An toàn thông tin: Cần biến những năng lực đơn lẻ thành năng lực tổng thể

Đỗ Minh| 24/04/2021 16:03
Theo dõi ICTVietnam trên

“An toàn thông tin (ATTT) phải đảm bảo phát triển, ổn định, hoạt động hiệu quả trên 05 trụ cột hợp thành cơ bản, quan trọng: Con người, luật pháp, sản phẩm, tổ chức triển khai, năng lực chung cả quốc gia..”

Đó là yêu cầu, chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) tại sự kiện "Gặp mặt thường niên năm 2021" do đơn vị này tổ chức sáng nay ngày 24/04 tại Hà Nội.

Đây còn là dịp tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động năm 2020 của VNISA và xây dựng phương hướng hoạt động 2021. Sự kiện thu hút được đông đảo lãnh đạo đại diện các đơn vị bộ, ban, ngành và các hội viên tham dự.

Cân bằng năng lực để tương xứng với vị trí xếp hạng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Yếu tố con người có nhiều "điểm sáng", tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những yếu tố năng lực đơn lẻ (không phải là hệ thống toàn ngành) tồn tại, đây không phải là năng lực, thành tựu đại diện của toàn ngành TT&TT nói chung, ATTT nói riêng. Do đó, chúng ta cần biến những năng lực đơn lẻ thành năng lực tổng thể để phát triển toàn ngành, lĩnh vực, đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng, chúng ta đã có hành lang pháp lý về ATTT đầy đủ như: Luật ATTT, An ninh mạng… nhưng khi áp dụng thực hiện vào thực tế, cuộc sống, từng ngành, lĩnh vực vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Về sản phẩm ATTT, mặc dù các sản phẩm đảm bảo trên hệ sinh thái an toàn an ninh mạng (chiếm 90%), nhưng thực tế vẫn chưa được dùng và khai thác triệt để.

Về tổ chức triển khai, mặc dù đến nay đã có 100% các cơ quan đơn vị bộ, ngành nhà nước sử dụng việc triển khai bảo vệ an toàn an ninh mạng 04 lớp, tuy nhiên, hiệu quả việc bảo vệ vẫn chưa cao, vẫn gặp các sự cố tấn công và phải hứng chịu những thiệt hại đáng kể.

Về năng lực chung của cả quốc gia, chúng ta cần cân bằng thực lực, năng lực để tương xứng với vị trí xếp hạng về chỉ số ATTT. Liên Hợp Quốc đánh giá thuộc Việt Nam thuộc top 50/196 quốc gia.

"05 yếu tố trên luôn đi kèm những mặt được và mặt chưa được, do đó giờ đây, chúng ta cần phân tích, đánh giá, nhìn nhận để loại bỏ các nhược điểm, đồng thời tìm các giải pháp hữu hiệu đảm bảo cho sự phát triển bền vững", Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

An toàn thông tin: Cần biến những năng lực đơn lẻ thành năng lực tổng thể - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Chúng ta cần cân bằng thực lực, năng lực để tương xứng với vị trí xếp hạng về chỉ số ATTT

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, 05 trụ cột quan trọng trên cũng chính là 05 định hướng lớn Bộ TT&TT đang quyết tâm tham mưu cho Chính phủ thực hiện. Qua sự kiện này, Bộ TT&TT mong muốn VNISA, cộng đồng DN Việt Nam, các cơ quan chức năng cùng đồng hành thực hiện.

"Chúng ta cần đào tạo ra các kỹ sư, cử nhân CNTT có chất lượng cao; cần đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách pháp luật vào cuộc sống; đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng của Việt Nam chất lượng, chiếm được niềm tin của người dùng; bảo vệ các cơ quan nhà nước, hạ tầng trọng yếu đi vào thực chất…", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho biết buổi gặp mặt với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo đại diện các đơn vị bộ, ban, ngành, các hội viên… chính là nguồn động lực quý giá để VNISA tiếp tục phát huy hơn nữa sứ mệnh của mình.

Cũng theo Chủ tịch VNISA, sự kiện hôm nay là dịp để VNISA đánh giá, nhìn nhận những vấn đề đã làm được và chưa làm được trong năm 2020 và thảo luận, đề ra những giải pháp khả thi để triển khai hoạt động 2021; đề xuất giải pháp để phát huy năng lực về chuyên môn của các tổ chức thuộc hiệp hội.

Chú trọng thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn sâu về ATTT

Báo cáo năm 2020 của VNISA nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh chung khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động của VNISA đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp nhiều thành tựu như: Tham gia xây dựng chính sách của nhà nước trong lĩnh vực ATTT; tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo về ATTT, triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế; Phát triển tổ chức hội và hội viên; tổ chức thành công nhiều chuỗi hoạt động về ATTT...

Cụ thể, đối với lĩnh vực tham gia xây dựng chính sách của nhà nước trong lĩnh vực ATTT, VNISA tích cực tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng các báo cáo tổng kết và dự thảo nội dung các đề án của Chính phủ trong lĩnh vực ATTT, tổng kết Luật giao dịch điện tử do Bộ TT&TT chủ trì và các văn bản quản lý nhà nước khác.

Trong việc tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo về ATTT, VNISA xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, quy trình đánh giá theo TCCS 01:2019/VNISA - Giải pháp hóa đơn điện tử an toàn để làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ của các hội viên; Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 02:2020/VNISA - Tiêu chuẩn dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng; tổ chức 02 khóa đào tạo chuyên sâu ATTT cho các tổ chức, cơ quan nhà nước và Hội viên về "Kỹ năng kiểm thử và thâm nhập" và "Kiểm định ATTT cho hệ thống CNTT".

ATTT - cần biến những năng lực đơn lẻ thành năng lực tổng thể - Ảnh 2.

Tạp chí TT&TT cùng các đơn vị nhận giấy khen vì có những đóng góp tích cực cho hoạt động của VNISA

Về hợp tác trong nước và quốc tế, VNISA luôn đảm bảo vai trò là cầu nối giữa các cơ quan QLNN và hội viên, DN. VNISA đã bước đầu tìm mở rộng khả năng, sớm hợp tác với các Hiệp hội ATTT trong khu vực như của Singapore, Malaysia…

Đối với việc phát triển tổ chức hội và hội viên, tính đến háng 12/2020, tổng số hội viên của Hiệp hội là 134 hội viên tập thể và 08 hội viên cá nhân (trong đó Hà Nội có 79 và phía Nam có 59 hội viên tập thể). Cơ cấu hội viên bao gồm các cơ quan chuyên trách về ATTT của Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT, các đơn vị có ứng dụng giải pháp ATTT ở mức cao, các cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, giảng dạy về ATTT…

Đặc biệt, kết quả cho nổi bật nhất năm 2020, chính là VNISA đã hoàn thành, chú trọng vào thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn sâu vê ATTT, thực hiện tốt vai trò vai trò phản biện, xây dựng chính sách, tư vấn chuyên môn nghiệp vụ và tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTT của cộng đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục: Nguồn lực cho các hoạt động phục vụ cộng đồng (như cuộc thi sinh viên ATTT ASEAN) còn phụ thuộc vào các DN tham gia hỗ trợ; chưa phát huy hết sức mạnh của Ban chấp hành và Hội viên hiệp hội trong góp ý xây dựng chính sách nhà nước trong lĩnh vực ATTT; chưa có nguồn thu ổn định bảo đảm cho hoạt động của hiệp hội…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên VNISA đề ra Kế hoạch hoạt động năm 2021 và các giải pháp phát triển. Theo đó năm 2021, VNISA tích cực tổ chức tham gia, xây dựng: Chính sách của nhà nước trong lĩnh vực ATTT; tổ chức một số hoạt động tư vấn, đào tạo về ATTT; hợp tác trong nước và quốc tế; phát triển tổ chức hội và hội viên; tổ chức chuỗi hoạt động Ngày ATTT Việt Nam 2021… 

Cũng tại sự kiện này, VNISA đã biểu dương, khen thưởng các tổ chức, các nhân đã tham gia tích cực các hoạt động của VNISA năm 2020 và tổ chức trao chứng nhận hội viên mới (21bằng khen, 20 giấy khen). Trong đó, Tạp chí TT&TT - Bộ TT&TT đã được nhận giấy khen vì có những đóng góp lớn cho hoạt động của Hiệp hội, đồng thời là hội viên mới chính thức của VNISA.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
An toàn thông tin: Cần biến những năng lực đơn lẻ thành năng lực tổng thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO