44 tỉnh/thành đã ban hành kế hoạch để chuyển đổi IPv6

HL| 15/06/2021 14:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT, đến giữa tháng 6/2021 có 44 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, chiếm khoảng 70% địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó đã có 21% Cổng thông tin điện tử (TTĐT)/Cổng dịch vụ công của UBND tỉnh, thành phố hoạt động trên nền IPv6.

Nhiều địa phương tích cực triển khai chuyển đổi IPv6

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bình Thuận, Hậu Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh… đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 và phối hợp VNNIC để tổ chức tập huấn IPv6 cho cán bộ CNTT của tỉnh, thành phố.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đã chuyển đổi IPv6 thành công cho 18 Cổng TTĐT cấp Sở, ngành và 107 Cổng TTĐT của xã, phường, thị trấn.

Sở TT&TT Vĩnh Long cũng đã phối hợp với VNNIC tổ chức tập huấn triển khai chuyển đổi IPv6 cho cán bộ phụ trách CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN). Tại lớp tập huấn, các học viên tham dự được giới thiệu tổng quan về hiện trạng ứng dụng IPv6, DNS cũng như về sự cần thiết, vai trò, lộ trình, cấu trúc, công nghệ chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cho các CQNN trên địa bàn tỉnh; tổng quan về IPv6 và các công nghệ chuyển đổi; hệ thống phân giải tên miền; triển khai IPv6 cho mạng LAN; triển khai chuyển đổi IPv6 đối với Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đồng thời, giới thiệu chuyên sâu về IPv6 trên hệ điều hành, thiết bị mạng và hướng dẫn đăng ký tài nguyên địa chỉ và số hiệu mạng...

Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã chuyển đổi IPv6 thành công cho nhiều hệ thống thông tin, tiêu biểu như Cổng TTĐT của UBND tỉnh Bình Thuận (binhthuan.gov.vn), hệ thống dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh.

Về tình hình triển khai IPv6 của tỉnh Thái Bình, tại Lễ ký kết hợp tác với VNNIC, ông Vũ Tiến Khoái, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình cho biết năm 2019 và 2020, Sở TT&TT tỉnh Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của các CQNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 và Đề án chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tỉnh Thái Bình.

Giai đoạn tiếp theo, để thực hiện Kế hoạch của tỉnh và chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN giai đoạn 2021-2025, ông Vũ Tiến Khoái nhận định cần phải có sự hợp tác giữa VNNIC và Sở. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thái Bình sớm hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và từng bước quản lý cũng như phát triển tốt tài nguyên Internet trên địa bàn tỉnh.

Tại Hà Tĩnh, Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức Chương trình tập huấn về Chuyển đổi IPv6 cho CQNN. Chương trình được tổ chức trực tuyến thông qua nền tảng đào tạo trực tuyến VNNIC Internet Academy do VNNIC xây dựng, tập huấn cho cán bộ các phòng, Trung tâm CNTT của Sở TT&TT Hà Tĩnh; lãnh đạo và cán bộ phụ trách lĩnh vực CNTT, Phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh.

Nội dung tập huấn được thiết kế với mục tiêu sau khi kết thúc khóa học, học viên nắm được các kiến thức cơ bản về IPv6, yêu cầu chuyển đổi IPv6 và các thức xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ của địa phương mình. Các học viên tham gia chương trình tập huấn được cấp tài khoản trực tuyến và thực hiện bài sát hạch qua hệ thống VNNIC Internet Academy (https://academy.vnnic.vn/ipv6forgov). Kết thúc chương trình, 40 học viên đạt chứng chỉ.

Tại Hậu Giang, Sở TT&TT Hậu Giang và VNNIC đã xác định phối hợp triển khai phát triển hạ tầng số tại địa phương, đặc biệt hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cơ cấu xây dựng hạ tầng mạng lưới CQNN theo hướng hiện đại phục vụ việc xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia và hành chính công.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang khẳng định quyết tâm và tin tưởng việc chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ sát sao của VNNIC sẽ sớm thành công theo lộ trình đã thống nhất.

Còn theo Kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi IPv6 trong CQNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, việc chuyển đổi IPv6 cho hệ thống, mạng lưới, dịch vụ của các CQNN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, đúng lộ trình, đúng quy định. Hỗ trợ IPv6 là yêu cầu được đưa vào trong các dự án ứng dụng CNTT và các hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị có kết nối Internet, hợp đồng thuê đường truyền, thuê dịch vụ CNTT… nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng IPv6 theo quy định của Bộ TT&TT.

Kế hoạch cũng yêu cầu việc chuyển đổi IPv6 phải đảm bảo mạng lưới hạ tầng thông tin phục vụ hoạt động, điều hành, tác nghiệp của CQNN hoạt động ổn định trên nền tảng công nghệ IPv6, sẵn sàng chạy hoàn toàn trên IPv6 trên hạ tầng của tỉnh. Chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho mạng số liệu chuyên dùng để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh theo kế hoạch của tỉnh.

Kế hoạch của tỉnh Khánh Hòa đề ra tiến độ thực hiện gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị, Kết nối, thử nghiệm và Chuyển đổi. Vào năm 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thiện chuyển đổi IPv6 với việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống CNTT, chuyển đổi các dịch vụ có Internet còn lại.

Trong thời gian dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, VNNIC cho biết sẽ tích cực hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi IPv6 theo hình thức trực tuyến. Mới đây, VNNIC đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến chuyên đề "Hướng dẫn quy hoạch địa chỉ IPv6" cho các Sở TT&TT khu vực miền Trung và Tây nguyên. Chương trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên nền tảng VNNIC Internet Academy. Tham dự buổi đào tạo gồm 30 chuyên viên, kỹ sư là những nhân sự trực tiếp tham mưu xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 tại địa phương.

44 tỉnh/thành đã ban hành kế hoạch để chuyển đổi IPv6 - Ảnh 1.

Chuyển đổi IPv6 là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm tài nguyên số, hạ tầng số cho CĐS quốc gia

Trước sự bùng nổ của Internet toàn cầu, mạng Internet đang chuyển đổi từ giao thức IPv4 (địa chỉ Internet thế hệ 4) sang IPv6 (địa chỉ Internet thế hệ 6) để vừa giải quyết vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ của IPv4 vừa đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, 4G LTE/5G.

44 tỉnh/thành đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 - Ảnh 1.

IPv6 là giao thức mặc định trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định sẽ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên thế hệ mạng IP thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud. Dự báo tới năm 2025, hoạt động Internet toàn cầu sẽ chuyển đổi sang công nghệ thuần IPv6.

Đón trước xu thế công nghệ, từ năm 2008, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, chuyển đổi sử dụng IPv6 trên hoạt động mạng, dịch vụ và hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng triển khai công nghệ mới IPv6.

Hoàn thành xuất sắc Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (thực hiện từ 2011-2019), Việt Nam chuyển mình với Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ triển khai IPv6 cho CQNN (IPv6 For Gov) và giữ nhịp các hoạt động hướng tới mục tiêu "Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)" theo Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình IPv6 For Gov định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ CQNN chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng TTĐT, cổng dịch vụ công trực tuyến của CQNN một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ CQNN qua IPv6. Chương tình cũng hướng tới tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong CQNN tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới.

Theo VNNIC, việc chuyển đổi IPv6 là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm tài nguyên số, hạ tầng số cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
44 tỉnh/thành đã ban hành kế hoạch để chuyển đổi IPv6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO