    Theo Tổng cục Hải quan, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hoá tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử, CNTT là ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO