Biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới

Trường Thanh| 23/12/2021 07:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự bùng phát của biến chủng Delta đã khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới thêm muôn phần khó khăn, làm tăng nhanh chóng tỷ lệ người mắc bệnh và số người tử vong tại hàng chục nước, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các nước này. Biến chủng Delta cũng làm phức tạp thêm cuộc chiến ứng phó đại dịch, đe doạ và làm sụp đổ thành quả chống dịch của nhiều quốc gia trên thế giới; đồng thời tác động vô cùng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đặt thế giới trước cuộc chiến sinh tử.

Chủng Delta thống trị thế giới…

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020. Nó đã nhanh chóng phát tán khắp các quốc gia Nam Á, Anh trước khi đến Mỹ, và tính đến ngày 15/8, đã lây lan tới gần 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Biến thể Delta đã trở thành biến chủng thống trị thế giới với tốc độ lây lan nhanh nhất so với tất cả các biến chủng xuất hiện từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm 2019. Ngoài tốc độ lây lan, biến chủng Delta còn có khả năng tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn các biến chủng phát triển trước đó. Điều này cho phép nó đột phá thành công "hàng rào phòng vệ miễn dịch" ở cơ thể người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể virus, tạo nên các đợt sóng trào trên khắp thế giới, từ các thành phố đông người ở châu Á đến châu Phi hay Nam Mỹ. Ở Đông Nam Á, các đợt dịch bùng phát khiến các nhà máy sản xuất và mạng lưới hậu cần phải tạm thời đóng cửa, các chuỗi cung ứng gián đoạn. Cái giá phải trả của nhân loại với chủng Delta đến nay vẫn chưa tính toán được.

Theo số liệu thống kê của trang Worldometers, tính đến ngày 16/8, cả thế giới có tổng số gần 208 triệu ca mắc, khoảng 4,4 triệu trường hợp tử vong. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với hơn 37,4 triệu ca mắc và hơn 637,400 trường hợp tử vong. Tiếp sau là Ấn Độ với 32,2 triệu ca mắc và hơn 431,200 ca tử vong, Brazil với hơn 20,3 triệu ca mắc và gần 569.000 trường hợp tử vong. Tại châu Phi, số người chết vì biến chủng Delta tăng 80% so với chủng ban đầu. Tính đến 8h30 ngày 30/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 246.743.439 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó số ca tử vong đã vượt mốc 5 triệu với 5.004.370 ca.

"Thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu cảnh báo. 

Nhiều nước, tưởng chừng đã khống chế được dịch thì nay lại điêu đứng với làn sóng COVID-19 mới do chủng Delta gây ra. Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, biến thể Delta chiếm khoảng 88% các ca mắc mới. Đặc biệt, số ca mắc chủng Delta mà chưa tiêm chủng vắc-xin chiếm gần 97% các ca nặng. Chủng nguy hiểm này một lần nữa đẩy Mỹ trở lại vị trí điểm nóng dịch số một thế giới, khi số ca mắc mới mỗi ngay trên 100.000 ca kể từ đầu tháng 8.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể virus, tạo nên các đợt sóng trào trên khắp thế giới, từ các thành phố đông người ở châu Á đến châu Phi hay Nam Mỹ. Ở Đông Nam Á, các đợt dịch bùng phát khiến các nhà máy sản xuất và mạng lưới hậu cần phải tạm thời đóng cửa, các chuỗi cung ứng gián đoạn. Cái giá phải trả của nhân loại với chủng Delta đến nay vẫn chưa tính toán được.

Tại châu Âu, hồi giữa tháng 8, biến chủng Delta chiếm tới 70% số các ca mắc mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo, số bệnh nhân COVID-19 sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong những tuần tới, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thời gian gần đây trong việc giảm ca mắc và tử vong do COVID-19.

Trong đó, Nga là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về số ca bệnh và hiện đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Cơ quan thống kê liên bang Rosstat ngày 27/8 cho biết, nước này ghi nhận 50.421 ca tử vong vì COVID-19 trong tháng 7 vừa qua. Đến tháng 8, Nga có tổng cộng trên 350.000 người không qua khỏi vì dịch bệnh này.

Ngay cả những nước vốn có số ca mắc đứng ở mức thấp, biến chủng Delta cũng đang gây ra nhiều quan ngại mới. Đáng chú ý là trường hợp của Nhật Bản, nước vừa tổ chức Thế vận Hội Mùa Hè 2020. Các nhà khoa học Nhật Bản ước tính biến chủng Delta là nguyên nhân gây ra 30% số ca nhiễm mới ở thời điểm cuối tháng 6. Tại Hàn Quốc, Sự xuất hiện của biến chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ này cũng khiến chính quyền phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ở Seoul và vùng phụ cận, đồng thời đẩy nhanh tối đa chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới  - Ảnh 1.

Trong khi đó, Đông Nam Á - khu vực chịu ít ảnh hưởng khi đại dịch mới bùng phát đầu năm 2020 - lại đang trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới cũng do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta. Tính đến ngày 18/7 khu vực Đông Nam Á có hơn 829.000 ca mắc và 16.000 ca tử vong mới, tăng 16%. 

Tại Indonesia - một tâm dịch của thế giới, số ca nhiễm và tử vong ở mức báo động. Bộ Y tế Indonesia hôm 14/8 ghi nhận 30.788 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên hơn 3 triệu ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 1.432 ca tử vong, nâng số bệnh nhân không qua khỏi lên 115.096 ca. Các nhà virus học đã cảnh báo về nguy cơ Indonesia trở thành "lò ấp" biến chủng mới - điều thường xảy ra khi virus lây lan mạnh mẽ tại các nước có dân số đông.

Khi Thái Lan đối mặt với làn sóng tấn công mạnh của Delta, chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phải ban bố sắc lệnh khẩn cấp. Trong ngày 13/8, Thái Lan báo cáo 23.418 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, nâng tổng số ca nhiễm lên 863.189. Quốc gia này cũng ghi nhận 184 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên tới 7.126. Văn phòng WHO tại Thái Lan nhận định, hệ thống y tế của nước này sẽ tiếp tục chứng kiến số ca bệnh nặng gia tăng trong những tuần tới và số ca tử vong tiếp tục tăng lên, nguy cơ khiến hệ thống y tế có thể sụp đổ.

Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ, sự hoành hành của COVID-19, đặc biệt là biến chủng Delta đã tác động vô cùng lớn đến đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam. Thủ đô Hà Nội cũng đã áp dụng biện pháp này từ 24/7.

Bùng phát từ ngày 27/4/2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Nguyên nhân là do Delta - biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, mạnh và đáng sợ nhất đã xuất hiện tại nhiều nơi. Theo Bộ Y tế, trong ba giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam kiểm soát dịch chỉ với gần 3.000 trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến 12/6, Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Tính đến sáng ngày 16/8, Việt Nam có tổng cộng 275.044 ca mắc và 5.774 người tử vong. Đến ngày 1/12, Việt Nam đã có 1.252.590 ca nhiễm và tổng số ca tử vong là 25.448 ca.

Có thể thấy, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 là cực kỳ nguy hiểm, phức tạp, sức tấn công, tàn phá vô cùng ác liệt. Từ các nước châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ cho đến các nước được xem là hình mẫu chống dịch thành công ở châu Á như: Indonesia, Thái Lan hay Trung Quốc, Nhật Bản… cũng bị biến chủng Delta tấn công hàng loạt, khiến nhiều quốc gia rơi vào tình thế điêu đứng.

Đến nay, gần hai năm trôi qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các số liệu mới nhất đều đang cho thấy thực tế đáng lo ngại: Tình hình dịch bệnh do biến chủng Delta có tốc độ siêu lây nhiễm ở nhiều nước Đông Nam Á và châu Á, kể cả châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ vẫn rất phức tạp khi số ca mới và số ca tử vong trong ngày vẫn ở mức rất cao.

Làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, đặt các quốc gia trong tình thế chật vật ứng phó…

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã và đang làm phức tạp thêm cuộc chiến ứng phó với đại dịch COVID, đe dọa và làm sụp đổ thành quả chống dịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tác động lớn đến kinh tế - xã hội toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, đặt các nước trong tình thế chật vật ứng phó. 

Chủng Delta đang biến đổi khu vực từng là nơi thành công nhất trong việc ngăn chặn COVID-19 tác động tiêu cực lên nền kinh tế. 12 tháng trước, thành tích khống chế COVID-19 nhanh chóng ở châu Á - Thái Bình Dương đã khiến thế giới phải ghen tị, khi Mỹ và châu Âu đang bị tàn phá nặng nề. Giờ đây, từ Seoul đến Sydney, Bangkok và Bắc Kinh, các biện pháp hạn chế đang được áp dụng trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn quá chậm so với tốc độ lây lan của virus.

Ngân hàng Trung ương Úc, nơi 2/3 dân số đang chấp hành quy định hạn chế đi lại, ước tính mức độ chi tiêu của người dân giảm khoảng 15% trong giai đoạn phong toả. Việc Trung Quốc phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển trong nước cũng làm hạ dự báo tăng trưởng của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chuỗi cung ứng từ Việt Nam đến Thái Lan đang bị gián đoạn, khi những nhà máy gia công cho các nhãn hãng như Nike và Adidas... phải đóng cửa, gây nguy cơ không kịp bảo đảm nguồn hàng trước mùa mua sắm quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng này có thể gây tác động lên toàn cầu nếu xuất khẩu của những quốc gia này tiếp tục bị gián đoạn trong dài hạn.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã và đang làm phức tạp thêm cuộc chiến ứng phó với đại dịch COVID, đe doạ và làm sụp đổ thành quả chống dịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tác động lớn đến kinh tế - xã hội toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, đặt các nước trong tình thế chật vật ứng phó.

Biến chủng Delta đang dồn nhiều quốc gia vào chân tường và đe doạ xoá sạch thành tích chống đại dịch của các quốc gia khác trong những đợt bùng phát trước đây. Thiếu vắc-xin và chiến lược chống dịch trong những làn sóng trước giờ không còn hiệu quả cao vì tính chất lây lan nguy hiểm của biến chủng này.

Hàn Quốc thừa nhận rằng giãn cách xã hội là không đủ. Trong khi đó, Úc băn khoăn vì phong toả vẫn không ngăn chặn được đà lây lan của virus. Nước này, đang chật vật đối phó khi biến chủng Delta khiến đất nước trải qua giai đoạn "những ngày đáng lo ngại nhất của đại dịch từ trước đến nay".

Và trên thực tế, ngay cả hình mẫu chống dịch Trung Quốc cũng bị Delta xuyên thủng. Sau 20 tháng bình yên trước COVD-19, chiến lược "không COVD-19" của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn nhất: Chủng Delta có khả năng lây nhiễm chóng mặt với độc lực mạnh. Trong bài "Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Á", báo điện tử Dân Trí dẫn lời Ông Zeng Guang, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết: Biến chủng Delta khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với virus gốc, đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược "không COVID-19" của Trung Quốc. Biến chủng Delta lây lan ra hơn một nửa tỉnh thành trong đợt bùng phát vừa qua đã khiến nước này bị đặt trong tình trạng báo động cao. Các biện pháp phong toả, xét nghiệm diện rộng và hạn chế đi lại được áp dụng lên hàng chục triệu dân. 

Biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới  - Ảnh 2.

Nhật Bản, bất chấp nỗ lực ngăn chặn, các ca nhiễm mới tăng mức cao kỷ lục hơn 20.000 ca trong ngày 13/8. Theo báo điện tử Dân Trí, phát biểu trước bao giới, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, đại dịch đã khiến hệ thống chăm sóc y tế của Tokyo "rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn". Các nhà chức trách đang chạy đua để đảm bảo các địa điểm cung cấp ôxy cho những người bị COVID-19 cách ly tại nhà. Thủ tướng Suga cũng đã kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch hoặc về quê trong kỳ nghỉ hè và tránh những chuyến đi không cần thiết, hạn chế di chuyển để tránh lây lan.

Buộc các nước phải bắt tay vào chiến lược vắc-xin

Sự hoành hành của COVID-19, đặc biệt là sự lây lan với cấp độ chóng mặt của chủng Delta đã đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân, tác động vô cùng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội ở hầu hết các nước trên thế giới. Điều này, buộc các nước phải bắt tay ngay vào chiến lược vắc-xin. Giờ đây, các quốc gia trên thế giới phải thắt chặt các biện pháp phong toả, giãn cách và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đối phó với biến chủng Delta.

Mặc dù bắt đầu chậm hơn, chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt kịp Mỹ, nơi tình trạng chững lại trong chương trình tiêm chủng đang góp phần giúp đại dịch hoành hành trở lại. Theo số liệu trên trang Our World in Data, đến giữa tháng 2, mới có chưa đến 4% dân số của 27 quốc gia EU được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, trong khi Mỹ đã đạt gần 12%. Giờ đây, EU đã vượt qua Mỹ với cùng tốc độ đó, với khoảng 60% dân số trong liên minh được tiêm ít nhất một mũi, trong khi Mỹ mới đạt 58%.

Tại Mỹ, ngày 13/8, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép cho tiêm mũi vắc-xin thứ ba đối với những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, như nhóm người phải cấy ghép nội tạng. Số người dễ bị tổn thương chiếm khoảng 3% dân số Mỹ. Biện pháp này được đưa ra vì lo ngại nhóm dễ bị tổn thương vẫn nhiễm biến chủng Delta sau khi họ đã tiêm 2 mũi.

Tây Ban Nha cũng đạt được tốc độ tốt. Giữa tháng 4, khi gần 1/4 người Mỹ đã được tiêm đầy đủ, Tây Ban Nha mới đạt được 7%. Giờ đây, gần 60% trong tổng số 47 triệu dân của Tây Ban Nha đã được tiêm đủ mũi, vượt qua tỷ lệ của Mỹ.

Biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới  - Ảnh 3.

Tại châu Á, Trung Quốc và Singapore đang dẫn đầu về tỷ lệ tiêm phòng, với việc tiêm đủ mũi cho hơn 60% dân số. Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc cho phép triển khai thí điểm tiêm trộn vắc-xin COVID-19 của Sinovac với vắc-xin sử dụng công nghệ ADN của hãng công nghệ sinh học Mỹ Inovio. Thái Lan, Indonesia cũng là những quốc gia cho phép tiêm trộn vắc-xin, bằng cách tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech hoặc Moderna với vắc-xin của Sinovac để nâng cao hiệu quả bảo vệ.

Đứng trước những nguy cơ và những nguy hiểm, cũng như tốc độ lây lan do chủng Delta gây ra, các nước đã phải áp dụng những chiến lược mới, buộc phải siết chặt phòng dịch bệnh, trong đó ưu tiên lớn nhất là tăng tốc chương trình tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra, việc phổ cập vắc-xin vẫn còn là 1 vấn đề lớn, đặc biệt là đối với nước nghèo. Trong khi đó, các biến chủng mới của COVID-19 đã và đang xuất hiện, tiếp tục đặt thế giới trước những thử thách và khó khăn mới.

Còn Singapore đề ra chiến lược tăng cường tiêm vắc-xin để dần coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. Đầu tháng 8, Campuchia thông báo sẽ tiêm vắc-xin AstraZeneca bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin của Sinovac hoặc Sinopharm của Trung Quốc vì lo ngại hiệu quả bảo vệ chưa đủ trước biến chủng Delta. 

Ngày 27/8, Ấn Độ - quốc gia có 1,3 tỷ dân đã lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu mũi vắc-xin ngừa COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay.

Ở Việt Nam, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho người dân. Đây là giải pháp căn cơ, vì hiện nay chỉ có vắc-xin mới là biện pháp bền vững phòng chống dịch. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc-xin trên toàn diện các lĩnh vực: Mua, nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước và tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Cùng với đó, một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động. Chiến dịch nhằm mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022, đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân... Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 25/10, cả nước đã tiêm được 74.950.393 liều vắc-xin, trong đó có 53.125.886 người tiêm 1 mũi và 21.824.507 người tiêm đủ 2 mũi. Đến ngày 30/11, tổng số liều vắc-xin Việt Nam đã tiêm là 123.442.920, trong đó tiêm mũi 1 là 71.736.491 liều, tiêm mũi 2 là 51.706.429 liều.

Cả thế giới đã phải nỗ lực không ngừng phòng chống, hạn chế mức độ lây lan và những hiểm họa khôn lường của đại dịch COVID-19, nhằm tạo miễn dịch cộng động, lấy lại sự bình thường mới cho đời sống nhân dân và sự phát triển của kinh tế - xã hội toàn cầu. Nhưng đến nay, xem chừng, đây con là cuộc chiến đầy gian nan và thử thách…!

Đứng trước những nguy cơ và những nguy hiểm, cũng như tốc độ lây lan do chủng Delta gây ra, các nước đã phải áp dụng những chiến lược mới, buộc phải siết chặt phòng dịch bệnh, trong đó ưu tiên lớn nhất là tăng tốc chương trình tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra, việc phổ cập vắc-xin vẫn còn là 1 vấn đề lớn, đặc biệt là đối với nước nghèo. Trong khi đó, các biến chủng mới của COVID-19 đã và đang xuất hiện, tiếp tục đặt thế giới trước những thử thách và khó khăn mới.

Như vậy, có thể thấy, đại dịch COVID-19 từ khi xuất hiện cho đến nay, đã tác động vô cùng lớn đến toàn thế giới, đặt nhân loại trước cuộc chiến sinh tử, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Cả thế giới đã phải nỗ lực không ngừng phòng chống, hạn chế mức độ lây lan và những hiểm họa khôn lường của đại dịch COVID-19, nhằm tạo miễn dịch cộng động, lấy lại sự bình thường mới cho đời sống nhân dân và sự phát triển của kinh tế - xã hội toàn cầu. Nhưng đến nay, xem chừng, đây con là cuộc chiến đầy gian nan và thử thách…! 

(Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO