Blockchain có thể giúp gì trong cuộc chiến chống Covid-19?

Gia Bách| 09/08/2021 07:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Với dân số trẻ và việc họ nắm bắt các cơ hội mà blockchain mang lại có thể giúp ích cho Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Việc nắm bắt các công nghệ mới và khả năng của blockchain có thể giúp các cơ quan chính phủ khống chế đại dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai, thông qua việc nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế công cộng bằng công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technologies - DLT). Đây là cơ sở hạ tầng công nghệ sử dụng máy tính độc lập - gọi là nút (node) để ghi chép, chia sẻ và đồng bộ hóa các giao dịch trong sổ cái điện tử.

Blockchain có thể giúp gì trong cuộc chiến chống Covid-19? - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy rằng các hệ thống theo dõi được xây dựng trên blockchain có giá thành rẻ, an toàn và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu giữa các bên liên quan.

Giúp cung cấp dữ liệu và vật tư y tế nhanh hơn

Trọng tâm của chủ trương đặt sức khoẻ bệnh nhân lên hàng đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) là phải đảm bảo rằng, không có trục trặc trong việc trao đổi các thông tin liên quan đến y tế và nguồn cung cấp thuốc chữa bệnh, vật tư y tế. Thực tế chứng minh, nhiều các ca tử vong trong đại dịch Covid-19 được ghi nhận ở Ấn Độ trong thời gian vừa qua là do thiếu máy thở và vaccine. Số lượng người tử vong có thể giảm bớt nếu việc trao đổi thông tin y tế tốt hơn, và quản lý chuỗi cung ứng y tế được hỗ trợ bởi DLT.

Quốc gia nhỏ bé vùng Baltic là Estonia đã chứng minh cho chúng ta thấy. Kể từ năm 2012, dữ liệu đăng ký CSSK của người dân đã được chia sẻ một cách an toàn thông qua blockchain. Ngày nay, hầu hết các hóa đơn, đơn thuốc và thông tin khám chữa bệnh đều đã được số hoá và chủ yếu được xây dựng trên blockchain. Do đó, Estonia đã ứng phó tương đối tốt khi nước này bị đại dịch Covid-19 tấn công.

Theo TS. Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Khoa học Máy tính, trường Đại học CNTT, TP.HCM: "Ngày nay công nghệ CSSK kỹ thuật số thúc đẩy nhiều thay đổi trong xã hội và trong lĩnh vực CSSK nói riêng. Công nghệ blockchain tạo cơ hội cho các bác sĩ khác nhìn thấy tiền sử bệnh nhân và tiếp tục điều trị dù trước đó bệnh nhân có thể đã khám ở khoa khác hay bệnh viện khác. Blockchain cùng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT... sẽ là những công nghệ phổ biến nhất được sử dụng để tăng cường thêm các cơ sở y tế và ngành công nghiệp nói chung".

Điều may mắn là hiện nay, tại Việt Nam, nhiều công ty, doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ giải pháp và ứng dụng công nghệ blockchain hiệu quả và có tính ứng dụng cao liên quan trong lĩnh vực y tế như CSSK, hồ sơ y tế điện tử, xác minh xuất xứ thuốc v.v... ví dụ như công ty DVMS (có trụ sở tại TP.HCM), công ty Vinsofts, công ty Nanosoft (có trụ sở tại Hà Nội)...

Minh bạch trong CSSK

DLT dựa trên blockchain có thể cung cấp hệ thống theo dõi và theo dõi tốt hơn các trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm, nơi dữ liệu từ nhiều nguồn được tổng hợp để mang lại sự chính xác hơn liên quan đến việc xác định tỷ lệ lây nhiễm. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, các hệ thống theo dõi được xây dựng trên blockchain có giá cả phải chăng, an toàn và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu giữa các bên liên quan.

Blockchain có thể giúp gì trong cuộc chiến chống Covid-19? - Ảnh 2.

Ứng dụng Covid Pass cung cấp hồ sơ xét nghiệm Covid-19 xác thực bằng công nghệ blockchain.

Ngoài tính chính xác về tỷ lệ nhiễm Covid-19, Việt Nam còn đang phải đối mặt với tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp. Hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 8,5 triệu người được tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19, đạt khoảng dưới 10% dân số. Việc vẫn còn ít người được tiêm vaccine Covid-19 có khả năng dẫn đến tình trạng sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng giả để hợp thức hoá các vấn đề liên quan đến đi lại hay học tập, việc làm, điều đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới trong thời gian vừa qua. 

Trong khi hiện tượng sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng giả chưa xảy ra tại Việt Nam thì đã có tình trạng nhiều người sử dụng giấy xét nghiệm âm tính giả. Đây là những bài học cần được lưu ý. DLT công khai phi tập trung của blockchain có thể cho phép nhiều lần xác minh tính xác thực của các loại giấy chứng nhận, do đó giúp các cơ quan chính quyền có thể hạn chế được tình trạng sử dụng các loại giấy chứng nhận giả liên quan đến quá trình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với blockchain, các loại giấy chứng nhận sẽ được phân phối trên một số máy chủ, bảo mật hơn, đồng thời giúp truy xuất dữ liệu chính xác và tức thời.

Tại Việt Nam hiện nay, Vietnam Blockchain là công ty đã cung cấp giải pháp hồ sơ xét nghiệm Covid-19 xác thực bằng công nghệ blockchain. Ứng dụng Covid Pass của công ty này vừa hoàn tất quá trình thử nghiệm, sẽ giúp mỗi cá nhân lưu trữ hồ sơ xét nghiệm virus Covid-19 và có thể xác thực được bằng công nghệ blockchain. Ứng dụng cũng cho phép mỗi cá nhân tự lưu trữ, quản lý và quét mã QR để xác thực chứng nhận xét nghiệm virus Covid-19 trên smartphone.

Giải pháp cho thanh toán không tiếp xúc

Một trong những lợi ích gián tiếp của blockchain đối với việc sức khỏe cộng đồng nằm ở các ứng dụng tài chính của công nghệ này. Những đổi mới trong ngành tài chính trong nhiều năm qua đã cho phép thanh toán kỹ thuật số, giúp làm giảm nhu cầu tiếp xúc vật lý trong các giao dịch, từ đó thực hiện tốt chủ trương giãn cách xã hội.

Nếu ở thời điểm năm 2006, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu chỉ là thanh toán qua thẻ ngân hàng, mà giao dịch chủ yếu là rút tiền trên máy ATM thì đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang phát triển theo xu hướng giao dịch thanh toán điện tử. Sau sự xuất hiện và phát triển của Ví điện tử, các Ngân hàng và công ty công nghệ tại Việt Nam đã nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện tử di động, điển hình như QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, mPOS (Mobile Point of Sale)...

Blockchain có thể giúp gì trong cuộc chiến chống Covid-19? - Ảnh 3.

Thanh toán kỹ thuật số, có thể giúp giảm lây nhiễm bệnh tật bằng cách loại bỏ tiếp xúc vật lý thông qua tiền mặt, thẻ và các phương tiện thanh toán khác.

Cùng với các dịch vụ chuyển tiền dựa trên các thiết bị di động như Viettel Pay, Momo, Moca, VNPay..., với chi phí chuyển tiền thấp, thậm chí là miễn phí đã khiến cho người Việt Nam sử dụng ngày càng nhiều các nền tảng thanh toán không tiếp xúc dựa trên công nghệ blockchain, điều này có thể giúp hỗ trợ tài chính trong khi giảm chi phí giao dịch, và thuận tiện hơn trong việc thanh toán...

Về mặt sức khỏe, thanh toán kỹ thuật số, có thể giúp giảm lây nhiễm bệnh tật bằng cách loại bỏ tiếp xúc vật lý thông qua tiền mặt, thẻ và các phương tiện thanh toán khác yêu cầu tiếp xúc vật lý. Ngoài ra, khả năng thực hiện các giao dịch trực tuyến sẽ giảm nhu cầu tụ tập tại các địa điểm như máy ATM, hoặc từ giao dịch viên tại các chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng.

Sử dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như blockchain và bằng cách triển khai chúng trong việc quản lý các hệ thống y tế công cộng, các cơ quan nhà nước, chính phủ Việt Nam có thể phòng chống đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Blockchain có thể giúp gì trong cuộc chiến chống Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO