Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn công nghệ đến đầu tư trong CMCN 4.0

Lan Phương| 27/09/2018 13:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các tập đoàn công nghệ, đặc biệt là các DN 4.0 sẽ tới và đầu tư tại Việt Nam”.

Ngày 27/9/2018, tại Hà Nội, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TTTT Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Investment Forum – VIIF 2018) và Triển lãm ICT Ấn Độ - ASEAN với chủ đề “Kết nối số trong Cách mạng công nghiệp 4.0”. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đã phát biểu chỉ đạo. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Ấn Độ Ravi Kant, đại diện Bộ BCVT Campuchia, Bộ BCVT Lào, các Đại sứ các nước Thụy Điển, Ấn Độ, Peru, Cu Ba tại Việt Nam, các Sở TTTT phía Bắc và đông đảo các doanh nghiệp (DN) ICT của Ấn Độ và các nước trong ASEAN.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết: CMCN 4.0 đang tạo ra các chuyển đổi chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, đời sống  - xã hội thậm chí từng người dân. Tiêu biểu là sự nổi lên của những mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi trong phương thức sản xuất, sự chuyển dịch trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. “Những chuyển biến này là cơ hội và động lực cho các nước đi sau vượt lên thông qua việc nhanh chóng tái định hình cơ cấu sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế”.

Dựa trên nền tảng số hóa và sự hội tụ của nhiều công nghệ, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra một thế giới kết nối số với số lượng thiết bị kết nối khổng lồ mà hệ quả là chúng ta đang và sẽ chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ của ngành công nghiệp. Công nghiệp sẽ dựa ngày càng nhiều trên nền tảng số hóa, công nghệ, bao trùm nhiều lĩnh vực như IoT, Big Data và AI,..

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong tất cả ngành nghề và lĩnh vực kinh tế - xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Theo đó, Bộ TTTT đang trình Chính phủ xây dựng các chính sách ưu tiên để đáp ứng và tạo đà cho sự chuyển đổi của các ngành kinh tế, công nghiệp và dịch vụ với một số trọng tâm như: khuyến khích phát triển hạ tầng băng rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu; Hoàn thiện mạng di động 4G; Nghiên cứu triển khai 5G đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.

Tiếp theo, Bộ TTTT cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp viễn thông, CNTT, kết hợp giữa phát triển công nghiệp nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài, đón nhận sự chuyển dịch trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia để đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu của khu vực về sản xuất thiết bị viễn thông, CNTT và thiết bị IoT.

Nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng số cũng được tập trung phát triển để người lao động được trang bị đầy đủ các kỹ năng đáp ứng yêu cầu việc làm trong tương lai để không ai bị bỏ lại trong cuộc CMCN này.

Cùng quyết tâm cải thiện môi trường chính sách để sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, Chính phủ Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế. Nỗ lực này đã mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các DN đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.

Thứ trưởng cũng cho biết nhiều tập đoàn công nghệ uy tín đã có mặt tại Việt Nam và hoạt động hiệu quả, thành công, điển hình trong đó phải kể tới tập đoàn Samsung của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD. Thành công của Samsung cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường tại Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, gây dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư. Cùng với nhiều DN lớn về CNTT-TT trong nước, các DN FDI đã và đang tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT-TT của Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các tập đoàn công nghệ, đặc biệt là các DN 4.0 sẽ tới và đầu tư tại Việt Nam”.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn nhận được từ các bạn những chia sẻ và tầm nhìn, phương hướng phát triển, các đề xuất và cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư thế hệ mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereroc Hogberg phát biểu

Cũng tại Hội nghị, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereroc Hogberg cho biết thế giới đang chưa bao giờ được kết nối như ngày nay làm thay đổi cách chúng ta kết nối, làm việc, sinh sống… Việt Nam có phát triển và kết nối Internet cao độ. Việt Nam đã có những thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm đổi mới vừa qua.

Thụy Điển là quốc gia đi đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới. Thụy Điển muốn lắng nghe các nước, để thích nghi, thay đổi và điều chỉnh để thích nghi. Thụy Điển nhận thấy tiềm năng của con người Việt Nam là rất lớn để tiến lên phía trước. Việt Nam và Thụy Điển có thể hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng các nền tảng, đổi mới sáng tạo, an ninh mạng. Ngoài ra, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác trong việc có được các giải pháp thông minh để không phí phạm các nguồn lực như nước, điện…

Chúng ta cần luôn phải đổi mới sáng tạo, tránh tư duy theo lối mòn, cần phải luôn ở tuyến đầu để phát triển hơn nữa. Thụy Điển luôn vui mừng hiện diện ở Việt Nam, muốn thúc đẩy các nền tảng IoT và nhiều công ty Thụy Điển sẽ đến Việt Nam hợp tác nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật số cho đô thị thông minh”. 

Thứ trưởng Bộ Truyền thông Ấn Độ Ravi Kant chia sẻ cơ hội hợp tác Ấn Độ - ASEAN

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Ấn Độ Ravi Kant mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN. Xuất khẩu của Ấn Độ sang các nước ASEAN đạt 81 tỷ USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất ra quốc tế, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã cam kết hạn ngạch 1 tỷ USD để hỗ trợ các dự án ICT ở ASEAN và có chương trình hỗ trợ Trung tâm ICT Ấn Độ ở các quốc gia ASEAN.

Chia sẻ cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN, Thứ trưởng Ravi Kant cho biết Ấn Độ có nhân lực trẻ, có nhiều dự án ICT và mong muốn chào đón các công ty đa quốc gia đến đầu tư tại Ấn Độ. Ấn Độ cũng có nhiều chương trình để nâng cao năng lực ICT của người dân và hy vọng các chương trình được nhân rộng như Chương trình startup India, các vườn ươm khuyến khích phát triển sản phẩm, giải pháp, đưa các DN nhỏ và vừa trở thành động lực phát triển quốc gia.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Ấn Độ - ASEAN ICT được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị

Tại Diễn đàn Cấp cao công nghiệp 4.0 tổ chức tại Hà Nội ngày 13/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là CNTT-TT, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất”.

Trên cơ sở đó, Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các bên xác định được tầm quan trọng của Kết nối số trong nền công nghiệp 4.0, cụ thể là việc đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, tăng cường khai thác Internet băng rộng, mạng 4G và lộ trình đầu tư 5G, đảm bảo an ninh mạng; đồng thời tận dụng vị thế của Việt Nam trong khu vực khuyến khhích các DN Việt Nam hợp tác đầu tư kết nối số vào các nước trong khu vực thuộc tiều vùng sông Mê Công CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) và Đông Nam Á, để sẵn sàng cho chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.

VIIF 2018 bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng DN trong và ngoài nước về các nội dung: Khuyến nghị đối với chính sách CNTT-TT nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh của các ngành công nghiệp 4.0, đồng thời đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng. Chú trọng chính sách thu hút đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng cơ sở dữ liệu, phát triển băng rộng 4G và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lộ trình 5G; Rà soát nội dung và các hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT phải gắn với thúc đẩy ngành công nghiệp và dịch vụ trong nước…

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 27-28/9/2018 với các chuyên đề:

Phiên 1: Chính sách đầu tư kết nối số đáp ứng CMCN 4.0: tập trung thảo luận về việc phát triển hạ tầng số, trong đó chú trọng tới hạ tầng băng rộng 4G và lộ trình triển khai 5G tại Việt Nam, kinh nghiệm các nước trên thế giới, tác động của 5G tới tăng trưởng kinh tế, chính sách khuyến khích đầu tư vào 5G trong tương lai.

Phiên 2: Kết nối ASEAN số: chia sẻ các chương trình, dự án kết nối trong ASEAN, kinh nghiệm triển khai kết nối số trong tiều vùng CLMV, chia sẻ hiện trạng kết nối số của đại diện các quốc gia đến từ Đông Nam Á.

Phiên 3: Giải pháp và dịch vụ trên nền tảng 4G/5G: chia sẻ các giải pháp và dịch vụ số ứng dụng trên nền tảng băng thông rộng cho các ứng dụng thành phố thông minh và sản xuất trong nhà máy đáp ứng cuộc CMCN 4.0….

Phiên 4: Tương lai cuộc sống đô thị: chia sẻ bài học kinh nghiệm của Ấn Độ triển khai Đề án xây dựng 100 thành phố thông minh tại Ấn Độ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn công nghệ đến đầu tư trong CMCN 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO