Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT

Lan Phương| 02/12/2021 10:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là cảm nhận chung khi chúng tôi được tiếp xúc với những người nông dân, bà con dân tộc thiểu số tại hai huyện Lục Yên, Văn Chấn tỉnh Yên Bái trong những ngày cuối tháng 11/2021.

Mong "lên sàn" để tiêu thụ nông sản rộng

Tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, vào một buổi chiều khi vượt qua cả hàng trăm km, rồi cả đoạn đường đầy đá trắng còn lởm chởm, gập ghềnh, chúng tôi gặp chú Trần Văn Quý, một người nông dân dành nhiều công sức trong vài năm qua cho 1 trang trại nhỏ. Sau nhiều giờ bên những cam, bưởi và nhiều loại cây trái khác, chưa kịp ráo mồ hôi kéo theo một xe đẩy đầy cam, chú bày tỏ vui mừng được đón chúng tôi, những cán bộ bưu điện, những người làm công tác ngành TT&TT đi thực tế tìm hiểu hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) mong muốn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Theo chia sẻ của chú Quý, trước cả khu đất này trồng cây mai. Gia đình mua lại thửa đất này, quay sang trồng bưởi da xanh và trồng cam. Vườn có nhiều loại trái cây, nhưng bưởi da xanh và cam được trồng nhiều. Bưởi đã trồng từ 5 năm trước, còn cam thì 4 năm, có cây 3,5 năm. Do khí hậu, thổ nhưỡng, chất đất nên nơi này hợp trồng cam. Cam vàng đẹp bán tại vườn là 10.000 đồng/kg, nếu được mùa thì đảm bảo có lãi.

Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT - Ảnh 1.

Cán bộ bưu điện tỉnh Yên Bái hướng dẫn chú Trần Văn Quý thao tác đưa hình ảnh những quả cam lên sàn TMĐT Postmart

"Cây trái trong vườn được trồng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, vi sinh, không bao giờ dùng thuốc trừ cỏ, chỉ dùng máy cắt. Do đó, các loại trái cây đảm bảo là sản phẩm sạch. Năm nay cam bói vụ đầu tiên nên gia đình tự ra chợ bán. Thương lái vào cũng không bán vì muốn tạo công ăn việc làm cho con cháu và thêm được mấy giá", chú Quý chia sẻ.

Khi được các cán bộ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) giới thiệu hỗ trợ đưa những quả cam, bưởi tươi ngon lên sàn TMĐT Postmart.vn, chú Quý vui mừng cho biết: "Nếu được nhà nước hỗ trợ bán trên sàn điện tử thì dân quá hưởng ứng, còn gì bằng nữa. Giờ đã hội nhập. Bắc Giang đã bán vải ra cả quốc tế trên sàn TMĐT. Cũng mong sao sản lượng cam đẹp thế này được tiêu thụ ra nước ngoài qua sàn TMĐT".

Chú cũng cho biết hiện đang mua các vật tư của một công ty về bảo vệ thực vật. "Gọi điện là công ty tự chở lên đây cho mình. Nếu sàn TMĐT của bưu điện có thì sẵn sàng lên sàn để mua", chú Quý cho hay.

Chia tay chú Quý, chúng tôi đến với hợp tác xã (HTX) Thái Sơn, tại huyện Lục Yên trong buổi chiều vẫn còn đầy nắng vàng. Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thái Sơn,cho biếtHTX có 5 sản phẩm OCOP 3 sao đều đã có mặt trên sàn, gồm: lạc ri vỏ đỏ, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng. Đây là sản phẩm nguyên chất được sản xuất từ nông sản của địa phương.

Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT - Ảnh 2.

Ông Đàm Văn Việt: Thông qua sàn TMĐT của BĐVN đã giúp HTX tiêu thụ các mặt hàng

Ông Việt cho biết sau khi HTX sản xuất ra những sản phẩm có thương hiệu thì cũng cần chỗ để tiêu thụ. Thông qua sàn TMĐT của BĐVN đã giúp HTX giải quyết phần nào hàng, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID này khi một số tuyến xe liên tỉnh đã ngừng hoạt động.

Ông Việt cũng chia sẻ trước đây HTX chưa lên sàn thì tiêu thụ qua một số trang mạng xã hội cũng đã giải quyết một phần, và sau khi lên sàn thì tích cực hơn, khối lượng hàng được bán đi lớn hơn. Trong 1 tháng, sàn tiêu thụ 1 - 2 tạ lạc nhân, hơn hẳn bán lẻ (chỉ được 50% số lượng).

"Bưu điện đã giới thiệu để chúng tôi biết đến sàn Postmart để giới thiệu thông tin chất lượng của của sản phẩm, công bố hàng chất lượng của mình. Bất kỳ sản phẩm nào lên sàn cũng đều phải có công bố đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng tới sàn", ông Việt cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Việt, sau khi lên sàn và các trang web, đã có nhiều người vào tìm mua. Ông hi vọng sàn và bưu điện giảm giá cước vận chuyển cho hàng nông sản để hỗ trợ các hộ bán lẻ nhằm đưa các mặt hàng này đi khắp quốc gia, thậm chí cả nước ngoài. "HTX đang bán được một số mặt hàng cho châu Âu, Tiệp Khắc nhưng phải qua một doanh nghiệp do HTX quy mô còn nhỏ, chưa thể vươn xa. Nếu qua trang mạng mà bán được ra cả quốc tế thì rất tuyệt vời".

Không chỉ vậy, ông Việt chia sẻ trong thời đại 4.0, chỉ cần điện thoại thông minh kết nối mạng cũng có thể mua được hàng. "Với TMĐT, hàng của HTX sẽ đi muôn nơi. HTX bao tiêu rất nhiều nông sản cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi có dịch, HTX để bà con mang hàng về nhà làm như bóc lạc xong thì chọn lọc lại rồi mang đưa lại cho HTX. HTX hướng dẫn cách làm. Để đảm bảo lạc thu mua về không bị ảnh hưởng đến chất lượng thì HTX cũng có hẳn mấy sấy được đầu tư cả trăm triệu đồng. Hàng về không phụ thuộc thời tiết nữa, trời mưa cũng vẫn sấy được lạc".

"Sắp tới rất mong sàn TMĐT Postmart ngày càng phát triển, thúc đẩy kích cầu để bán được nhiều hàng cho chúng tôi. Bình thường mỗi tháng hiện nay đã bán được 150 - 200 kg lạc trên sàn", ông Việt chia sẻ.

Lên mạng, lên sàn TMĐT để bán được nhiều chè hơn cũng là bày tỏ của anh Giàng A Vảng, thôn Giàng A, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, người dân tộc Mông khi anh được cán bộ bưu điện tỉnh Yên Bái chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ gia đình anh gói bọc chè theo đúng tiêu chuẩn về chế độ bảo quản, an toàn thực phẩm tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.

Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT - Ảnh 3.

Anh Giàng A Vảng bên cây chè tổ Suối Giàng chia sẻ mong muốn lên sàn TMĐT

Anh Giàng A Vảng chia sẻ cây chè tuyết Suối Giàng lúc mọc lên thì thấy búp trắng tinh nên gọi là chè tuyết. Chè ở đây là chè sạch, không phun thuốc, phân bón hóa học. Sáng sớm sương mù phải khoảng 7 - 8 giờ đi hái chè, búp chè hút được sương. Vị chè rất thơm. Chè Suối Giàng cũng phụ thuộc đất, đất hợp với chè. Nếu mang đi Hà Nội, thành phố Yên Bái trồng thì cũng không được chất như ở đây. Vườn khoảng 2 ha, hơn 3.000 cây, mỗi vụ thu được 2 tạ chè khô. Từ 15/3 đến 15/4 là hết vụ chính, từ tháng 5 đến tháng 10 hái liên tục, búp nào dày thì cấu búp đấy, thu cho đến tháng 11 thì hết chè.

Nỗ lực hỗ trợ hộ sản xuất nông sản lên sàn TMĐT

Trao đổi với chúng tôi về việc hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, anh Hoàng Quốc Dũng, Giám đốc Bưu điện huyện Lục Yên cho biết trên địa bàn huyện Lục Yên, khó khăn nhất là trình độ dân trí ở huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái, nơi mà người dân tộc thiểu số chiếm phần đa (70%). Khó khăn tiếp theo là địa hình, khó khăn trong việc đi lại. Bưu điện huyện Lục Yên đã vượt qua những khó khăn đó.

Cũng theo chia sẻ của anh Dũng, trước khi triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ TT&TT về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, bà con nông dân rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên bị các thương lái ép giá, dẫn đến việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, bà con rất trăn trở việc này. Từ khi triển khai Quyết định 1034, bưu điện đã hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT Postmart với giá tốt hơn, không dẫn đến tình trạng bị ép giá nữa, tạo cuộc chơi sòng phẳng giữa bà con với thương lái bán hàng trên thị trường.

Lấy ví dụ cụ thể, anh Dũng cho biết như măng khô của xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên trước khi bưu điện vào hỗ trợ bà con thì thương lái ép giá, chỉ bán được 70.000 đồng/kg. Sau khi Bưu điện vào thu mua với giá 100.000 đồng/kg thì thương lái vào trả giá cao hơn so với Bưu điện. Hiện Lục Yên có lạc ri vỏ đỏ là sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn Postmart, triển khai khá tốt. Cùng với đó là cam sành Lục Yên, khoai môn…

Anh Dũng cũng cho biết còn rất nhiều sản phẩm OCOP chưa được đưa lên sàn. Thời gian tới, triển khai 1034, Bưu điện huyện Lục Yên sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân của huyện để đưa sản phẩm của HTX, nông dân lên sàn TMĐT.

Cũng hỗ trợ hộ SXNN lên sàn, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Bưu điện huyện Văn Chấn chia sẻ theo kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) của xã Tú Lệ, đoàn thanh niên Bưu điện Văn Chấn kết hợp rất chặt chẽ với đoàn thanh niên xã Tú Lệ để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tổ chức đưa nông sản của xã lên sàn TMĐT Postmart. Đoàn Thanh niên Bưu điện huyện Văn Chấn đã "nằm vùng" tại xã Tú Lệ 1 tuần để đi đến từng hộ dân SXNN giới thiệu về CĐS, các lợi ích của CĐS, hệ sinh thái hành chính công. Với việc giới thiệu, truyền thông về chương trình 1034 của đoàn thanh niên hai đơn vị, bà con đã hưởng ứng mạnh mẽ vì trước đây bà con trong xã phải chờ thương lái đến mua nông sản và bị ép giá.

Chị Tuyết cũng cho biết bà con ở xã Tú Lệ đa phần là những người dân tộc thiểu số Dao, Nùng, Mông... khi được lên sàn, được tiếp xúc với nhiều người bên ngoài xa, có nhiều thông tin hơn và được tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn, diện bán hàng nông sản rộng hơn. Bà con cũng được hướng dẫn đóng gói nông sản theo quy cách, có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, bán hàng nông sản với bà con ở các vùng trên cả nước. Xã Tú Lệ có các sản phẩm nông sản như gạo nếp tan Tú Lệ, măng khô, cốm… Hiện xã có hơn 100 hộ nông dân sẵn sàng đưa nông sản lên sàn TMĐT Postmart.

Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT - Ảnh 4.

Các đoàn viên Bưu điện huyện Văn Chấn hướng dẫn bà con lên sàn TMĐT

Còn theo chia sẻ của anh Phạm Tuấn Dũng, Phó Phòng Kinh doanh, Bưu điện tỉnh Yên Bái cho biết theo lộ trình thì Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và Sở TT&TT tổ chức một hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ các hộ SXNN đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn của bưu điện; xúc tiến các sản phẩm sản xuất tại địa phương.

Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT - Ảnh 5.

Gạo, cốm Tú Lệ được giới thiệu trên sàn TMĐT Postmart

Trước hết, Bưu điện tỉnh sẽ rà soát danh sách của các hộ SXNN có sản phẩm tại địa phương và các sản phẩm OCOP, sau đó sẽ đào tạo, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ SXNN có thể nắm bắt cách thức kinh doanh trên sàn TMĐT Postmart.vn; các việc tạo gian hàng, đưa thông tin sản phẩm lên và cách vận hành gian hàng trên sàn TMĐT. Ngoài ra, bưu điện còn hỗ trợ các kênh truyền thông, marketing để sản phẩm của các hộ SXNN tại địa bàn Yên Bái có thể vươn xa trên phạm vi rộng hơn.

Thời gian qua, theo anh Dũng, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã đưa được 174 sản phẩm đặc sản, nông sản của Yên Bái lên sàn TMĐT Postmart.vn. Các sản phẩm chè ở đây có đặc thù là có nhiều hộ sản xuất khác nhau. Thời gian tới, sau khi rà soát các hộ SXNN, bưu điện sẽ cố gắng đưa tối đa các hộ SXNN lên sàn.

Cũng theo anh Dũng, đưa hộ SXNN lên sàn là hình thức kinh doanh mới. Đặc biệt là ở Yên Bái có đặc thù là việc ứng dụng CNTT của bà con còn hạn chế. Bưu điện đang đồng hành và luôn hỗ trợ. Sản lượng trong thời gian đầu có tăng so với các kênh truyền thống của các hộ sản xuất. Sau này có sự vào cuộc của Bộ TT&TT và các cấp chính quyền, bưu điện, hy vọng sản lượng của hộ SXNN sẽ được đẩy lên cao hơn.

Trước bán ở chợ, qua thương lái, giờ Bưu điện tỉnh giới thiệu kênh bán mới, đó là qua sàn TMĐT Postmart.vn. Bưu điện tỉnh sẽ xúc tiến bán những sản phẩm nông sản địa phương, qua mạng lưới bưu điện giới thiệu sản phẩm khắp mọi miền Tổ quốc và có thể ra cả quốc tế, anh Dũng chia sẻ thêm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bà con dân tộc Yên Bái phấn khởi lên sàn TMĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO