5 xu hướng thương mại điện tử nổi bật tại Việt Nam

Bảo Bình| 25/01/2022 06:16
Theo dõi ICTVietnam trên

5 xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) trọng tâm này được dự đoán sẽ có tác động đáng kể đến hệ sinh thái TMĐT trong năm 2022.

Báo cáo Toàn cảnh ngành TMĐT Việt Nam 2021 vừa được Lazada Việt Nam phối hợp với các chuyên gia và đơn vị đối tác phát triển. Báo cáo đã đưa ra các xu hướng TMĐT nổi bật tại Việt Nam trong năm qua cũng như dự đoán những xu hướng này sẽ kéo dài trong những năm tới.

James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết dữ liệu trong báo cáo này được thu thập từ các hoạt động của Lazada Việt Nam trong năm 2021, cũng như các thông tin đã được công bố từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác như Bộ Công thương, Cục TMĐT và Kinh tế số, Google, Temasek và Bain & Company, Statista, PwC, Deloitte, DigitalRealty và Eco-Business, DataReportal, Appota, và Brands Vietnam.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi tích cực về thói quen mua sắm trực tuyến. Trong đó, nổi bật là sự trỗi dậy của một số hình thức bán hàng mới, giúp tăng khả năng tương tác để cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên nền tảng TMĐT, có thể kể đến như Social Commerce và Shoppertainment (hoạt động mua sắm kết hợp giải trí). 

Năm 2021 cũng được coi là năm bùng nổ của làn sóng chuyển đổi số (CĐS) khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân lựa chọn kinh doanh trực tuyến. Để thúc đẩy tiến trình dịch chuyển này, nhiều chính sách đơn giản hóa quy trình đăng ký đã được các nền tảng TMĐT áp dụng. Đồng thời, các nền tảng TMĐT cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, cung cấp nhiều công cụ tiếp thị phù hợp, hỗ trợ về dịch vụ chăm sóc khách hàng và quy trình giao hàng dành cho nhà bán hàng. 

Song hành với đó, việc xây dựng một cộng đồng nhà bán hàng vững mạnh cũng được đánh giá là cách hiệu quả để giữ chân nhà bán hàng đang hoạt động và thu hút thêm nhà bán hàng mới.

Sau đây là 5 xu hướng nổi bật của TMĐT tại Việt Nam trong năm qua. 5 xu hướng TMĐT trọng tâm này được dự đoán sẽ có tác động đáng kể đến hệ sinh thái TMĐT trong năm 2022. 

Mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment)

Trong những năm gần đây, các hình thức giải trí và sự kiện trực tuyến ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, một phần đến từ tác động của COVID-19, nhưng phần lớn là do sự chào đón của người tiêu dùng dành cho Shoppertainment - hoạt động mua sắm kết hợp với giải trí. 

Với các trải nghiệm tương tác phong phú, Shoppertainment đã thâm nhập một cách hiệu quả vào thói quen của người tiêu dùng trực tuyến và trở thành xu hướng dẫn đầu trên TMĐT năm 2021.

Sáng kiến "Shoppertainment" được triển khai trên trang Lazada với các hoạt động tương tác như chương trình phát sóng trực tiếp livestream, trò chơi với phần thưởng là các voucher mua sắm hoặc xu để quy đổi thành tiền và khấu trừ trực tiếp trên đơn hàng. 

Nghiên cứu của Lazada cho thấy nhờ chiến lược này, người tiêu dùng bắt đầu xem ứng dụng Lazada như một điểm đến tích hợp, nơi họ có thể xem livestream, giao lưu với người nổi tiếng, chơi trò chơi, săn ưu đãi và mua sắm. Shoppertainment cũng mang lại lợi ích cho nhà bán hàng, bằng cách cho phép họ có không gian lý tưởng để tương tác với khách hàng tiềm năng và phát triển kinh doanh hiệu quả trong hệ sinh thái của Lazada. 

Theo báo cáo, trong quý 3/2021, kênh LazLive trên ứng dụng Lazada đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng về doanh số bán hàng và khách hàng mới. Cụ thể, trong Lễ hội mua sắm 9/9/2021, tổng doanh thu thông qua LazLive tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt mức doanh thu kỷ lục 700 triệu đồng chỉ trong vòng 2 giờ. 

So với trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, doanh số hằng ngày ghi nhận từ những buổi phát trực tiếp livestream tăng gấp 5 lần; lượng người mua trung bình mỗi ngày thông qua buổi phát trực tiếp livestream tăng hơn 120%; và số lượt xem livestream trung bình mỗi ngày tăng gấp 2 lần.

Mua sắm hàng bách hóa chuyển dịch từ ngoại tuyến sang trực tuyến

Bách hoá trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra ở Việt Nam. Theo báo cáo của Deloitte, các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, trước đây vốn được tiêu thụ chủ yếu thông qua các kênh truyền thống, giờ đã trở thành mặt hàng trực tuyến bán chạy nhất trong thời kỳ giãn cách xã hội. Hơn 50% người tiêu dùng Việt Nam giảm tần suất đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống trong giai đoạn “bình thường mới” và 25% trong số họ tăng cường mua sắm trực tuyến.

Có thể thấy, hiện nay hầu hết tất cả các sàn TMĐT ở Việt Nam như Lazada hay Tiki đều có mục bán hàng thực phẩm tươi sống. Thậm chí các ứng dụng gọi xe như Grab, GoJek cũng có chức năng “đi chợ hộ” hay chuyển phát đồ ăn. Mua sắm trực tuyến mặt hàng thiết yếu đã trở thành một xu hướng TMĐT tại Việt Nam, thể hiện qua số lượng đơn đặt hàng trong báo cáo của các siêu thị, nền tảng TMĐT cũng như các ứng dụng gọi xe có chức năng “đi chợ hộ”.

5 xu hướng thương mại điện tử nổi bật tại Việt Nam - Ảnh 1.

Theo báo cáo của iPrice, lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa bách hóa trực tuyến tăng 223% trong quý 2/2021. Lượt tìm kiếm trong tháng 7 tăng 11 lần so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6 - ngay trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh thành. 

Hơn nữa, trong quý 2/2021, thống kê cho thấy mọi người quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm tươi sống, thịt và cá, đồ uống, thực phẩm đóng gói và rau quả với mức tăng trưởng lần lượt là 99%, 51%, 30% và 11% so với quý 1 năm 2021. 

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021  do Google, Temasek, Bain & Company, trong số các ngành hàng trên TMĐT, bách hoá trực tuyến dự kiến sẽ là động lực phát triển chính cho nền TMĐT của Đông Nam Á trong vài năm tới. Mặt hàng bách hóa hiện chiếm hơn 50% tổng chi tiêu bán lẻ ở Đông Nam Á. 

Do tác động của đại dịch, 64% người dùng số hiện đã mua hàng bách hóa trực tuyến ít nhất một lần trong năm vừa qua. Tuy nhiên, thị phần của kênh mua sắm trực tuyến trong tổng giá trị giao dịch (GMV) ngành hàng bách hóa vẫn ở mức thấp khoảng 2% do tần suất mua hàng và giá trị giao dịch thấp hơn (so với ngoại tuyến) trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, các thị trường phát triển khác (ví dụ như Mỹ và Trung Quốc) lại có mức tỷ trọng mua sắm hàng bách hóa trực tuyến là gần 10%, điều này cho thấy tiềm năng phát triển lớn của ngành hàng bách hóa trên các nền tảng TMĐT tại khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Hơn nữa, cũng theo Google, Temasek, Bain & Company, đà tăng trưởng của hoạt động mua sắm hàng bách hóa trực tuyến sẽ không dừng lại sau giai đoạn giãn cách xã hội bởi COVID-19. Theo đó, 58% người tiêu dùng Việt được khảo sát cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi và 53% người tiêu dùng Việt thừa nhận rằng mua hàng bách hoá trực tuyến đã trở thành một phần trong thói quen của họ. 

Sự thịnh hành của mô hình kinh doanh trực tuyến

Thị trường TMĐT tại Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển lớn thông qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng DN mới tham gia TMĐT trong hai năm qua. Tỷ lệ DN tham gia nền tảng TMĐT tăng từ 17% trong năm 2019 lên 22% trong năm 2020. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ DN nhận được đơn đặt hàng thông qua các nền tảng TMĐT cũng tăng từ 19% vào năm 2019 lên 29% vào năm 2020. Xu hướng nhà bán hàng chuyển đổi kinh doanh trên các nền tảng TMĐT ngày càng tăng, thậm chí mạnh mẽ hơn dưới tác động của COVID-19. Giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, từ tháng 7 - 9/2021, Lazada ghi nhận lượng nhà bán hàng đăng ký tăng đột biến. Cụ thể, theo báo cáo quý 3/2021, số lượng nhà bán hàng mới tham gia Lazada Việt Nam đã tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng trưởng của nhà bán hàng mới gia nhập Lazada dự kiến sẽ được duy trì ngay cả sau giai đoạn giãn cách xã hội. Nền tảng này cho biết số lượng nhà bán hàng mới tham gia Lazada Việt Nam tăng khoảng 30%/tháng kể từ tháng 10/2021. Điều này cho thấy mô hình kinh doanh trên TMĐT ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam và các DN vừa và nhỏ đang xem TMĐT là một mô hình kinh doanh tiềm năng sau thời kỳ giãn cách xã hội.

Có thể nói, xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến nói chung và kinh doanh trên TMĐT nói riêng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách vật lý giữa nhà bán hàng và khách hàng tiềm năng, thiết lập kênh kinh doanh hiệu quả, thông suốt, rút ngắn khoảng cách cung - cầu bằng cách theo dõi dữ liệu cụ thể và tận dụng các công cụ kỹ thuật số linh hoạt. 

Do đó, đầu tư vào các kênh TMĐT và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh sẽ giúp các DN thuộc mọi quy mô duy trì kinh doanh hiệu quả, thậm chí tăng trưởng tốt trước những bất ổn kinh tế. Đó là lý do mô hình kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng TMĐT trở thành xu hướng thịnh hành trong năm vừa qua dưới tác động của đại dịch COVID-19.

5 xu hướng thương mại điện tử nổi bật tại Việt Nam - Ảnh 2.

Logistics nội bộ là chìa khóa tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh

Giai đoạn trước COVID-19, phần lớn các nền tảng TMĐT và các nhà bán lẻ thường chọn hình thức giao hàng bởi 3PL (các đối tác logistics) để tiết kiệm chi phí và đầu tư vào các hạng mục công nghệ khác. Nhưng dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và địa phương, thách thức sự phối hợp giữa người bán và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ, kho bãi và hậu cần trong việc cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. 

Trước những thách thức này, bên cạnh việc duy trì hợp tác với các đối tác logistics, các nền tảng TMĐT cũng đang dành mối quan tâm và đầu tư lớn hơn vào việc phát triển dịch vụ logistics nội bộ, nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng luôn được thông suốt.

Trong bối cảnh đại dịch, các nền tảng TMĐT đã phải tăng cường khả năng quản lý hàng tồn kho và hệ thống vận chuyển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách liên tục và kịp thời. Do đó, các công ty trong khu vực và địa phương đã phải tái thiết kế cơ sở hạ tầng của họ để quy trình xử lý đơn hàng và giao hàng diễn ra thông suốt hơn. Những nỗ lực này đều xoay quanh dịch vụ logistics nội bộ. 

Đây là lĩnh vực đã tăng trưởng hơn 30% về quy mô tại Indonesia và Việt Nam vào năm 20208. Mô hình logistics nội bộ cho phép kiểm soát hàng tồn kho, lựa chọn loại hình vận tải, tính linh hoạt trong quản lý và đảm bảo đáp ứng đầy đủ mong đợi của khách hàng.

Hoạt động vì cộng đồng giúp các thương hiệu nâng cao giá trị và kết nối với người tiêu dùng

Theo nhiều báo cáo và khảo sát, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng lựa chọn các thương hiệu tạo ra giá trị khác biệt và có ý nghĩa trong cộng đồng - đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Các thương hiệu ngày nay cần nỗ lực trong việc tạo ra kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng, đặc biệt là thông qua các hoạt động có ý nghĩa cộng đồng, từ đó tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Báo cáo “Global Marketing Trends 2020” của Deloitte cho thấy các công ty có nhiều hoạt động, sáng kiến vì cộng đồng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn, cả về thị phần và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm, đồng thời đạt được sự hài lòng của nhân viên và khách hàng cao hơn. 

Một báo cáo toàn cầu gần đây của Havas Media Group cũng đã chỉ ra rằng các công ty công nghệ đã nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng bách hóa nhanh chóng, giá cả phải chăng và không ngừng sáng tạo ra các cách thức mới để kết nối với khách hàng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 xu hướng thương mại điện tử nổi bật tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO