An Giang đồng bộ giải pháp cải cách hành chính

T.H| 25/10/2021 16:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2021, An Giang đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong công cuộc cải cách hành chính (CCHC), đồng thời cụ thể hóa thực hiện khâu đột phá "Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Những mục tiêu cụ thể

Để công tác cải cách hành chính đạt kết quả, ngay từ đầu năm 2021 Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 20% trở lên; 98% thủ tục hành chính trả kết quả đúng hạn; 98% người dân được hỏi hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hài lòng với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Tối thiểu 30% Dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4 và phấn đấu 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phấn đấu tích hợp 50% các Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.

Đồng thời, phấn đấu 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) và các Chỉ số của tỉnh An Giang (PAR Index, PAPI, PCI, SIPAS...): đứng trong nhóm 15/63 tỉnh, thành phố cả nước.

An Giang đồng bộ giải pháp cải cách hành chính - Ảnh 1.

Cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu cải cách hành chính

Nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch triển khai và cung cấp 100% Dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Mục tiêu thực hiện kế hoạch nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính (CCHC), đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào CCHC nhằm công khai, minh bạch trong giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) với người dân, DN, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh ICT, thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Đồng thời, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 trong năm 2021, nhằm phục vụ người dân và DN trong thực hiện TTHC trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh thực hiện rà soát, đảm bảo cung cấp các biểu mẫu, thành phần hồ sơ trong quy trình điện tử giải quyết hồ sơ TTHC; hoàn thiện việc xây dựng, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong xử lý hồ sơ TTHC. Rà soát danh mục TTHC đủ điều kiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và danh mục các Dịch vụ công trực tuyến không đủ điều kiện thực hiện mức độ 4. Đánh giá chất lượng theo danh sách các Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử (gọi tắt Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh).

Cùng với đó, đồng bộ kịp thời, đầy đủ trạng thái hồ sơ từ các hệ thống chuyên ngành của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân tra cứu trạng thái hồ sơ. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN về việc sử dụng và lợi ích của Dịch vụ công trực tuyến. Cập nhật danh mục Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đã thực hiện tái cấu trúc quy trình) trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Tích hợp 100% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi cho người dân, DN trong việc giải quyết TTHC.

Để thực hiện hiệu quả, Văn phòng UBND tỉnh cùng các Sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, như: triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh trên cùng một nền tảng, đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành. Kết nối Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (EMC) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

Đồng thời, thành lập Tổ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp 100% Dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Thành lập Tổ giúp việc với sự tham gia của các thành viên là cán bộ, công chức thuộc các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, giúp Tổ công tác triển khai các nhiệm vụ cung cấp 100% các Dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.

Cùng với đó là tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân, DN về việc sử dụng và lợi ích của Dịch vụ công trực tuyến. Công bố, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin, số lượng, thành phần các TTHC (tỉnh, huyện, xã) trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Thực hiện kiểm thử các dịch vụ công đã được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Từ năm 2020, việc thực hiện công tác cải cách TTHC thông qua cung cấp Dịch vụ công trực tuyến tại An Giang được thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh được xây dựng tập trung tại tỉnh và đảm bảo kết nối liên thông tới 100% Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn. Hệ thống đã hỗ trợ người dân và DN trong việc tra cứu tình trạng hồ sơ theo hình thức trực tuyến hoặc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các địa phương.

Đặc biệt, việc thực hiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để giải quyết các TTHC đã được thực hiện thông qua môi trường mạng và dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho cá nhân, tổ chức và DN.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
An Giang đồng bộ giải pháp cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO