Việt Nam - Điểm đến hứa hẹn đối với các doanh nghiệp ICT Mỹ

TH| 22/10/2020 20:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau những nỗ lực kiểm soát Covid-19 thành công, Việt Nam hiện đang trở thành điểm đến tin cậy và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay (12/7/1995 - 12/7/2020), hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Mỹ đã bước lên nhiều nấc thang mới với những con số rất ấn tượng.

Từ nhiều năm nay, Mỹ luôn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ. Những sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ tin dùng như sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, thủy hải sản, nông sản,… vì tính tiện dụng, thẩm mỹ và chất lượng cao. Nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp như thiết bị điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, cao su,... từ Việt Nam cũng được nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Mỹ

Năm 2020 cũng là năm đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ (1995-2020). Trong suốt thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực mang tính trọng tâm kinh tế - thương mại - đầu tư. 

Cụ thể, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019. Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp (DN) của Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và con số này đang ngày một tăng thêm. Nhiều DN có kế hoạch đầu tư lâu dài hoặc chuyển hướng đầu tư từ các nước trong khu vực về Việt Nam.

Việt Nam - Điểm đến hứa hẹn đối với các doanh nghiệp ICT Mỹ - Ảnh 1.

Cơ hội vàng cho Việt Nam

Những thành tựu ngoại giao của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã giúp hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện rõ rệt. Tại thời điểm này, so với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam được coi là một môi trường kinh doanh tiềm năng nhờ vào một nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn và là môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài.

Oxford Economics, một tổ chức kinh tế nổi tiếng thế giới, đã lưu ý trong một báo cáo gần đây rằng, Việt Nam dự kiến sẽ là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng GDP dương 2,3% vào năm 2020 và là điểm sáng nhất trong khu vực ASEAN. Trên thực tế, làn sóng chuyển dịch đầu tư của Mỹ sang Việt Nam đã bắt đầu diễn ra do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và việc Trung Quốc chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với những lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh, nhu cầu đa dạng hóa, các ưu đãi của chính phủ, các hiệp định thương mại và kết nối khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến được ưa thích nhất đối với các nhà sản xuất. Các công ty lớn của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS đã chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Tập đoàn Ford cũng quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương. General Electric (GE) cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tua-bin gió ở Hải Phòng và đang có nhu cầu mở rộng. Chính phủ Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ là AES được triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ...

Trong một báo cáo phát hành hồi cuối tháng 5, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết, nhiều công ty Hoa Kỳ đang tích cực tìm kiếm thị trường Việt Nam làm điểm đến cho chuỗi cung ứng mới và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có dấu hiệu tích cực và khởi sắc khi tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm bốn tháng đầu năm 2020 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32%.

Tất cả những yếu tố này đã giúp gia tăng thương mại giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Cụ thể, số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2019 là 61,35 tỷ USD, tăng trưởng 29,1% so với năm 2018. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ năm 2019 là 14,37 tỷ USD, tăng trưởng 12,7%. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu từ Việt Nam sang Mỹ bao gồm: Điện thoại và phụ tùng thay thế; Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Hàng may mặc và hàng dệt; Sản phẩm nông nghiệp và giày dép.

Covid-19 và FDI: Việt Nam đã tận dụng lợi thế như thế nào?

Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi của quốc tế vì phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với sự bùng phát của Covid-19. Việt Nam đã sớm đóng cửa biên giới với người nước ngoài và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội vào ngày 1/4. Đến ngày 22/4, Việt Nam đã gỡ bỏ các biện pháp này và mở cửa trở lại nền kinh tế. Có thể thấy, Việt Nam đã có những hành động rất nhanh chóng và những chính sách rất mạnh mẽ. Ngay cả khi bùng phát đại dịch lần 2 vừa qua, Chính phủ cũng cấp tốc trong việc kiểm soát đại dịch.

Covid-19 đến khiến kinh tế toàn cầu bị suy kiệt. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng triển vọng phục hồi vẫn tích cực và là điểm sáng nhất trong số các quốc gia châu Á. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi công ty dịch vụ tài chính UBS trong một nghiên cứu. Trong nửa đầu năm, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,81. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng tỷ lệ này là đáng khích lệ khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng thuần dương trong thời kỳ đại dịch.

Việc Việt Nam kiểm soát đại dịch và tiếp tục tăng trưởng đã củng cố thêm vị thế là một môi trường kinh doanh an toàn so với các nước khác. Và các DN Mỹ đã nhận thấy. Apple đã lên kế hoạch chuyển việc sản xuất đáng kể các sản phẩm của mình bao gồm cả AirPods sang Việt Nam

Các DN Mỹ tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các DN Mỹ đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Công ty Mỹ Nike hiện sản xuất hầu hết giày tại Việt Nam trong khi gã khổng lồ công nghệ Google của Mỹ có kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Việt Nam thay vì Trung Quốc.

Trên các diễn đàn công nghệ lớn của Việt Nam, mới đây vừa xuất hiện hình ảnh của chiếc vỏ hộp vỏ điện thoại Google Pixel 4A thiết kế bởi Google nhưng với dòng chữ đặc biệt "Made in Vietnam" (Sản xuất tại Việt Nam) với phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Điều này cho thấy, gã khổng lồ Google đã chính thức sản xuất các mẫu điện thoại mới nhất tại Việt Nam.

Trước đó, tờ Nikkei cho hay, hiện gã khổng lồ công nghệ của Mỹ có kế hoạch chuyển hầu hết các dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home. Và Việt Nam đang là một điểm đến quan trọng trong nỗ lực phát điển của Google trên thị trường điện thoại thông minh.

Trong khi đó, hãng sản xuất chip Hoa Kỳ Intel, công ty công nghệ cao đầu tiên có đầu tư một khoản trên 1 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh, cũng cho biết chuẩn bị đầu tư thêm một khoản lớn hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Hồi đầu năm nay, Universal Alloy Corporation - nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ cho các hãng máy bay như Boeing và Airbus, đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD. Được khởi công từ tháng 3/2019, đến nay nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động và sẵn sàng cung cấp ổn định ra thị trường một lượng lớn các linh kiện phục vụ cho ngành hàng không, vụ trụ.

Tất cả những yếu tố trên khiến Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng để kinh doanh và thu hút đầu tư. Với lực lượng lao động có kỹ năng và chi phí thấp, cơ sở hạ tầng, chính phủ ổn định, môi trường an toàn và các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm trong thời điểm khó đoán này. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Điểm đến hứa hẹn đối với các doanh nghiệp ICT Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO