Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình, Thông tin điện tử có bước tiến mới

Xuân Tuấn| 10/06/2020 21:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chiều ngày 10/6, tại Hà Nội, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT đã tiến hành Đại hội Chi bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tới dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có bước tiến mới - Ảnh 1.

Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Những kết quả nổi bật nhiệm kỳ 2015-2020

Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020 của Chi bộ Cục PTTH&TTĐT nêu rõ: Nhiệm kỳ 2015-2020 là nhiệm kỳ có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và Nhà nước, nhiều thay đổi lớn tại Bộ TT&TT và có những thay đổi quan trọng trong lãnh đạo của đơn vị. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo, Đảng ủy Bộ TT&TT, sự phối hợp của các đơn vị, Chi bộ Cục PTTH&TTĐT xác định phải tập trung nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được giao nhiệm vụ, đây là những lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng, phát triển nóng và có sức lan tỏa lớn, tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp trong xã hội.

Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có bước tiến mới - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, không trông chờ, phát huy ý thức tự giác, vai trò tích cực của mỗi Đảng viên, xây dựng khối đoàn kết thống nhất cùng chung tay góp sức vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ngành PTTH&TTĐT đã đạt được kết quả quan trọng.

Về lĩnh vực PTTH

Trong những năm qua, để từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí trong lĩnh vực PTTH&TTĐT, Cục đã phối hợp với Viện Chiến lược - Bộ TT&TT, Cục Báo chí tham mưu để Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành: Luật Báo chí năm 2016; Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH; Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó có hệ thống PTTH; Một số Thông tư của Bộ TT&TT hướng dẫn Nghị định số 06/2016/NĐ-CP.

Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có bước tiến mới - Ảnh 3.

Toàn cảnh Đại hội

Các chính sách của lĩnh vực đã giúp lành mạnh, phát triển thị trường truyền hình trả tiền, quản lý tốt hơn, tác động tích cực nội dung PTTH, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí ngày càng cao, đa dạng của người dân và tăng cường năng lực sản xuất nội dung trong nước để cạnh tranh thu hút người xem.

Đối với khối các Đài PTTH trên cả nước, Cục đã tham mưu Bộ TT&TT nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các Đài, tạo thuận lợi để các Đài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết thực hiện Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg.

Tổng doanh thu của các Đài PTTH năm 2019 ước đạt 11.390 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2019); trong đó doanh thu quảng cáo đạt 9.067 tỷ đồng (giảm 5,9% so với năm 2018); tổng nộp NSNN đạt 709 tỷ đồng.

Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có bước tiến mới - Ảnh 5.

Đại hội tiến hành bầu chi uỷ, bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025

Năng lực sản xuất nội dung PTTH trong nước của khối các Đài tính đến tháng 5/2020, gồm: 87 kênh phát thanh, 196 kênh truyền hình (tăng thêm 3 kênh so với 2019 - 3 kênh tiếng dân tộc chuyên biệt phát sóng tại khu vực dành cho đồng bào dân tộc thiểu số: VTV5 Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên, VTV5 Tây Bắc).

Có 70 kênh truyền hình nước ngoài được biên tập để cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam (Số lượng không tăng so với năm 2019), 10 doanh nghiệp là đại lý cung cấp kênh truyền hình nước ngoài.

Với 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PTTH, hiện số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tính đến 2019 là 13,8 triệu thuê bao.

Về lĩnh vực thông tin điện tử

Trước sự phát triển của môi trường Internet, nhận thức rõ Internet đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội trên hầu hết các lĩnh vực, Chi ủy Chi bộ Cục PTTH&TTĐT đã định hướng, chỉ đạo triển khai các giải pháp xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thông tin trên Internet, thông qua công tác phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan thuộc Bộ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử.

Để giải quyết nhiều bất cập khi môi trường Internet phát triển, Cục đã tham mưu với Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có bước tiến mới - Ảnh 6.

Chi uỷ Chi bộ Cục PTTH&TTĐT nhiệm kỳ 2015-2020 hoàn thành nhiệm vụ

Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu Bộ TT&TT ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP để từng bước hoàn chỉnh hành lang pháp lý đối với lĩnh vực quản lý thông tin trên Internet.

Như vậy, trong cả nhiệm kỳ 2015-2020, Chi ủy Chi bộ luôn đảm bảo lãnh đạo thường xuyên trực tiếp đối với hoạt động của đơn vị trong lĩnh vực PTTH&TTĐT. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được tăng cường và chặt chẽ hơn. Chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt theo đúng quy định, các buổi sinh hoạt đều được Chi ủy, Bí thư Chi bộ chuẩn bị nội dung, chương trình, thời gian và thông báo trước cho đảng viên trong chi bộ, nội dung sinh hoạt đổi mới hơn.

Phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025

Chi bộ Cục PTTH&TTĐT xác định rõ nhiệm kỳ 2020 - 2025 là giai đoạn có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và của đất nước, tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chi bộ Cục PTTH&TTĐT tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT về "Làm Gương - Kỷ Cương - Trọng Tâm - Bứt Phá".

Chi bộ cũng xác định xây dựng đơn vị vững mạnh, tiếp tục đưa công tác quản lý PTTH&TTĐT có bước tiến mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành TT&TT.

Về xây dựng hệ thống chính sách quản lý và quy hoạch, Cục sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về PTTH&TTĐT, trọng tâm là hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH, nghiên cứu đề xuất và được ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng Internet.

Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có bước tiến mới - Ảnh 7.

Chi uỷ Chi bộ Cục PTTH&TTĐT nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội

Về phối hợp quản lý nhà nước tại địa phương, Cục sẽ nghiên cứu đổi mới về hình thức và nội dung trong công tác phối hợp với các Sở TT&TT của các tỉnh, thành phố, tăng cường phối hợp công tác hậu kiểm trên lĩnh vực PTTH&TTĐT.

Về hợp tác quốc tế, Cục sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác và tổ chức quốc tế để tham khảo và học tập các giải pháp quản lý hiện đại trên lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.

Cần có quy chế phối hợp công tác

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, sau đại hội phải có quy chế phối hợp công tác giữa Chi ủy đối với lãnh đạo Cục cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và xu hướng tới. Vì tới đây yêu cầu công tác quản lý có những điểm mới, như yêu cầu về chuyển đổi số.

Tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu: Cục cần phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và quản lý chính sách, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật và công nghệ, tuy nhiên không áp dụng máy móc cách làm của nước ngoài, mà phải tiếp thu những cái phù hợp.

Cuối cùng, Thứ trưởng yêu cầu Cục thực hiện đánh giá công tác phân cấp, phân quyền quản lý cho địa phương. "Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nên để cho địa phương quản lý là rất khó. Tuy nhiên, cần tổng kết lại những vấn đề đã phân cấp, cái gì làm tốt thì mạnh dạn triển khai tiếp, cái gì chưa được cần khắc phục, đánh giá lại", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đưa công tác quản lý Phát thanh truyền hình, Thông tin điện tử có bước tiến mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO