Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng

Thu Hiền| 17/04/2019 18:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Lâm Lâm)

Để chuẩn bị cho tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam và hướng tới mục tiêu đã được Đảng, Chính phủ xác định là xây dựng một xã hội học tập, sáng 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề: Đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách trong những năm qua; Những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc; Phân tích những kết quả, những mặt đã làm được và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách hiện nay; Đánh giá những phương án tổ chức triển khai, những cách làm hiệu quả cần nhân rộng; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm phát triển phong trào đọc sách, nâng cao và phát triển văn hóa đọc.

Về những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc trong thư viện, bà Nguyễn Phương Lan, Thư viện Quốc gia cho rằng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì Chính phủ cần điều chỉnh một số nội dung trong các văn bản pháp quy như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ… Từ đó tạo cơ chế pháp lý mạnh mẽ đảm bảo cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và công tác số hoá tạo lập các bộ sưu tập số; thu thập, phân tích dữ liệu và triển khai dịch vụ ứng dụng các công nghệ cao vào hoạt động thư viện đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; Ban hành các cơ chế về việc chia sẻ dữ liệu để ngành thư viện có thể liên thông, kết nối, thu thập, tích hợp dữ liệu, sử dụng nguồn tài liệu định dạng số của những tài liệu đã được phát hành dưới dạng in nhằm tiết kiệm kinh phí và thời gian tạo lập cơ sở dữ liệu số trong các thư viện, tạo nguồn thông tin đa dạng phục vụ nhân dân, làm giàu thêm tài nguyên thông tin, thư viện…

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chia sẻvề phương pháp đọc sách trong thời đại truyền thông số. Ông Đạt cho rằng để phát triển mạnh mẽ cũng như duy trì văn hóa đọc cần phải kết nối và phát triển song song việc xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử trong hệ thống các nhà xuất bản. "Không có gì có thể làm mai một và mất đi thói quen đọc sách của mỗi người dân Việt Nam khi mà nhận thức và trình độ xã hội ngày càng được cải thiện và nâng cao, khi mà những độc giả trẻ ngày càng tiếp cận với công nghệ mới, biết dung hòa giữa việc đọc sách in truyền thông với đọc sách điện tử. Trước sự bùng nổ của truyền thông số thì việc đọc sách sẽ vẫn được đông đảo công chúng Việt Nam duy trì, phát huy và dung hợp giữa đặc trưng các loại hình với nhu cầu bản thân cũng như nhu cầu thực tiễn luôn biến động", ông Trần Chí Đạt nhấn mạnh.

Về giải pháp để đẩy mạnh công tác xuất bản, phát hành sách trong thời kỳ mới, Giáo sư Đinh Xuân Dũng cho biết từ nhiều năm nay, chúng ta quen nhìn nhận như một tất yếu rằng, phải đi từ xuất bản mới đến phát hành. Ngày nay, nhận thức đó đã bộc lộ sự lạc hậu. Phát hành và kinh doanh sách là lực lượng nắm vững, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của người đọc, của thị trường, từ đó có thể chỉ ra, nhu cầu và thị trường đang cần gìkhông cần gì. Vì thế, trình tự xuôi phải từ xuất bản đến phát hành vốn coi là tất nhiên, giờ đây phải đảo lại, tạo nên sự tương tác hai chiều giữa hai công đoạn đó để hình thành một chu trình mới. Đây là mối quan hệ mới trong quy trình xuất bản hiện đại, trong cơ thế thị trường. Từ góc nhìn đó, cần nâng phát hành lên thành một khoa học thực sự có nhiệm vụ nghiên cứu nhu cầu đọc và thị trường xuất bản phẩm. Đó là một khoa học - thực tiễn.

Theo anh Nguyễn Quang Thạch - Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam, qua các khảo sát trên diện rộng và trong gần hai mươi năm qua, chúng tôi thấy rằng ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh. Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó.

Và anh Thạch cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Bộ tiêu chuẩn phải bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học; xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà là nhiệm vụ của tất cả hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh; nêu rõ chỉ tiêu số đầu sách tối thiếu trẻ em nghe và đọc hàng năm…

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Xuân Tuấn)

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo nhận xét: Với những vấn đề trọng tâm mà các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và những người quan tâm đến văn hóa đọc đưa ra trong Hội thảo sẽ làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; góp phần xây dựng môi trường đọc thuận lợi, định hướng thị hiếu đọc lành mạnh cho cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Mặt khác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động đưa sách đến với cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động cho mọi nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO