BHXH Việt Nam đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Đỗ Thêu| 15/10/2019 15:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Đầu tháng 10 vừa qua, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng quỹ BHXH năm 2018. Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của toàn ngành BHXH được đánh giá đã đạt được kết quả đột phá. Đây là kết quả tất yếu của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành BHXH trong suốt nhiều năm qua.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Cụ thể, trình bày Báo cáo thẩm tra, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhấn mạnh: Công tác cải cách TTHC của toàn ngành BHXH tiếp tục đạt được kết quả đột phá, đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, tăng 5 dịch vụ so với năm 2017. Đặc biệt, năm 2018, BHXH Việt Nam đã tăng cường sửa đổi, nâng cấp các phần mềm, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, DN tiếp cận, giảm thời gian kê khai, giải quyết thủ tục hành chính. BHXH Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng năm 2018 của 7 cơ quan thuộc Chính phủ.

Để có được sự ghi nhận này, ngành BHXH Việt Nam đã có sự nỗ lực rất lớn không chỉ trong năm 2018 mà trong suốt nhiều năm qua. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng TTHC của BHXH đã giảm từ 115 xuống còn 28 TTHC (giảm trên 75%).

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản và điều hành...

Nhờ đó, cũng trong năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trên Bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT Index 2018). Đáng chú ý, tại báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới, lần đầu tiên chỉ số về nộp thuế và BHXH tại Việt Nam nằm trong ASEAN - 4, tăng 81 bậc so với năm 2017, đạt vị trí thứ 86/190 (năm 2017 xếp ở vị trí 167)…

Có thể thấy, quá trình cải cách TTHC của ngành BHXH đã giúp BHXH Việt Nam có được thứ bậc cao trên các bảng xếp hạng của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả là sự đổi mới này đã mang lại nhiều tiện ích và sự hài lòng cho người lao động, doanh nghiệp và người dân.

Hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam.

Việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhờ đó, số lần thực hiện giao dịch điện tử của doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã giảm từ 12 lần/năm trước đây xuống còn 1 lần/năm. Ngoài ra, hàng loạt các tiện ích khác như đưa hệ thống phần mềm nghiệp vụ vào sử dụng thống nhất từ Trung ương tới địa phương; triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực chi trả chế độ; nhiều phần mềm nghiệp vụ, quản lý đã được sửa đổi, nâng cấp, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người tham gia, hưởng chính sách BHXH, BHYT…

Được biết, trong năm 2019, để đẩy mạnh cải cách TTHC, BHXH Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, TTHC gắn việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các CSDL của các bộ, ngành. Cụ thể, Ngành đặt ra mục tiêu, cắt giảm tối thiểu 25% số TTHC đối với lĩnh vực chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) và lĩnh vực chi trả BHXH, cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ; 35,47% số tiêu thức; 20,83% số biểu mẫu; rút ngắn thời gian thực hiện TTHC lĩnh vực chính sách BHXH so với năm 2018…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
BHXH Việt Nam đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO