5G và cơ hội hợp tác phát triển khối ASEAN

Minh Thiện| 21/03/2019 20:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G tạo sợi dây kết nối các quốc gia ASEAN chặt chẽ hơn và cùng nhau phát triển nhanh.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác và chia sẻ công nghệ với các quốc gia khác trong ASEAN

Sáng 21/3/2019, tại Hà Nội, Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ 5 (5G) với chủ đề “5G và nền kinh tế số khu vực ASEAN” chính thức khai mạc.

Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức  với sự tham gia của đại biểu quốc tế là Bộ trưởng, Lãnh đạo các cơ quan quản lý về viễn thông các nước ASEAN và các nước đối thoại (Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc), đại diện các tổ chức quốc tế chuyên ngành, Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu về sản xuất và khai thác dịch vụ viễn thông. Về phía Việt Nam có sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, một số thành phố lớn, các hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu về viễn thông và công nghệ thông tin.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị ASEAN về 5G là một trong các sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G, đồng thời bày tỏ rất vui mừng trước sự có mặt và tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý về viễn thông của nhiều nước ASEAN. “Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G. Với chủ đề “5G và Kỷ nguyên số - 5G and the Digital Era”. Trước cuộc CMCN 4.0, các nước ASEAN hiện đang hợp tác chặt chẽ với mục tiêu phát triển và xây dựng một ASEAN số. 5G là một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc hiện thực hoá mục tiêu này".

Nền kinh tế số, với những mô hình và phương thức kinh doanh mới đang tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch; thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh. 

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để triển khai 5G, việc xác định các chính sách và lộ trình cần thiết đối với mỗi quốc gia thường sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Trong kỷ nguyên số, ASEAN cần phải thúc đẩy hợp tác khu vực trong mọi lĩnh vực: kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đối với 5G, các nước ASEAN đặt mục tiêu sẽ triển khai đồng bộ cùng lúc với các nước phát triển khác trên thế giới. Về lĩnh vực ICT, các quốc gia ASEAN cần trở thành những nước đi đầu

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị mỗi nước ASEAN cần tích cực chủ trì triển khai một sáng kiến phù hợp và chia sẻ với các nước khác, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy được thế mạnh chung của ASEAN. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, phối hợp và hỗ trợ các nước ASEAN về các nội dung, lĩnh vực liên quan đến triển khai mạng 5G.

Lãnh đạo Bộ TTTT và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị

Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ nằm trong những nước đầu tiên triển khai 5G, ngay từ đầu năm 2019, Bộ TTTT đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam hiện nay cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát…

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong ASEAN để thành lập liên doanh và các nhà máy sản xuất sản phẩm CNTT-TT; đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với các quốc gia khác để tất cả các thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.  

Những chia sẻ hữu ích để cùng phát triển

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, tập trung thảo luận sâu từng chuyên đề được chia theo các phiên họp.

Trong ngày đầu tiên (21/3), đại biểu các nước tập trung thảo luận 3 chuyên đề chính: Phiên 1: Chính sách quốc gia về 5G; Phiên 2: Mạng 5G/Cơ sở hạ tầng/Bảo mật; Phiên 3: Băng tần cho 5G; Phiên 4: Mô hình đầu tư và kinh doanh; Cuối cùng là thảo luận về các khuyến nghị và cơ hội hợp tác ASEAN trong phát triển 5G.

Đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị

Trong ngày, các diễn giả đã thảo luận chuyên sâu về chính sách và quản lý, chiến lược phát triển di động băng rộng và lộ trình triển khai 5G bao gồm công nghệ, chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng, tần số, tiêu chuẩn, an toàn thông tin, ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G.

Các bài báo cáo nổi bật trong phiên hội thảo bao gồm: Ứng dụng công nghệ 5G vào sản xuất công nghiệp; Kinh nghiệm cấp phổ tần cho các thiết bị IoT; Con đường đến kỷ nguyên 5G.

Tại phiên thảo luân, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TTTT, chia sẻ về Quy hoạch chung cùng lộ trình triển khai 5G tại Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đang triển khai thử nghiệm 5G với các mục tiêu: Chuẩn bị cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn sàng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc thực hiện 5G để phục vụ kinh tế, trước hết là viễn thông; thúc đẩy R&D trong nước và sản xuất thiết bị 5G; Bắt đầu dùng thử 5G vào năm 2019, cung cấp dịch vụ 5G thương mại vào năm 2020; Đánh giá khả năng tương thích của thiết bị 5G với mạng hiện tại để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kiến trúc mạng trước khi ra mắt thương mại; Xây dựng và tích hợp các ứng dụng mới như các ứng dụng 4K/ 8K, AR/VR, eMBB ... trên cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Hội nghị cũng đánh giá tác động của thời tiết đến QoS khi hoạt động ở các dải trung bình (<6Ghz) và siêu cao (mmWave), nhiễu của hoạt động băng tần 3,5 GHz với các hệ thống vệ tinh hiện có, đồng bộ hóa GPS và các tùy chọn đồng bộ hóa khác khi áp dụng phương pháp TDD ở băng tần 2,6 GHz.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ TTTT

Việc thử nghiệm giúp Việt Nam chuẩn bị đầy đủ để lập kế hoạch sử dụng tần số cho 5G phù hợp với nghiên cứu 3GPP; Kết hợp thử nghiệm với R&D công nghệ để có thể sản xuất các thiết bị mạng trong tương lai; Phân bổ tài nguyên viễn thông (tần số, đánh số) phù hợp với sự phát triển của công nghệ cũng như nhu cầu của các nhà khai thác

Chính phủ Việt Nam đang tổ chức phối hợp với các Bộ, ngành để chia sẻ cơ sở hạ tầng liên ngành; Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn quốc như một cơ sở hạ tầng cơ bản trong việc triển khai mạng 5G; Huy động Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để Chính phủ đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng (cáp quang) ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Hội nghị cũng thảo luận những khó khăn, thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt và cần phối hợp khi triển khai xây dựng hệ sinh thái cho mạng 5G (5G Ecosystem).

Công nghệ 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. 5G với những tính năng vượt trội như: băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh... Đây là những nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng trong thời đại của nền kinh tế số.

Ông Cristian Gomez, Giám đốc Chính sách và quản lý phổ tần, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, GSMA, chia sẻ về 5G phát triển quốc gia và cập nhật chính sách về phổ tần. Ông cho rằng, tính khả dụng và hài hòa của phổ tần là nền tảng cho sự thành công của triển khai 5G. Mạng 4G và 5G có thể sẽ cùng tồn tại và vẫn bổ sung trong nhiều năm.

Việc cung cấp băng thông rộng di động nâng cao sẽ là đề xuất cốt lõi trong việc triển khai 5G sớm. IoT khổng lồ và quy mô truyền thông có độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao ở giai đoạn tiếp tục nghiên cứu triển khai. IoT và trí tuệ nhân tạo (AI) đang hướng tới việc áp dụng chính thống, 5G dự kiến sẽ có vai trò chính trong việc này

Ông cũng đưa ra một số đánh giá tác động dự kiến của tốc độ phát triển ứng dụng mmW đến GDP theo ngành dọc (Toàn cầu).

Ông Cristian Gomez, Giám đốc Chính sách và quản lý phổ tần, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, GSMA

Ông Adis Alifiawan, Trưởng phòng quản lý kế hoạch tần số, dịch vụ di động mặt đất, Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia chia sẻ về: Lợi ích tiềm năng, thử nghiệm, thách thức trong xây dựng chính sách, khung quy định và vấn đề phổ tần cho 5G. Theo ông Adis, chính sách về phổ tần phải bao phủ tất cả băng tần thấp, dải giữa và dải cao; Lập kế hoạch để có chính sách linh hoạt băng tần thông qua cải cách quy định; Xem xét sự cần thiết của băng phân bổ cụ thể để triển khai mạng cục bộ và dành riêng cho 5G.

Để cân bằng lợi ích, cần nhắm mục tiêu giá trị thị trường tối ưu nhất cho phổ 5G. Nếu phí phổ tần quá đắt sẽ ức chế đầu tư tăng tốc 5G, vì vậy, cần một chính sách cân bằng giữa ưu đãi và mục tiêu doanh thu phí, thuế của nhà nước.

Ông Adis Alifiawan – Trưởng phòng quản lý kế hoạch tần số, dịch vụ di động mặt đất, Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia

Về chia sẻ hạ tầng, 5G cần nhiều small cell do đặc tính dải sóng ngắn của nó có phạm vi phủ sóng hạn chế. Do đó, cần hợp lý hóa một số chính sách của Chính phủ liên quan đến việc tiếp cận cơ sở hạ tầng công cộng, hành lang giao thông và xây dựng nhà trạm. Khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ tín hiệu đường truyền trên mạng cáp quang.

Về mô hình kinh doanh, 5G không chỉ là về kinh doanh di động, mà còn cung cấp nhiều giải pháp cho các ngành dọc, ví dụ như các ngành sản xuất. Chuỗi giá trị sẽ bị thay đổi. Trong kỷ nguyên 5G, các nhà khai thác di động có một số tùy chọn vai trò mới: trở thành nhà phát triển mạng, bán thuê dịch vụ hoặc người tạo dịch vụ.

Các diễn giả tới từ các quốc gia, những tổ chức và tập đoàn viễn thông lớn đã chia sẻ thông tin tiềm năng và những lợi thế triển khai 5G tại các quốc gia đang phát triển; Quy hoạch chi tiết băng tần dành cho phát triển 5G tại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025; Thách thức và những giải pháp đồng nhất hạ tầng công nghệ Viễn thông các quốc gia tiểu vùng sông Mekong; Kinh nghiệm triển khai và đồng nhất hạ tầng CNTT của một doanh nghiệp tại nhiều quốc gia khác nhau.

Ông Ong Tong San, Giám đốc cấp cao bộ phận Đánh giá thị trường và phát triển cạnh tranh Singapore, chia sẻ lộ trình triển khai 5G và những kinh nghiệm  cho việc tắt mạng 2G của quốc đảo này

Để xây dựng và triển khai hạ tầng kỹ thuật công nghệ 5G hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm, các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông đã chia sẻ định hướng ứng dụng và các giá trị tiêu biểu mà công nghệ 5G đem lại cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng và các quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong nói chung; Diện mạo mới của IoT, thành phố thông minh khi công nghệ 5G được chính thức thương mại hóa; Xu hướng chuyển đổi các loại hình dịch vụ của ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh công nghệ 5G được triển khai.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong một số ngành nghề tiêu biểu khi 5G được thương mại hóa; Phát triển các dịch vụ số trên nền tảng công nghệ 5G - cơ hội của các start-up...

Với thông điệp “ASEAN cùng nhau làm, cùng nhau phát triển”, đại diện các đoàn từ các quốc gia tham dự hội nghị đều cho rằng, các nước ASEAN cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng số, hợp tác chặt chẽ hơn để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.

Ngày thứ hai (22/3), là diễn đàn mở, chuyên gia quốc tế và đại biểu các nước sẽ thảo luận về vai trò 5G và chuyển đổi số, các cơ hội và tiềm năng từ 5G, các ứng dụng 5G trong các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Các phiên chuyên đề sẽ giới thiệu về tiềm năng ứng dụng 5G trong y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất và đô thị thông minh...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5G và cơ hội hợp tác phát triển khối ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO