Báo chí chất lượng cao đẩy lùi tin giả

TH| 14/06/2019 16:24
Theo dõi ICTVietnam trên

“Đưa tin đúng chưa đủ mà các nhà báo phải có trách nhiệm vạch trần, dập tắt tin giả, tin bóp méo sự thật trên mạng xã hội”, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết.

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội: Đổi mới hoạt động và kinh doanh báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội".

Tham dự hội thảo có ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê; ông Trương Trí Vĩnh, Giám đốc điều hành Tạp chí Nhà quản lý; ông Lê Văn Phúc, Đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam.

Báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội

Tại Hội thảo, một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là báo chí chính thống phải ứng xử như thế nào trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội cũng như thách thức của vấn nạn tin giả.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: “Chưa bao giờ báo chí chính thống lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay”.

Ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu

Theo đó, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội đang tạo ra những thách thức rất lớn trong cuộc chạy đua thông tin với báo chí. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có tính lan tỏa mạnh mẽ tạo ra sức ép rất lớn cho báo chí trong việc đưa tin nhanh.

Một thách thức khác nữa là đơn vị báo chí cũng giống như một doanh nghiệp, làm thế nào để có đủ kinh phí để duy trì tờ báo (chi trả hoạt động bộ máy, lương nhân viên, nhuận bút, văn phòng phẩm...).

Hiện tại ở Việt Nam báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không chỉ vì tăng doanh thu mà xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực, khách quan, đúng bản chất sự thật, hấp dẫn, thu hút nhiều thị hiếu khác nhau của độc giả là một lời giải luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn trước khi làm tin bài.

Truyền thông xã hội đang làm thay đổi luật chơi, một khối lượng tin tức khổng lồ được chia sẻ hàng ngày trên mạng xã hội. Cùng với đó, vấn nạn tin giả trên mạng xã hội đang hoành hành khắp nơi, tác động rất lớn tới tâm lý của công chúng, khiến cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin.

Đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cũng chỉ rõ bên cạnh những lợi ích, thì tấn công trên mạng xã hôi, phát ngôn gây thù ghét cũng xuất hiện. Tội phạm mạng như trộm danh tính và lừa đảo trực tuyến đang gia tăng. Quá tải thông tin và tin giả gây khó khăn cho việc phân biệt thật giả. Thông tin cá nhân bị bán, bị người lạ truy cập.

Đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho hay: “Báo chí phát triển như thế nào trước thách thức của truyền thông mạng xã hội là vấn đề nóng được dư luận quan tâm hàng đầu”.

Ông cũng cho rằng: “Tin giả đang được ví như một dịch bệnh và là môi trường thuận lợi để chúng lan truyền nhanh hơn nhiều lần chính là mạng xã hội”.

Nhà báo có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt các nguồn tin giả

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn vô cùng cam go, khốc liệt bởi hàng ngày, hàng giờ, tin giả giống như một bệnh dịch tìm mọi con đường, mọi cách thức để len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng yếu tố quan trọng của việc quản lý phải là nền tảng chắc chắn cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cho phép sử dụng sai mục đích. Một yếu tố quan trọng khác của quy định là bảo vệ tự do ngôn luận, khuyến khích công nghệ, doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu có những tiếp cận hợp lý để giữ an toàn cho người dùng và ngăn chặn hoạt động phi hợp pháp, gây tác hại trong hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp".

"Quan trọng không kém là việc kiểm tra và cân đối đúng đắn được áp dụng cho bất cứ hệ thống thi hành pháp luật và/hoặc kiểm duyệt nào nhằm đảm bảo doanh nghiệp và cộng đồng tin tưởng vào hệ thống”, Đại diện Đại sứ quán Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hồ Quang Lợi cho rằng trước mắt phải quyết liệt ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả. Thực tế này không chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, đòi hỏi trách nhiệm từ chính cơ quan báo chí và nhất là các nhà báo, bởi chỉ một dòng tút của nhà báo cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân hay tổ chức, từ đó thông tin lan truyền, khó kiểm soát trên mạng xã hội, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch tấn công ngược, gây hoang mang dư luận.

Do đó, người dùng mạng xã hội cũng cần có kỹ năng và có trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy song trung thực, chính xác. Khi không còn niềm tin và hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin họ quan tâm. Do đó, người làm báo luôn phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết, có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí không bao giờ thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo.

“Đưa tin đúng chưa đủ mà các nhà báo phải có trách nhiệm vạch trần, dập tắt tin giả, tin bóp méo sự thật trên mạng xã hội”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê cho biết thêm, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, Facebook đã cho gỡ 2,2 tỷ tài khoản giả mạo. Tin giả không chỉ là vấn nạn của Việt Nam, mà đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Đề cập đến đặc tính của mạng xã hội, ông Vinh cho biết nó chỉ cho chúng ta biết 1 phần sự thật, 1 khía cạnh sự việc. Đó là bản chất sự méo mó thông tin.

Từ những khảo sát và đánh giá của mình, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, việc báo chí phải làm là cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về sự thật và cách nhìn đa chiều về vấn đề đó thì mới đảm bảo được sức mạnh, tính chân thực của báo chí.

Trong cuộc chiến này, làm sao để người đọc tiếp cận báo chí chính thống một cách chủ động, ông Lê Quốc Vinh đưa ra ý kiến: “Báo chí phải trở thành kênh thông tin lựa chọn lớn, báo chí cùng một lúc phải đạt được ba yếu tố, nó giống như ba phần của tam giác: Báo chí phải chất lượng cao, tính xác tín, trung thực, độc lập, khách quan mà mạng xã hội không thế có được. Tạo ra được cơ chế bảo vệ tác quyền, cuối cùng là giải pháp doanh thu từ người đọc”.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày các tham luận liên quan đến các vấn đề như: Chuyển dịch thị trường báo chí Việt Nam trong bối cảnh xã hội thông tin và vấn nạn tin giả; Tái tạo kênh phân phối - báo chí như một loại hàng hóa; Cơ quan báo chí thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới của kinh doanh báo chí và sức ép từ mạng xã hội,...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí chất lượng cao đẩy lùi tin giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO