AI giúp ngành giáo dục đổi mới sáng tạo

24/09/2019 10:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo nghiên cứu Trang bị cho tương lai: Đánh giá sự tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương với AI trong ngành giáo dục do Microsoft châu Á và IDC châu Á - Thái Bình Dương phối hợp thực hiện, trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ giúp các tổ chức giáo dục thực hiện đổi mới sáng tạo nhanh hơn gấp hai lần.

Nghiên cứu này được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Á về Giáo dục và Kỹ năng (ASES) diễn ra tại Ấn Độ từ ngày 22 đến 24/9/2019. Nhiều tổ chức giáo dục đã và đang bắt đầu thu thập dữ liệu, thực hiện các phân tích chuyên sâu, nhằm nâng cao kết quả đầu ra của sinh viên.

Theo nghiên cứu, ba lý do hàng đầu khiến các nhà lãnh đạo giáo dục ứng dụng AI vào công tác giáo dục đó là: (1) cải thiện tương tác với học sinh sinh viên, (2) nâng cao nguồn kinh phí thu được và (3) thúc đẩy nhiều sáng kiến đổi mới hơn. Các tổ chức giáo dục đã áp dụng AI cho biết họ đã nhìn thấy sự cải thiện từ 11% đến 28% xét về các khía cạnh trên. Dự kiến đến năm 2021, các cơ sở giáo dục sử dụng AI sẽ có bước nhảy vọt về nguồn kinh phí thu được, dự kiến sẽ tăng 3,7 lần, cao hơn hầu hết các ngành khác ở châu Á - Thái Bình Dương.

AI cải thiện hoạt động kinh doanh hiện tại và trong 3 năm tới

Là một trong những trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản với hơn 17.000 sinh viên, Khoa Kỹ thuật trường Đại học Hokkaido đã bắt đầu hành trình AI với công cụ giáo dục trực tuyến e-learning. Cụ thể, nhà trường đã phát triển một hệ thống học tập trực tuyến, vận hành trên đám mây Microsoft Azure cho phép sinh viên theo dõi các khóa học ở bất kì nơi đâu. Tận dụng khả năng AI và tự động hóa, hệ thống này đã giúp nhà trường đa dạng hóa cách tiếp cận với sinh viên, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho khóa học từ vài ngày xuống vài giờ, tăng cường bảo mật và thay đổi trải nghiệm học tập của sinh viên.

Mặc dù 75% các nhà lãnh đạo giáo dục tham gia khảo sát đồng ý rằng AI sẽ giúp cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chỉ có 32% các cơ sở ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu hành trình AI hóa của mình. Các tổ chức giáo dục ở châu Á - Thái Bình Dương cần tập trung vào: Chiến lược - Đầu tư, Dữ liệu và Văn hóa.

Khi so sánh với các ngành khác tại châu Á - Thái Bình Dương về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI, ngành Giáo dục hiện đang đứng phía sau về khía cạnh Dữ liệu, Chiến lược - Đầu tư cũng như Văn hóa.

1.    Dữ liệu: Các tổ chức giáo dục cần phải cải thiện tính sẵn sàng, chất lượng và hoạt động quản trị dữ liệu hiện tại.

Tính sẵn sàng của dữ liệu là một vấn đề mấu chốt đối với các cơ sở giáo dục. Ngày nay, dữ liệu tại các cơ sở giáo dục đại học bị cách ly trong các silo dữ liệu, và việc sử dụng một nền tảng đám mây để mở rộng khả năng lưu trữ còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục cũng phải đối mặt với các vấn đề về tính kịp thời và chất lượng dữ liệu từ các nguồn, cũng như thiếu thực hành quản trị để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng dữ liệu.

2.    Chiến lược và đầu tư: Các tổ chức giáo dục cần đánh giá phân bổ đầu tư để hỗ trợ chiến lược AI của mình  

Để gặt hái lợi ích từ AI, các cơ sở giáo dục phải có một chiến lược AI hợp lý giúp cải thiện tính sẵn sàng trong việc ứng dụng AI. Đồng thời, họ cũng cần xem xét phân bổ chiến lược đầu tư để hỗ trợ các nỗ lực sử dụng AI trên phạm vi toàn tổ chức.

3.    Văn hóa: Các cơ sở giáo dục còn thiếu những đặc điểm cần thiết cho việc ứng dụng AI

Hơn một nửa số nhân viên và gần một nửa số quản lý ngành giáo dục tham gia khảo sát tin rằng các đặc điểm và hành vi văn hóa cần thiết cho việc ứng dụng AI hiện không phổ biến trong tổ chức của họ. Ví dụ, 67% nhân viên và 46% quản lý không cho rằng nhân viên được trao quyền để có thể hành động một cách nhanh chóng và linh hoạt trong phạm vi tổ chức của mình.

Kỹ năng AI cần thiết cho tương lai của ngành giáo dục

Nghiên cứu cho thấy cả quản lý và nhân viên ngành giáo dục đều có cái nhìn tích cực về AI đối với công việc. Đa số quản lý (61%) và nhân viên (61%) tin rằng AI giúp thực hiện công việc hiện tại hiệu quả hơn hoặc giảm thiểu các nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Ngoài ra, 21% các quản lý tin rằng AI sẽ tạo ra việc làm mới và 13% nhân viên cũng đồng ý như vậy.

Nhìn nhận về tầm ảnh hưởng của AI đối với công việc (Quản lý và nhân viên)

Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nguồn lao động hiện tại vẫn còn thiếu những kỹ năng cần thiết cho một tương lai AI. Ba kỹ năng được cho là sẽ thiếu hụt trong vòng 3 năm tới là:

•    Các kỹ năng CNTT và lập trình (IT skills and programming)

•    Các kỹ năng số (Digital skills)

•    Các kỹ năng định lượng, phân tích và thống kê (Quantitative, analytical and statistical skills)

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quản lý và nhân viên chưa thật sự có cái nhìn chung về việc bổ sung kỹ năng. Các quản lý nhận thức được nhu cầu cấp thiết của việc trang bị các kỹ năng AI cho lực lượng lao động, nhưng họ không hoàn toàn tin rằng nhân viên của mình mong muốn tham gia đào tạo. Dựa trên nghiên cứu, 26% quản lý cảm thấy rằng người lao động không có hứng thú với việc đào tạo kỹ năng, nhưng thực tế chỉ có 11% nhân viên không có hứng thú.     

Những phát hiện quan trọng này đã được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Á về Giáo dục và Kỹ năng (ASES) được tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ từ ngày 22 đến 24/9/2019. ASES là một sự kiện lãnh đạo cấp bộ dành riêng cho lĩnh vực giáo dục và kỹ năng, với Microsoft là đối tác sáng lập trong 6 năm liền. Hội nghị thường niên này thu hút các nhà lãnh đạo hệ thống giáo dục, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các cơ sở giáo dục lớn từ khắp châu Á về tham dự để thảo luận về những thách thức và cơ hội trong việc hoạch định và thực thi chính sách trong lĩnh vực này. Với nhiều phiên làm việc chuyên sâu được dẫn dắt bởi các chuyên gia cũng như những người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, thảo luận về các thực hành tốt nhất cũng như xu hướng của ngành, ASES có sự tham dự của phái đoàn cấp cao và nhà lãnh đạo giáo dục nổi tiếng từ Ấn Độ cùng đại biểu từ hơn 15 quốc gia.

Nhật Bình

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI giúp ngành giáo dục đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO