7 điểm sáng và 4 thách thức để vượt “bão” COVID-19

Chính BInh| 31/08/2021 18:14
Theo dõi ICTVietnam trên

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có chia sẻ về 5 giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và gợi ý Mô hình 6-R cho các doanh nghiệp cân nhắc.

7 điểm sáng và 4 thách thức trong nền kinh tế Việt Nam

PV: Chuyên gia có thể đánh giá khái quát về bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất mạnh bởi dịch bệnh COVID-19?

TS. Cấn Văn Lực: Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam ghi nhận một số kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh hai lần bùng phát, đặc biệt lần thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay nghiêm trọng và phức tạp hơn, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn, ăn uống, giáo dục - đào tạo... Theo đó, có 7 điểm sáng chính. Thứ nhất, dịch bệnh cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, nhờ sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng của doanh nghiệp, người dân trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế. Thứ hai, GDP duy trì đà tăng trưởng khá (5,64% so với cùng kỳ năm trước) nhờ các động lực tăng trưởng chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành dịch vụ (như bán buôn – bán lẻ, ICT, tài chính – ngân hàng, khoa học – công nghệ…).

7 điểm sáng và 4 thách thức để vượt “bão” COVID-19 - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực

Đây là kết quả đáng khích lệ bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thứ ba, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa, lạm phát toàn cầu gia tăng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt của các cơ quan chức năng (CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020). Thứ tư, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn tăng trưởng mạnh dù dịch bệnh tác động mạnh đến các khu công nghiệp, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 317 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Thứ năm, vốn FDI đăng ký mặc dù giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt hơn 15 tỷ USD), nhưng vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung tăng lần lượt là 13,2% và 10,6%; giải ngân vốn FDI đạt 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. Thứ sáu, lãi suất và tỷ giá cơ bản ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cuối cùng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam được các tổ chức đánh giá cao khi trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam là một trong số ít Quốc gia được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín (Moody’s, S&P và Fitch) nâng triển vọng từ "ổn định" lên "tích cực". Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với bốn thách thức chính. Một là, dịch bệnh trong nước còn diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp (đến hết ngày 18/7/2021, mới có khoảng 4,5% dân số được tiêm vắc xin). Hai là, lĩnh vực dịch vụ (nhất là du lịch, vận tải – kho bãi, lưu trú – ăn uống, y tế, giáo dục – đào tạo…) chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và chưa phục hồi. Ba là, hoạt động của doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và hoàn tất giải thể đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 22,1%; 33,8%. Bốn là, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế chậm, rủi ro nợ xấu tăng lên, thu ngân sách thiếu bền vững do hoạt động doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn.

PV: Bên cạnh những điểm sáng và thách thức trên thì nền kinh tế của chúng ta sẽ dự báo sẽ đối mặt với những khó khăn như thế nào, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, thưa chuyên gia?

TS. Cấn Văn Lực: Trong 6 tháng cuối năm, khả năng phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh và tiến trình tiêm vắc xin. Theo kịch bản cơ sở của chúng tôi, nếu dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 8/2021, tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng xanh, bền vững hơn trên nền tảng kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quá trình cơ cấu lại được thúc đẩy, thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước) hồi phục tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,8-6%. Trong trường hợp tích cực, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 7/2021, tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 1/2022, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 6,3-6,5%. Trong trường hợp tiêu cực, đợt dịch này được kiểm soát trong Quý 4/2021, quá trình tiêm vắc xin chậm triển khai, miễn dịch cộng đồng đạt vào Quý 3/2022; tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 5,1-5,3%. Lạm phát năm nay sẽ chịu áp lực tăng cao hơn, dự báo ở mức 3,4-3,6% (so với mức 3,2% năm 2020). Đây cũng là mức dự báo tương tự như của một số định chế tài chính như Citi Research, HSBC. Như vậy, tăng trưởng GDP năm 2021 khó có thể đạt mục tiêu 6,5% như Chính phủ đề ra đầu năm, song vẫn có thể đạt tiệm cận mức 6% nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát và các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, đồng bộ.

Nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp

PV: Trong bối cảnh khó khăn mà các doanh nghiệp nói chung đang gặp phải do dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất như: hàng không, du lịch và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

TS. Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng, bao gồm: Thứ nhất, Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với quy mô ước tính 115 nghìn tỷ đồng. Đến nay, việc triển khai tại một số địa phương đã đạt kết quả tích cực, như đến hết tháng 6/2021, tại TP.HCM và Hà Nội, số hộ kinh doanh được gia hạn chiếm khoảng gần 30% số hộ thuộc diện phải nộp thuế. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 về tiếp tục cho phép cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí đối với cả nợ hiện hữu và cho vay mới, lộ trình trích lập dự phòng rủi ro đối với các Tổ chức Tín dụng (TCTD) là 3 năm (2021-2023). Trong tháng 7/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, vận động 16 Ngân hàng Thương mại giảm 0,5-2% lãi suất đối với cả dư nợ hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng. Thứ ba, đối với các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ theo hướng tháo gỡ vướng mắc để các TCTD có thể cho vay mới đối với Vietnam Airlines; giảm các chi phí đầu vào (Thông tư số 47/2021/TT-BTC - giảm 29 khoản phí và lệ phí, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không...); hỗ trợ phát tiền cho người lao động, hộ gia đình và cho vay lãi suất 0% để giúp doanh nghiệp trả lương với Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành cuối tháng 6/2021 vừa qua…). Thứ tư, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về phòng chống dịch, mua và nghiên cứu, sản xuất vắc xin, mua sắm trang thiết bị y tế, cùng với việc thành lập Quỹ phòng chống dịch và Quỹ vắc xin…., đang được tích cực triển khai.

PV: Với góc độ chuyên gia kinh tế, ông có đề xuất, hiến kế gì để có thêm những "trợ lực" giúp doanh nghiệp vượt bão dịch?

TS. Cấn Văn Lực: Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Chính phủ cần nhanh chóng triển khai 5 giải pháp đồng bộ, kịp thời như sau: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, để vượt qua thách thức và chủ động chuẩn bị tiền đề cho giai đoạn tới, theo tôi, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vắc xin; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quyết định ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế. Hai là, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã ban hành cùng với việc đánh giá, nghiên cứu có thể cần đưa ra các phương án, gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo, trong đó có phương án kích cầu nội địa, nâng cao khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chịu tác động nặng nề theo nguyên tắc không cào bằng, có trọng tâm, trọng điểm. Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thu hút, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; cùng với việc cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, vừa là để hỗ trợ thiết thực nhất đối với doanh nghiệp, người dân, vừa là để thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước). Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, vừa là động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay, vừa giúp phòng chống dịch bệnh do giảm thiểu tiếp xúc, vừa tạo nền tảng phát triển bền vững trên nền tảng tri thức, dữ liệu và khoa học công nghệ. Bốn là, chúng ta cần kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; theo đó, không chủ quan với lạm phát (nhưng không thái quá); tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả; kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính; nhằm tạo giúp Doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Gợi ý doanh nghiệp rất nên cân nhắc từ Mô hình 6-R

Về phía doanh nghiệp, tôi gợi ý mô hình 6-R mà Hiệp hội CPA (Úc) và cá nhân tôi đã rút ra, đó là rất cần: (i) Về phía doanh nghiệp, tôi gợi ý mô hình 6-R mà Hiệp hội CPA (Úc) và cá nhân tôi đã rút ra, đó là rất cần: (i) Respond (thích ứng với dịch bệnh, bình thường mới); (ii) Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt); (iii) Re-invent (đối mới, sáng tạo, thích nghi; bao gồm cả thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh theo hướng "chuyển đổi số" nhiều hơn); (iv) Restructure (cơ cấu lại tổ chức – bộ máy, hoạt động, tài chính, sản phẩm…. để trở nên hiệu quả hơn); (v) Resilience (tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài); và (vi) Risk management (tăng cường quản lý rủi ro trong bối cảnh môi trường hoạt động nhiều bất định). 31 CHÀO MỪNG QUỐC KHÁNH 2/9/2021 Respond (thích ứng với dịch bệnh, bình thường mới); (ii) Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt); (iii) Re-invent (đối mới, sáng tạo, thích nghi; bao gồm cả thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh theo hướng "chuyển đổi số" nhiều hơn); (iv) Restructure (cơ cấu lại tổ chức – bộ máy, hoạt động, tài chính, sản phẩm…. để trở nên hiệu quả hơn); (v) Resilience (tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài); và (vi) Risk management (tăng cường quản lý rủi ro trong bối cảnh môi trường hoạt động nhiều bất định). Với Chính phủ, cần sử dụng cả các chính sách tài khóa, tiền tệ (với khủng hoảng ngắn hạn, thường phải dùng nhiều công cụ tài khóa hơn), cùng với các chính sách, giải pháp mạnh mẽ khác, chưa từng có trong tiền lệ. Khi đó, rất cần sự đồng hành hiệu quả của Đảng, Quốc hội và các ban, ngành trung ương và địa phương cùng vào cuộc. Sự đồng lòng, đồng hành, chia sẻ, gắn kết và trách nhiệm cao mới có thể giúp chúng ta vượt qua cú sốc lịch sử này, cũng như chuẩn bị tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
7 điểm sáng và 4 thách thức để vượt “bão” COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO