Tin giả về Covid-19 tác động lớn đến mức nào?

Bảo Bình| 17/10/2020 20:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Nghiên cứu mới về tin giả (fake news) cho thấy tiếp xúc với những thông tin giả mạo về COVID-19 đã tác động đến nhận thức và hành vi của mọi người như thế nào.

Nghiên cứu về tác động của tin giả với dịch COVID-19

Ciara M. Greene ở trường Đại học University College Dublin và Gillian Murphy, thuộc trường University College Cork của Ireland đã tiến hành nghiên cứu về những tác động này. Họ nhận thấy, trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với thông tin sai lệch về đại dịch có thể thay đổi hành động của con người - nhưng mức độ ảnh hưởng khá nhỏ, ít nhất là ở Ireland.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết để thực hiện dự án, họ để những người tham gia tiếp cận với những câu chuyện, thông tin giả mạo, chẳng hạn như tin về một số loại thực phẩm có thể giúp chống lại COVID-19, hay một loại vắc xin không an toàn sắp ra mắt. Quan sát cho thấy, tác động của những thông tin giả mạo này lên người đọc rất ít, họ hầu như không có ý định thực hiện hay tin tưởng vào những thông tin này. 

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm xem liệu những khuyến cáo về tin giả có khiến người đọc giảm bớt sự nghi ngờ đối với tính xác thực của thông tin. Kết quả cho thấy chính những lời cảnh báo của chính phủ và báo chí, truyền thông đã giúp người dùng, người đọc tỉnh táo hơn trước "ma trận thông tin".

Tin giả về Covid-19 tác động lớn đến  mức nào? - Ảnh 1.

Greene và Murphy đã tuyển chọn 3.746 người tham gia vào nghiên cứu của họ. Phần lớn những người tham gia đều có nền tảng giáo dục tốt, 2.395 người tham gia (64%) có ít nhất một bằng đại học.

Những người tham gia đã được xem các áp phích cảnh báo về sức khỏe cộng đồng, cũng như được tuyên truyền trước về việc các thông tin sai lệch "thường được thiết kế bắt chước hình thức và phong cách giống như các thông điệp y tế công cộng do chính phủ ban hành liên quan đến COVID-19 ở Ireland". Họ cũng được cho đọc bốn câu chuyện giả và bốn câu chuyện thật. Trong quá trình nghiên cứu, họ không được báo trước câu chuyện nào là thật và tin tức nào là giả.

Bốn thông tin giả mạo được sử dụng trong nghiên cứu là:

"Nghiên cứu mới từ Đại học Harvard cho thấy hóa chất trong ớt gây ra cảm giác "nóng" trong miệng, vì thế nó giúp giảm tốc độ sao chép của virus Corona. Các nhà nghiên cứu hiện đang xem xét đề xuất bổ sung nhiều thực phẩm cay vào chế độ ăn uống để giúp chống lại COVID-19"

"Vắc-xin phòng chống COVID-19 do một công ty dược phẩm hàng đầu bào chế có tỷ lệ biến chứng cao. Tuy nhiên, công ty đã bỏ qua những lo ngại này để có thể nhanh chóng phát hành vắc-xin".

"Một nghiên cứu do Đại học College London thực hiện cho thấy những người uống hơn ba tách cà phê mỗi ngày ít bị các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang tiến hành các bước tiếp theo để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa caffeine và hệ thống miễn dịch".

"Nhóm lập trình đã thiết kế ứng dụng HSE1, hỗ trợ theo vết những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, ứng dụng này gây lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu của công dân. Ứng dụng được thiết kế để theo dõi lịch trình di chuyển của mọi người nhằm hỗ trợ sáng kiến của chính phủ".

Và đây là bốn thông tin thật mà những người tham gia nghiên cứu được tiếp cận:

"Nghiên cứu mới từ Trinity College Dublin tiết lộ rằng vitamin D có khả năng làm giảm các biến chứng nghiêm trọng của virus Corona. Các nhà nghiên cứu kêu gọi chính phủ khuyên công dân Ireland bổ sung vitamin D hàng ngày".

"Võ sĩ Conor McGregor đã đăng một video trực tuyến kêu gọi chính phủ Ireland thực hiện một chiến dịch phong tỏa hoàn toàn, với sự trợ giúp của quân đội".

"Một phụ huynh đã kêu gọi hai cuộc biểu tình hồi tháng 3, sau khi một trường hợp nhiễm COVID-19 tại trường học của con bà được báo cáo".

"Do hầu hết châu Âu rơi vào tình trạng bị phong tỏa, Thụy Điển đang theo đuổi một chiến lược khác chống lại COVID-19.

Các quán rượu, nhà hàng, phòng tập thể dục và hầu hết các trường học vẫn mở ở bang Scandinavia, chính phủ dựa vào trách nhiệm của mỗi cá nhân, ý thức tự nguyện tuân thủ chứ không phải ép buộc thực thi nghiêm ngặt. Hướng dẫn chính thức nêu rõ rằng các công dân có thể giao lưu với nhau, miễn là họ cách xa nhau một khoảng cách 2 mét".

Theo các nhà nghiên cứu, có một số bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với tin tức giả mạo có thể "thúc đẩy" hành vi người đọc, tuy nhiên những tác động quan sát được là rất nhỏ.

Điều gì khiến tin giả tác oai tác quái?

Theo nghiên cứu ở trên, tác động của tin giả lên mọi người là "rất nhỏ". Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những người tham gia nghiên cứu là những người "có nền tảng học vấn tốt" và họ đã được tuyên truyền trước về sức khỏe cộng đồng, về các chiêu bài của tin giả.

Ngoài ra, một vấn đề đặt ra nữa là điều gì sẽ xảy ra khi mọi người tiếp xúc với một thông tin giả mạo nhiều lần, và thông tin đó được lan tràn khắp nơi?

Trong nghiên cứu, những người tham gia nghiên cứu chỉ tiếp xúc với thông tin giả mạo một lần. Bởi vì, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng các hiệu ứng hành vi trong thế giới thực có thể phát sinh sau nhiều lần tiếp xúc với thông tin, nhiều nguồn tin phát tán tin giả có thể làm tăng niềm tin của người tiêu dùng vào một câu chuyện và do đó ảnh hưởng đến hành vi tiếp theo của họ. Thậm chí, chỉ cần hai lần tiếp xúc với một tin tức giả mạo cũng có thể làm tăng tính trung thực của tin giả, tăng sự tin tưởng của người đọc vào những tin giả này.

Trong một số nghiên cứu về tin giả khác, sử dụng các phương pháp tương tự, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng người đọc thường có xu hướng chấp nhận, tin tưởng vào thông tin sai lệch khi các câu chuyện bịa đặt phù hợp với quan điểm hiện có của người tham gia. Ví dụ, một bài báo tin giả liên quan đến Brexit, trong đó những người ủng hộ Brexit có thái độ khá hoài nghi với thông tin giả mạo đó, trong khi những người phản đối Brexit lại bị tác động khá xấu vì mẩu tin giả.

Vấn nạn tin khoa học chưa kiểm chứng

Đây cũng là một thể loại thông tin tiềm ẩn nguy cơ, thậm chí còn lớn hơn cả tin giả, vì những thông tin đó "mang tính khoa học", tuy nhiên chưa được kiểm chứng. Đó là những tin thật nhưng không đúng, là những nghiên cứu chưa được đánh giá, xác nhận nhưng đã vội công bố.

Theo thống kê của hãng tin Reuters, ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát hồi tháng 2/2020, đã có ít nhất 153 nghiên cứu về COVID-19 của 675 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới được công bố. Con số này cho đến nay chắc chắn đã tăng lên rất nhiều. Những nghiên cứu này mang tính thời sự, tốc độ. Đó là điểm tốt. Tuy nhiên, nếu đó là những thông tin nghiên cứu thiếu sót, sai lệch, nó sẽ gây hậu quả khủng khiếp, từ hành vi sai lầm của người dùng đến những chính sách sai lệch của nhà quản lý.

Điều gì khiến mọi người tin vào tin giả?

Đó là sự lặp lại! Việc tin giả xuất hiện thường xuyên, tràn lan, lặp đi lặp lại khiến mọi người dần tin tưởng và lại lan truyền mẩu tin giả đó đi. Tệ hơn nữa, việc tin giả xuất hiện lặp đi lặp lại còn khiến những người hiểu biết về sự thật nghi ngờ chính sự thật. Chẳng hạn, tuyên bố "Đại Tây Dương là đại dương lớn nhất trên Trái đất" xuất hiện nhiều lần, khiến số người tin tưởng vào tuyên bố đó gia tăng, ngay cả đối với những người biết rằng Thái Bình Dương lớn hơn Đại Tây Dương. Khi thông tin trên lặp đi lặp lại và được nhiều người nói quá, họ gật đầu đồng ý mà không cần kiểm tra lại vốn hiểu biết của mình.

Ngay cả những người đã biết thông tin thật, nhưng việc thông tin sai lệch xuất hiện trong thời gian dài, cũng khiến họ dần chấp nhận phiên bản sai lệch thông tin đó.

Nghiêm trọng hơn khi chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội, việc chia sẻ thông tin cực kỳ dễ dàng, vì thế mà tin giả càng có "đất sống" hơn. Đơn cử, trong đời sống mạng, trong mạng lưới bạn bè của một người dùng Facebook, khi thấy một người bạn chia sẻ tin tức, ngay lập tức người dùng Facebook cũng chia sẻ lại tin đó, vì họ … tin tưởng vào người bạn trên Facebook của mình. Do đó, sự lười nhác kiểm chứng thông tin, hay tính cả tin chính là một phần nguyên nhân lớn dẫn đến hành vi chia sẻ tin giả.

Tuyên truyền, giáo dục và có những hình phạt răn đe chính là biện pháp giúp ngăn ngừa tin giả lan truyền.

Tung tin giả về COVID-19 lên Facebook sẽ bị xử lý ra sao?

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020 đã quy định rõ tại Điều 101 về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội (như facebook...) về tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ bị xử phạt, trong đó với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 mà mình đã đăng tải.

Trường hợp, người có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu sẽ bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Nguồn: www.niemanlab.org; https://graphics.reuters.com; Thư viện pháp luật

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11+12 tháng 9/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tin giả về Covid-19 tác động lớn đến mức nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO