ASEAN vượt thách thức để triển khai 5G

Lan Phương, Ảnh Mạnh Vỹ| 22/03/2019 14:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định một số thách thức trong triển khai 5G tại các nước ASEAN. Do đó, các nước cùng hợp tác để triển khai 5G, đóng góp phát triển khu vực bền vững.

Ngày 22/3/2019, tại Hà Nội,  Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ 5 (5G) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức diễn ra ngày thứ 2. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu khai mạc.

Hội nghị có sự tham gia của đại biểu quốc tế là Bộ trưởng, Lãnh đạo các cơ quan quản lý về viễn thông các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế chuyên ngành, Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu về sản xuất và khai thác dịch vụ viễn thông. Về phía Việt Nam có sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, một số thành phố lớn, các hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu về viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Hội nghị ngày hôm nay là một sự kiện rất có ý nghĩa của cộng đồng ASEAN, cũng như một sự kiện có ý nghĩa với ngành CNTT và truyền thông trong khu vực. Cách đây mấy năm, một số nhà kinh doanh, chuyên gia trong lĩnh vực này đã có dự đoán những năm cuối của thập niên này và năm đầu thập niên sau hai từ chìa khóa là “5G” và “8K”.

Nói đến 5G là một bước đột phá về tốc độ, nhưng 5G không phải chỉ là vấn đề nhanh hơn về tốc độ. 5G và các công nghệ khác không chỉ giúp từng cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn phục vụ cho nhu cầu giải trí của mình mà còn giúp mọi người sáng tạo hơn. Và điều quan trọng nhất đối với từng cá nhân là giúp cho mọi người thực sự có cơ hội vừa là trung tâm của sự phát triển bền vững vừa là đối tác tin cậy.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trước một công nghệ mới, bao giờ cũng có những khó khăn, trước hết là ở các nhà cung cấp dịch vụ, sau đó là người sử dụng, các tổ chức… Không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp (DN) từ các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ và cả những DN lớn, ứng dụng những công nghệ này trong thời gian đầu không phải đơn giản.

Bên cạnh đó, khó khăn nữa theo Phó Thủ tướng khi nói đến 5G hay 4G, người ta đều nói đến vấn đề an toàn, an ninh mạng để bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng chính phủ các nước cần hành động, chủ động hơn, làm sao để hỗ trợ các DN viễn thông, các DN khác sử dụng dịch vụ tự tin hơn và bớt rủi ro hơn trong thời gian ban đầu triển khai công nghệ mới.

Phó Thủ tướng mong muốn các nước ASEAN quan tâm sử dụng các tài nguyên phổ tần, rồi đến chính sách khuyến khích trực tiếp và gián tiếp giúp các nhà cung ứng dịch vụ viễn thông, giúp các DN sử dụng mạnh mẽ 5G cũng như các công nghệ mới để thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Đi liền với đó là khắc phục những mặt trái của công nghệ, trong đó có vấn đề an toàn, an ninh thông tin và vấn đề bảo vệ thông tin riêng tư của từng cá nhân.

Nếu tất cả chúng ta cùng chủ động, cùng tăng cường hợp tác, chắc chắn những tác động theo chiều không thuận sẽ được giảm thiểu hoá. Mong rằng các chuyên gia đưa ra những khuyến nghị cụ thể để làm sao đứng trước những nguy cơ không tốt, chúng ta có được sự chủ động và đưa ra được các quy định cần thiết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu các nước tham dự Hội nghị

ASEAN cùng đi đầu với thế giới về công nghệ mới

Thay mặt Bộ TTTT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Hội nghị ASEAN về 5G tại Hà Nội lần này là hội nghị đầu tiên của ASEAN về 5G là một thông điệp gửi đi về việc các nước ASEAN sẽ cùng đi đầu với thế giới về công nghệ mới. Sẽ không còn chuyện, có những nước ASEAN đi sau thế giới về 3G/4G từ 6 đến 8 năm. “Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước ASEAN cùng nhau trên tinh thần: Làm việc cùng nhau và cùng nhau phát triển. Cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới”.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đầu tiên của ASEAN về 5G này là một sáng kiến của Việt Nam cũng như những sáng kiến Việt Nam khác về: ASEAN Flat Roaming, một mức cước roaming chung cho các nước ASEAN để biến ASEAN thành khu vực đầu tiên trên thế giới sẽ phẳng hoá về viễn thông; ASEAN Hub về Cybersecurity để cũng nhau chia sẻ thông tin về an toàn trên không gian mạng; Trao học bổng ICT cho các sinh viên ASEAN đến Việt Nam học tập, để tiến tới có một trường đại học ASEAN về ICT.

Bộ trưởng cho biết, mỗi nước ASEAN sẽ nhận một số sáng kiến để thực hiện, và khi thành công thì sẽ chia sẻ kinh nghiệm ra các nước còn lại. Bằng cách này, sức mạnh của ASEAN sẽ tăng lên hàng chục lần.

Về 5G và kinh tế số, hầu hết các nước ASEAN đã tuyên bố chiến lược của mình. Thái Lan thậm chí đã đổi tên Bộ ICT thành Bộ kinh tế và xã hội số, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ về kinh tế số, đặt mục tiêu ngành công nghiệp số chiếm tới 25% GDP vào năm 2025. Gần đây nhất, Campuchia đã lần đầu tiên tổ chức diễn đàn Digital Cambodia để đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng tới một nền kinh tế số.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết các nước ASEAN đều có một nhận thức chung là Kinh tế số, 5G sẽ giúp ASEAN tiếp tục là một khu vực năng động, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.

Theo phân tích của Bộ trưởng, công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần tuý. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần tuý data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới, như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người, khi vạn vật cất tiếng nói như con người. “Đây là sứ mạng của 5G, và sứ mạng ấy đặt lên vai ngành ICT của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn làm tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo kết nối cho vạn vật, IoT, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp (Vertical Industries) như: các ngành công nghiệp sản xuất (Smart Factories), giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh; tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, sensors cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành; và cuối cùng, tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả.

Mỗi nước sẽ chọn cho mình một thứ tự ưu tiên riêng để ứng dụng 5G. Nhưng xét về trung hạn và dài hạn thì tất cả chúng ta sẽ thực hiện đủ cả những ứng dụng trên của 5G”, Bộ trưởng nhận định.

Một sự tiếp cận được khuyến nghị cho 5G là cách tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G tại các thành phố lớn, các trung tâm thành phố, và khi đó 4G vẫn là mạng chính. Đây chính là ứng dụng nâng cao chất lượng di động băng rộng của 5G - Enhanced Mobile Broadband. Pha tiếp theo sẽ là ứng dụng IoT diện rộng - Massive IoT, và ứng dụng IoT với tính năng độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Và cuối cùng sẽ là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, khi một công nghệ mới như 5G xuất hiện thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận.

Các nước ASEAN sẽ cùng phát triển hệ tri thức ICT ASEAN. “Bằng cách bàn bạc và chia sẻ những vấn đề mới nhất giữa các nước ASEAN với các nước đối tác, với các tổ chức quốc tế, với các chuyên gia và doanh nghiệp, rồi thử nghiệm tại nước mình, học hỏi thông qua triển khai - Learning by Doing, chúng ta sẽ là những người đi đầu. ASEAN phải là những nước đi đầu, bởi vì chúng ta là khu vực năng động nhất trên thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tận dụng cơ hội to lớn này, các nước ASEAN phải liên kết lại với nhau trên tinh thần “cùng làm, cùng phát triển”, nhằm tạo ra một ASEAN số: Một thị trường ICT chung cho ASEAN; Một khung chính sách ICT chung cho ASEAN; Một ASEAN phẳng về roaming; Một trường đại học ICT của ASEAN; Một trung tâm đổi mới sáng tạo của ASEAN; Một trung tâm của ASEAN về an ninh không gian mạng.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị ASEAN về 5G là một trong các sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN vượt thách thức để triển khai 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO