Xuất khẩu chạm mức kỷ lục

Hải Anh| 09/03/2020 08:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về thương mại, nông nghiệp vẫn đạt kết quả xuất khẩu 41,3 tỷ USD, đây là mốc kỷ lục, quan trọng và nhiều ý nghĩa.

Thành công lớn xuất khẩu nông sản ra các thị trường quan trọng

Thủ tướng đánh giá ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đạt được các mặt công tác quan trọng qua 6 điểm. 

Thứ nhất, nông nghiệp coi trọng tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, tạo động lực cho sản xuất. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thị trường Hoa Kỳ, và các thị trường khác.

Xuất khẩu chạm mức kỷ lục - Ảnh 1.

Thủ tướng thăm một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tại thị trường Trung Quốc: xuất khẩu nông sản của ta vẫn giữ được nhịp độ, vẫn đạt khoảng 11 tỷ USD, chỉ giảm 1%, là một thành công lớn không chỉ cho năm 2019 mà còn cho thời gian tới.

Đặc biệt, gần đây ta đã xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là thị trường cực kỳ khắt khe về chất lượng sữa sau sự cố melamin cách đây khoảng chục năm trước tại Trung Quốc.

Trong khi tại thị trường Hoa Kỳ, các nút thắt đã được tháo gỡ nổi lên đối với khu vực nông nghiệp (6 việc cụ thể Hoa Kỳ nêu ra). Do vậy, cá tra đã được công nhận sản xuất an toàn thực phẩm tương đương với Hoa Kỳ; thuế bán phá giá tôm lần thứ 13 và cá tra lần thứ 15 bằng 0... Vì vậy, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã tăng 15% so với năm 2018.

Đáng chú ý, những ngày cuối năm, tiếp tục có tin vui, Nhật Bản đã công bố quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu chính thức vào thị trường Nhật Bản; và đang hoàn thiện bước cuối về kỹ thuật để con tôm sống của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Úc (đây là việc rất quan trọng với thủy sản Việt Nam).

"Chính vì thế, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về thương mại vẫn đạt kết quả xuất khẩu 41,3 tỷ USD, đây là mốc kỷ lục, quan trọng, nhiều ý nghĩa", Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của ngành NN&PTNT.

Thứ hai, theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đồng hành, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, DN trở thành động lực phát triển nông nghiệp; hình thành nhiều chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ. Hiện nay đã có 45 Liên hiệp HTX NN, 15.300 HTX NN, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%).

Bên cạnh đó, lực lượng DN nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng số có 12.581 DN trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, tăng 36,2%; một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC, chế biến sâu, như: TH, Vinamilk, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động (Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước).

Tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương; có gần 1.500 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản với gần 2.500 sản phẩm; đã xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng, như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản; Chuỗi liên kết lúa gạo với hàng ngàn hộ trồng lúa ở vùng đồng bào sông Cửu Long.

08 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Điểm thứ ba, được Thủ tướng đánh giá cao là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, về đích sớm trước 1,5 năm.

Đến nay, cả nước có 4.806 xã (54%), đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. 08 tỉnh, thành phố (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ) có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Điểm nổi bật thứ tư của ngành Nông nghiệp được Thủ tướng đánh giá cao đó là việc chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nên đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt.

"Tôi đánh giá cao việc Bộ đã chủ động tham mưu Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, ban hành những chính sách; Bộ đã quyết liệt hướng dẫn, thực hiện trên thực tiễn, chủ động khuyến khích tăng cường sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản để bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm. Nhờ vậy, tuy thiệt hại khoảng hơn 342.000 tấn thịt lợn nhưng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%...", Thủ tướng khẳng định.

Thực tế, đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế; ta vẫn giữ được khoảng 25 triệu con lợn, 109.000 con lợn giống ông bà, cụ kỵ; thực phẩm, nhất là các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hai điểm nổi bật cuối cùng được Thủ tướng ghi nhận đóng góp của "trụ đỡ" quan trọng nền kinh tế đó là công tác phòng chống thiên tai và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Nếu như trong công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai chủ động, bài bản, kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tập trung cao độ xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ở những điểm nguy hiểm cùng với sắp xếp dân cư, ổn định đời sống, sản xuất ở những vùng sạt lở, thì hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cũng rất được chú trọng. 

Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng, thông qua nhiều Luật nhất trong 3 năm đầu của Quốc hội Khóa 14 (5 luật), nhiều Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ được ban hành. 

Ngành đã thực hiện mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm 5.930 dòng hàng phải kiểm tra (giảm 77%) chỉ còn 1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; đã cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh từ 345 điều kiện xuống còn 272 điều kiện, trong đó, cắt, giảm, đơn giản hóa 251 điều kiện, giảm 72,3% (vượt chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu là ít nhất 50%)...

Ngành vượt qua 3 thách thức lớn nhất gồm: Cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, Xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết, khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Thủ tướng đánh giá cao Ngành đã chủ động, sáng tạo; đồng sức và đồng lòng cùng với cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, bà con nông dân thực hiện các chủ trương, quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt các kết quả đáng trân trọng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu chạm mức kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO