Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Tạp chí TT&TT| 22/06/2020 08:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm "Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…".

Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 "triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính (CCHC), gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực". Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về CPĐT nhằm "Đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước (CQNN), phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về CPĐT theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các CQNN trên môi trường mạng".

Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở TT&TT báo cáo kết quả chỉ đạo, điều hành, hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Thực hiện chủ trương trên, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng Chính quyền điện tử tại Vĩnh Phúc và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng CPĐT.

Hành lang pháp lý - Hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng

Nói về việc hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đồng chí Trần Gia Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TTT&TT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh chia sẻ: Tin học hoá hoạt động của các CQNN là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính là nhiệm vụ thường xuyên nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giúp kết nối liên thông, tiết kiệm chi phí, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Cùng với cả nước, Vĩnh Phúc xác định việc ứng dụng, phát triển CNTT là yêu cầu cấp thiết trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT, nay là Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc

Tỉnh đã ban hành các chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN; kế hoạch thực hiện CPĐT; quyết định ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0 giai đoạn 2018 - 2020; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động của các CQNN trên địa bàn tỉnh; ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đây là cơ sở để triển khai liên thông mã số hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trong hệ thống thông tin một cửa, dịch vụ công trực tuyến theo quy định, là căn cứ quan trọng tạo lộ trình và hành lang pháp lý cần thiết cho nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. 

Để các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo, tổ chức thực hiện và mục tiêu trọng tâm được tỉnh xác định trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đó là tạo thuận lợi trong việc giải quyết mau chóng các TTHC công cho các tổ chức, DN và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc; công khai minh bạch hoạt động của CQNN trên môi trường mạng và chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.

Có thể khẳng định việc hoàn thiện thể chế thông qua các văn bản được ban hành có ý nghĩa quan trọng, cụ thể hóa những nội dung cơ bản về ứng dụng CNTT, định hướng để các cấp, các ngành, địa phương minh bạch thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Nhờ vậy, cho đến nay, hạ tầng CNTT truyền thông được mở rộng và đầu tư tương đối đồng bộ. Điều đó thể hiện qua những con số biết nói như: 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và khoảng 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính.

Đặc biệt, hằng năm, tỉnh đều cấp bổ sung kinh phí, đầu tư nâng cấp hệ thống mạng LAN, bổ sung trang bị máy tính cho các sở, ngành, địa phương. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được xây dựng trục đường cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối tại 55 cơ quan, đơn vị. Hệ thống mạng WAN kết nối 33 đơn vị, địa phương qua mạng số liệu chuyên dùng. Cùng với đó, hạ tầng cáp quang đã được lắp đặt đến cấp xã; hệ thống hội nghị trực tuyến được duy trì 01 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 9 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 3 điểm tại các sở, ngành.

Hiện đã có 24 sở, ngành, 9 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng gồm: tường lửa; lọc thư rác; phần mềm bảo mật/diệt virut; hệ thống cảnh báo truy cập trái phép; hệ thống ngăn chặn truy nhập trái phép.... Bên cạnh đó, các giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh, ngành được đảm bảo bởi Trung tâm Hạ tầng Thông tin tỉnh với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn an ninh thông tin như: thiết bị tường lửa, phần mềm tưởng lửa, phần mềm antivirus.

Đơn giản, minh bạch các TTHC, phục vụ người dân và DN đã mang lại kết quả tích cực

Cổng Thông tin điện tử của tỉnh đã được cập nhật khá đầy đủ, kịp thời thông tin, đặc biệt là những thông tin hữu ích (quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, đấu thầu, mua sắm công, TTHC) phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cổng con của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định. Ngoài việc thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, các cơ quan đã quan tâm cập nhật tương đối đầy đủ thông tin hữu ích; chú trọng trả lời đầy đủ câu hỏi hợp lệ trên Chuyên mục Hỏi - Đáp.

Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (http://motcua.vinhphuc.gov.vn) đã triển khai và đi vào hoạt động tại 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn. Cổng đã cập nhật 100% các TTHC của tỉnh để công khai cho người dân và DN; đồng thời trên Cổng đã công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC .

Năm 2019, nhờ kết nối, liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, toàn tỉnh đang có 369 danh mục TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; 6 dịch vụ công mức độ 4 của tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đăng tải 1.981 TTHC, chủ yếu là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2. Hệ thống phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa tại 20 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 9 huyện, thành phố và 137 xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả với trên 94% số hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn; Hệ thống một cửa dùng chung của tỉnh đã giải quyết 252.856/314.984 hồ sơ được tiếp nhận, đạt trên 80%. Đến tháng 4/2020, tỷ lệ văn bản điện tử ký số cấp tỉnh đạt trên 95%, cấp huyện đạt trên 75%.

Toàn tỉnh hiện đã cấp hơn 8.000 hộp thư điện tử cho 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương; bàn giao 800 chứng thư số chuyên dùng chính phủ cho các cơ quan và cá nhân. Ngoài ra, hầu hết các đơn vị, địa phương đều ứng dụng các phần mềm chuyên ngành phục vụ cho hoạt động như: quản lý kế toàn, tài chính, tài sản; quản lý hộ tịch; quản lý bảo hiểm xã hội; kê khai thuế điện tử; thông quan điện tử…

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, đơn vị, DN về vai trò của CNTT; đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực quản lý, kinh tế - xã hội, chuyển đổi số các CQNN, phát triển chính quyền điện tử phục vụ tổ chức, công dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc cơ bản hoàn chỉnh chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và nằm trong top 15 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 3+4 tháng 5/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO