Bắt nạt trực tuyến: Vấn nạn của thời công nghệ số

Ánh Dương| 07/12/2020 08:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ bùng nổ đã cải thiện cuộc sống của chúng ta rất nhiều, tuy nhiên, nó cũng tồn tại rất nhiều mặt trái nguy hiểm khác.

Môi trường không gian mạng đã và đang cho phép các cá nhân ẩn mình sau mặt nạ ẩn danh để thực hiện các tội ác trực tuyến như lừa đảo, thông tin sai lệch và bắt nạt trên mạng.

Bắt nạt trực tuyến: Vấn nạn của thời công nghệ số - Ảnh 1.

Bắt nạt trực tuyến là gì?

Bắt nạt đã luôn là một vấn đề đối với nhiều người và xã hội từ thời xa xưa. Hiện nay, với sự gia tăng của việc sử dụng mạng xã hội trên khắp thế giới, những kẻ bắt nạt đã biết tận dụng Internet để thực hiện các hành vi xấu xa của của mình.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) định nghĩa bắt nạt trên mạng là "bắt nạt khi sử dụng những công nghệ kỹ thuật số" và nó có thể "diễn ra trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng trò chơi và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích gây sợ hãi, tức giận hoặc làm xấu hổ những người bị nhắm tới".

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, các trang web và ứng dụng mạng xã hội là những hình thức bắt nạt trực tuyến phổ biến nhất ngoài tin nhắn văn bản và trò chơi điện tử trực tuyến.

Bắt nạt trực tuyến: Vấn nạn của thời công nghệ số - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Những hình thức bắt nạt trực tuyến có thể bao gồm các hình thức: gửi tin nhắn có nội dung xấu, tin nhắn quấy rối tới máy tính hoặc điện thoại một ai đó; phát tán tin đồn, đăng tải bình luận xúc phạm và làm nhục họ; chỉnh sửa hình ảnh, video riêng tư của họ rồi lan truyền qua mạng; lấy trộm thông tin cá nhân của ai đó rồi vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc đăng tải thông điệp gây hại, làm tổn thương người khác.

Mạng xã hội thì ngày càng phát triển, do vậy, những bình luận, video hoặc hình ảnh ác ý có thể được lan truyền rộng rãi chỉ trong vài giây, chia sẻ liên tục và không bao giờ được gỡ bỏ hoàn toàn trên Internet. Đây là lý do khiến bắt nạt trực tuyến có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Bắt nạt trực tuyến - vấn nạn nguy hiểm

Ditch the Label, một tổ chức từ thiện chống bắt nạt đã thực hiện một nghiên cứu với sự hợp tác của các trường học và cao đẳng ở Vương quốc Anh (UK) đã phát hiện ra rằng Instagram là một nền tảng mạng xã hội mà nhiều học sinh đã từng bị bắt nạt.

Tuy nhiên, nạn bắt nạt trên mạng không chỉ là vấn nạn ở Anh mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Dựa trên cuộc khảo sát năm 2018 của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos với hơn 20.000 người trả lời trên toàn thế giới, đã tiết lộ rằng Malaysia, Úc và Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ huynh cho biết con cái của họ bị bắt nạt trên mạng cao hàng đầu thế giới.

Một phát hiện quan trọng khác của Báo cáo Ipsos cũng đã cho thấy gần 1/5 phụ huynh trên toàn thế giới nói rằng con họ đã từng bị bắt nạt trên mạng.

Đặc biệt, với tình trạng đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường như hiện nay, khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, trẻ em và thanh thiếu niên đã sử dụng các nền tảng trực tuyến thường xuyên hơn khi họ phải học trực tuyến từ xa khiến vấn nạn bắt nạt trực tuyến ngày càng gia tăng.

"Trong đại dịch COVID-19 và các trường học phải đóng cửa, chúng tôi đã thấy sự gia tăng về bạo lực và thù hận trên mạng. Giờ đây, khi các trường học bắt đầu mở cửa trở lại, trẻ em đang bày tỏ nỗi sợ hãi về việc đi học trở lại", Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho biết.

Trong thời gian dịch bệnh, ở Philippines, nhiều người bao gồm trẻ em, đã chuyển sang sử dụng mạng xã hội để liên lạc, giải trí, xem tin tức và bày tỏ ý kiến cùng những người khác.

Theo We Are Social, Facebook là nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất ở quần đảo này, với 96% người dùng Internet từ 16 đến 64 tuổi đã sử dụng mạng xã hội này vào tháng 1/2020.

Tuy nhiên, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Philippines cho rằng sự gia tăng thời gian sử dụng mạng của trẻ em đã khiến các em dễ bị bắt nạt trên mạng cũng như lạm dụng và bóc lột tình dục trực tuyến.

Tổ chức này khẳng định: "Việc mất thu nhập, hạn chế đi lại, cách ly, tiếp xúc nhiều với các nền tảng trực tuyến và mức độ căng thẳng, lo lắng cao sẽ làm tăng khả năng trẻ em bị bạo lực trực tuyến".

Chúng ta thường nghĩ bắt nạt trên mạng là một vấn đề phổ biến đối với trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng thực ra mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự ngược đãi, tàn nhẫn và lạm dụng trực tuyến. Nó nguy hiểm và xảy ra thường xuyên hơn tưởng tượng của chúng ta. 

Một bài báo của TS. Anuradha Rao, người sáng lập Công ty an toàn mạng CyberCognizanz có trụ sở tại Singapore đã thảo luận về sự gia tăng của bắt nạt trên mạng tại nơi làm việc.

Theo đó, Rao cho biết: "Ở đây, chênh lệch quyền lực và giới tính bị lợi dụng bởi những tương tác thiếu văn minh, hung hăng và không phù hợp lặp đi lặp lại thông qua công nghệ".

"Bên ngoài các không gian thể chế chính thức, các nền tảng truyền thông xã hội tạo ra những cơ hội hoàn hảo cho các hành vi bắt nạt trên mạng và các loại quấy rối trực tuyến khác, chẳng hạn như chơi khăm, rình rập và lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh", cô nói.

Theo Chỉ số hòa nhập của Kantar 2019, 24% nhân viên bị bắt nạt ở Singapore, cao nhất trong số 14 quốc gia được khảo sát. Bên cạnh đó, Rao cũng thừa nhận rằng ở một số xã hội châu Á, việc bắt nạt trên mạng với người lớn cũng đã trở nên phổ biến và bình thường một cách đáng lo ngại.

Theo kết quả một nghiên cứu được công bố của Microsoft, 38% người dân ở 32 quốc gia nói rằng, họ đã từng liên quan đến một vụ bắt nạt, với tư cách là nạn nhân, người có hành vi bắt nạt hoặc là người chứng kiến. Tại Việt Nam, 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một "vụ bắt nạt". 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.

Bắt nạt trực tuyến: Vấn nạn của thời công nghệ số - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Children's Health Queensland)

Bắt nạt trực tuyến gây ra những hậu quả rất thật trong thế giới thực. Trong những trường hợp bắt nạt trên không gian mạng, nạn nhân có thể bị tổn hại bất cứ lúc nào trong ngày bởi các nguồn ẩn danh, và có khả năng sự việc sẽ được truyền đến rất nhiều người.

Hậu quả của bắt nạt trực tuyến khác nhau ở mỗi người. Trong một nghiên cứu do Công ty Viễn thông Telenor thực hiện, người ta thấy rằng 29% trong số 320 phụ huynh được phỏng vấn đã chia sẻ rằng việc bị đe dọa trực tuyến ảnh hưởng tiêu cực đến con họ và thậm chí họ bị trầm cảm trong một khoảng thời gian.

Bên cạnh đó, vấn nạn này cũng đã gây ra nhiều hậu quả thương tâm như nạn nhân đã tự kết liễu mạng sống mình do không ngừng bị bắt nạt trên mạng. Vào tháng 5, R Thivya Nayagi, một thanh niên 20 tuổi người Malaysia được cho là đã tự tử sau khi cô bị ngập chìm bởi những thông điệp thù hận được để lại trên một video TikTok mà cô thực hiện với đồng nghiệp nam của mình.

Trong thập kỷ qua, vấn nạn bắt nạt hoặc tự tử do bị bắt nạt trực tuyến đã gia tăng trong giới trẻ trên khắp thế giới. Khi ngày càng có nhiều người sử dụng các nền tảng trực tuyến, thì vấn nạn bắt nạt trên mạng ngày càng trở nên nguy hiểm đối với người dùng Internet.

Những giải pháp ứng phó với bắt nạt qua mạng

Theo nghiên cứu của Microsoft, khi là mục tiêu của hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến, hầu hết mọi người ở Việt Nam đều chặn kẻ bắt nạt (63%) hoặc chia sẻ với bạn bè về chuyện đã xảy ra (58%), số còn lại thì phớt lờ kẻ bắt nạt (43%). 50% đáp viên cho biết họ đã báo cáo hành vi cho các công ty truyền thông xã hội hoặc các nhà cung cấp khác.

Microsoft cũng khuyến khích mọi người ở mọi lứa tuổi nếu gặp bất kỳ hành vi đe dọa hoặc quấy rối trực tuyến nào hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có liên quan. 

Còn đối với mạng xã hội Facebook, trong các điều khoản của mình, Facebook có ghi: Chúng tôi không nhân nhượng bất cứ hành vi nào gây nguy hiểm cho mọi người, dù ai đó đang tổ chức hoặc ủng hộ sự bạo lực trong thế giới thực hoặc bắt nạt người khác. Người dùng có thể xem "Tiêu chuẩn cộng đồng" của Facebook để hiểu loại chia sẻ nào được phép trên Facebook, loại nội dung nào có thể bị báo cáo và bị gỡ.

Mới đây, Facebook cũng cho biết trong quý 3 năm 2020, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của họ đã phát hiện và gỡ bỏ 94,7% trong số 22,1 triệu nội dung khiêu khích sự thù hận trên trang xã hội; tăng từ 80,5% trong số 6,9 triệu nội dung so với cùng kỳ của năm trước. Facebook đang từng bước sử dụng AI để loại bỏ những nội dung này trên nền tảng của mình.

Hay như YouTube cũng có những điều khoản để ngăn ngừa bắt nạt qua mạng như: Nội dung đe dọa các cá nhân không được phép xuất hiện trên YouTube. YouTube cũng không chấp nhận nội dung dùng lời lẽ xúc phạm có ác ý hoặc trong thời gian dài để nhắm vào một cá nhân dựa trên các đặc điểm riêng biệt, bao gồm đặc điểm cơ thể hay việc người đó thuộc nhóm người được bảo vệ. Nếu bạn phát hiện nội dung vi phạm chính sách này, hãy báo cáo nội dung đó. Nếu phát hiện thấy nhiều video hoặc bình luận mà bạn muốn báo vi phạm, bạn có thể báo cáo kênh vi phạm.

Việc báo cáo vi phạm của người dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho mọi người trải nghiệm trực tuyến an toàn và tin cậy.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắt nạt trực tuyến: Vấn nạn của thời công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO