VNPay trở thành kỳ lân thứ 2 ở Việt Nam nhờ chiến lược phát triển đúng đắn

Thế Phương| 26/11/2020 12:07
Theo dõi ICTVietnam trên

VNPay đã chính thức trở thành là kỳ lân công nghệ thứ 2 ở Việt Nam, bên cạnh VNG. Giám đốc Chiến lược kinh doanh VNPay cho rằng, thành công của công ty là do đã đầu tư lớn và kiên trì vào công nghệ, con người.

VnPay trở thành kỳ lân thứ 2 ở Việt Nam: Sếp VnPay lý giải thành công của công ty - Ảnh 1.

Ông Ôn Như Bình, Giám đốc Chiến lược kinh doanh VNPay (người đầu tiên bên trái): VNPay đã đầu tư rất lớn vào con người và công nghệ, để có thể trở thành ứng dụng fintech hàng đầu Việt Nam.

VNPay trở thành kỳ lân thứ 12 ở Đông Nam Á

Tháng 11/2020, theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Như vậy, VNPay đã trở thành kỳ lân công nghệ thứ 12 trong Đông Nam Á sau Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka, Tokopedia and VNG. Đồng thời, VNPay cũng là kỳ lân mới nhất của khu vực này trong năm 2020.

VNPay vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ra mắt năm 2007, ứng dụng này hiện đã hợp tác với hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.

VNPay được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC trị giá 300 triệu USD. Trước đó, VNG là "kì lân" đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.

Đầu tư lớn và kiên trì vào công nghệ, con người

VnPay trở thành kỳ lân thứ 2 ở Việt Nam: Sếp VnPay lý giải thành công của công ty - Ảnh 2.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề "Công nghệ tài chính và thanh toán tại ASEAN", thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) với chủ đề "Going Digital - Dịch chuyển số" ngày 25/11, ông Ôn Như Bình, Giám đốc Chiến lược kinh doanh VNPay cho biết, điều may mắn khiến VNPay có thể trở thành công ty fintech hàng đầu Việt Nam là do có đội ngũ nhân sự tốt, có chất lượng đồng hành cùng nhau suốt 13 năm. "Chúng tôi biết mình có lợi thế về công nghệ nên đã tập trung đầu tư rất lớn về công nghệ, con người", ông Bình chia sẻ thêm.

Dẫn chứng về việc đầu tư của VNPay, ông Bình đã chia sẻ câu chuyện, dù những công nghệ, giải pháp trên thế giới dù đã được triển khai từ lâu nhưng để áp dụng vào Việt Nam, phù hợp với các quy định của cơ quan quản lý thì phải có thời gian nghiên cứu dài và tốn nhiều nguồn lực. "Ví dụ như thiết bị thanh toán thông minh SmartPos, để triển khai, VNPay phải mất hơn 2 năm, trong khi trên thế giới những thiết bị tương tự đã có từ cách đây 5 năm. Do đó, nếu không có sự đầu tư về con người, công nghệ thì chúng ta sẽ không có sự thay đổi vượt bậc", ông Bình cho biết.

Ông Bình cho rằng, thành công của VNPay đến từ những giá trị cốt lõi của công ty, đó là việc sẵn sàng đầu tư. Đồng thời, VNPay cũng có những chiến lược đầu tư dài hạn và ngắn hạn một cách rõ ràng, uyển chuyển. "Chúng tôi luôn coi mình như một thành viên trong gia đình của đối tác để hiểu rõ hơn thông qua việc chia sẻ lợi nhuận, doanh thu. Vì thế, nếu VNPay làm không tốt thì chính chúng tôi cũng không có lợi nhuận và lãng phí những sự đầu tư trước đây", ông Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bình đã đưa ra lời khuyên cho các startup khác, công nghệ và con người luôn là vấn đề quan trọng trong giai đoạn "nhà nhà chuyển đổi số". "Chúng ta cần kiên trì đầu tư, không chỉ 1-2 năm mà trong cả 5-6 năm. Ví dụ như công nghệ AI, Big Data (dữ liệu lớn), nếu chỉ nhìn vào hiện tại thì cũng chưa nhìn ra nhiều các kết quả của công nghệ này nhưng 3 năm tới khi dữ liệu ở Việt Nam được số hoá, dãn nhãn tốt hơn... thì sẽ có nhiều dịch vụ, mô hình kinh doanh mới", ông Bình kết luận.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VNPay trở thành kỳ lân thứ 2 ở Việt Nam nhờ chiến lược phát triển đúng đắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO