Việt Nam có lợi thế lớn trong nền kinh tế số

Lan Phương| 18/01/2019 09:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 ngày 17/1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) cùng nền kinh tế số sẽ là một xu hướng lớn mở ra cơ hội cho các nước phát triển. Việt Nam đang có nhiều lợi thế bắt kịp với dòng chảy chính của kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Thủ tướng dẫn các số liệu cho biết hiện tại có 70% các thuê bao di động sử dụng Internet từ 3G, 4G, 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, trên 68% người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sử dụng điện thoại trung bình là 1,7 máy/người. Số người truy cập các trang thương mại điện tử (TMĐT) thông qua điện thoại thông minh chiếm 72%, tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%.

Theo một báo cáo gần đây của Google và Temasek về triển vọng nền kinh tế số của ASEAN, quy mô kinh tế Internet của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 9 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm giai đoạn 2015 – 2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong khối các nền kinh tế ASEAN, trong đó, lĩnh vực du lịch trực tuyến, TMĐT và truyền thông trực tuyến chiếm tỷ trọng lần lượt chiếm 39%, 31% và 41%, còn lại 56% là bộ phận giao thức ăn, vận chuyển trực tuyến. Các doanh nghiệp (DN) TMĐT tăng gần gấp đôi trong năm năm 2018 so với năm 2017. Riêng quảng cáo trực tuyến, trò chơi tăng trưởng hơn 50%/năm. Có thể nói, nền kinh tế Internet của Việt Nam đã bùng nổ, dự báo năm 2035, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế Internet Việt Nam chạm ngưỡng trên 33 tỷ USD.

“Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số”, Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tập trung vào giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả DN nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được ban hành ngay đầu năm sẽ tạo ra một hấp lực mới cho môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2019.    

Từ năm 2019, Chính phủ sẽ ưu tiên chính sách cho đầu tư vào vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đặt chương trình nghị sự ưu tiên trong những năm tới dành cho cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt là nền giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng tối thiểu và phù hợp trong thời đại CMCN 4.0.

Chính phủ nhận thấy rằng mức chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay còn khá thấp so với trung bình của thế giới cũng như các nước trong khu vực. Chính vì vậy, tăng chi cho khoa học và công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển sẽ là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ từ năm 2019.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về định hướng phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam

Trước đó tại Diễn đàn, phát biểu về định hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Công nghệ số - Chuyển đổi số - Kinh tế số - Kỷ nguyên số là một tiến trình không thể đảo ngược, là một xu thế toàn cầu. Thế giới vật lý đang được ảo hóa. Thế giới thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của CMCN 4.0 thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường”.

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính, sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động và sử dụng ICT để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế, nói đơn giản là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Theo nghĩa hẹp, nền kinh tế số chỉ liên quan đến lĩnh vực ICT. Theo nghĩa rộng là những lĩnh vực gần gũi đến công nghệ số. Theo nghĩa rộng nhất là tất cả các lĩnh vực có sử dụng kinh tế số.

Kinh tế số là một quá trình tiến hóa lâu dài, quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Ở những mức độ khác nhau, mọi lĩnh vực, mọi DN, mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số, làm tốt hơn công việc của mình, thậm chí đột phát để thay đổi về chất công việc của mình.

Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm vì sử dụng tri thức nhiều hơn tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn.

Công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách nông thôn và thành thị. Công nghệ số cũng cho chúng ta những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách.

Ở Việt Nam, kinh tế số xuất hiện kể từ khi có máy tính, đặc biệt là khi có máy tính cá nhân vào cuối những năm 1980, bắt đầu mạnh mẽ khi có Internet vào cuối những năm 1990 và phổ cập khi mật độ smartphone đạt trên 50% vào cuối những năm 2000 và được thúc đẩy mạnh mẽ khi xuất hiện CMCN 4.0 vào cuối những năm 2010. Kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là sự phát triển nhưng phát triển khá nhanh là do hoạt động viễn thông - CNTT tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao là do người dùng Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào mức cao nhất trong khu vực, là do dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ, do tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Thủ tướng đã chính thức giao Bộ TTTT xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019. Đề án này sẽ chỉ rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên cả nước trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số và sử dụng công nghệ số là đẩy nhanh cách chúng ta sản xuất, làm việc, dùng camera để giảm người bảo vệ , tự động tưới cây khi tưới cây, dùng văn bản điện tử thay giấy tờ.

Các DN số sẽ làm những việc này, bởi vậy phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển công nghiệp – công nghệ số Việt Nam. “Dùng công nghệ để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam các DN công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là trong mỗi công việc hàng ngày của mỗi chúng ta và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ giải quyết bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân, khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh”.

Công nghệ số sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. “Chúng ta dám chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Cái nôi của Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số có thể xuất khẩu được nhưng phải là sự chấp nhận sớm hơn người khác, đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới chúng ta có thể mất một số thứ nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất và đó là cơ hội của Việt Nam”.

Bài liên quan
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có lợi thế lớn trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO