Blockchain và cơ hội bứt phá cho Việt Nam

Ánh Dương| 23/04/2022 06:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Với xu hướng chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy CĐS bằng các công nghệ lõi. Blockchain được xem là công nghệ chìa khóa cho CĐS và xây dựng nền tảng CNTT tương lai.

Theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số vào năm 2030. Và blockchain sẽ là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Blockchain và sự bứt phá của Việt Nam

Việc phát triển và ứng dụng blockchain được đánh giá là xu hướng tất yếu và công nghệ này đang có sự bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam.

Theo Chainalysis, Việt Nam có chỉ số chấp nhận ứng dụng blockchain cao nhất thế giới, gấp 5 lần người dùng ở Mỹ. Trong đó, 4 xu hướng chủ đạo bao gồm NFT, metaverse, trí tuệ nhân tạo (AI), và blockchain đang từng bước được người Việt chinh phục.

So với mặt bằng chung, các công ty ở Việt Nam đang xuất phát khá nhanh, thậm chí đang tạo ra những xu hướng mới về blockchain, trong một số mảng còn thuộc hàng đầu, cụ thể là game blockchain. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 200 tựa game blockchain và đang đứng đầu thị trường.

Chia sẻ tại lễ ra mắt Liên minh Blockchain Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, blockchain đang từng ngày được khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số và công nghệ này thời gian qua đã giúp Việt Nam ghi dấu ấn với các cường quốc trên thế giới.

Bằng sự năng động và nhạy bén, nắm bắt xu hướng của các tài năng công nghệ Việt Nam, trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt sáng lập, khoảng 10 startup của người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.

Những kỳ lân công nghệ của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường blockchain toàn cầu như Axie Infinity, Coin98, KyberNetwork,…

Việt Nam có những lợi thế rõ rệt để trở thành mảnh đất tiềm năng cho các dự án blockchain. Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn nhiều thách thức lớn, như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính sách.

Khó khăn và thách thức

Nhận định về những khó khăn và thách thức đối với các startup trong lĩnh vực blockchain, TS. Trịnh Công Duy - Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm Đại học Đà Nẵng - nhà sáng lập Bizverse cho biết, làm startup rất khó, startup thành công trong lĩnh vực như blockchain tại một thị trường chính sách vẫn chưa đầy đủ như Việt Nam thì lại càng khó khăn hơn.

Do đó, theo TS. Trịnh Công Duy, các startup trong lĩnh vực này, khi xây dựng giải pháp và chiến lược phát triển cần phải tính ngay đến việc "go global" (đi ra toàn cầu).

Vì rõ ràng, blockchain có nhiều lợi thế và tiềm năng bứt phá, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho lĩnh vực này. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các startup blockchain người Việt thường đặt trụ sở tại nước ngoài để dễ dàng hoạt động và gọi vốn.

Trên thực tế, Việt Nam có hơn 10 kỳ lân nhưng hầu hết các công ty này đều đặt văn phòng ở nước ngoài. Điều này dẫn tới tình trạng chúng ta bỏ lỡ những cơ hội thu hút nguồn tài chính lớn đang đầu tư vào lĩnh vực blockchain. Thậm chí, có những startup blockchain người Việt nổi tiếng thế giới, có định giá tới hàng tỷ USD, nhưng toàn bộ doanh thu lại được ghi nhận ở quốc gia khác.

Bên cạnh đó, bài toán về phát triển nguồn nhân lực vẫn luôn là thách thức lớn cần phải vượt qua, đặc biệt tìm kiếm lực lượng kỹ sư công nghệ blockchain đang là một trong những vấn đề bức thiết nhất để phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Blockchain và cơ hội bứt phá cho Việt Nam - Ảnh 1.

Tư vấn, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp về blockchain tại vườn ươm Launch Zone. (Ảnh: VGP/HG)

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam bứt phá trở thành cường quốc công nghệ số

Chia sẻ tại Tọa đàm "Blockchain và cơ hội cho Việt Nam bứt phá trở thành cường quốc công nghệ số tới năm 2030", ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VDCA, Chủ tịch quỹ đầu tư VDI cho biết, Việt Nam muốn trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ blockchain, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng thì các tập đoàn, các công ty lớn phải làm chủ được các công nghệ lõi của mình.

"Không có chuyện dùng nền tảng nước ngoài để phát triển mà chúng ta có thể trở cường quốc công nghệ và cộng đồng blockchain năng động top 3 thế giới được", ông Thắng nhấn mạnh.

Theo đó, lớp trẻ Việt Nam cần phải tập trung vào sáng tạo, kết nối, chia sẻ để làm sao có được nền tảng blockchain của Việt Nam, từ lõi blockchain đó cung cấp sản phẩm cho các lĩnh vực kinh tế, cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho quốc gia.

Ông Thắng nhận định, Việt Nam chắc chắn có thể đạt được mục tiêu nếu có sức mạnh tổng hợp của người Việt Nam trong và ngoài nước cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một nền tảng blockchain, nền tảng AI "Make in Viet Nam".

Đồng tình với nhận định của ông Thắng, ông Đinh Ngọc Thạnh, Phó Chủ tịch Liên minh blockchain Việt Nam (VBU) cho biết, song song với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta cần đầu tư vào nghiên cứu - phát triển. Nếu không tập trung vào đầu tư nghiên cứu bài bản từ đầu để làm chủ công nghệ, dẫn đầu về công nghệ lõi, sáng chế ra công nghệ lõi blockchain thì chúng ta khó có thể đạt được vị trí dẫn đầu về blockchain.

Thực tế cho thấy, không có quốc gia nào không đầu tư bài bản về nền tảng mà có thể trở thành cường quốc công nghệ, vì công nghệ ngày nay phát triển rất nhanh, thậm chí ở những giai đoạn thay đổi quan trọng nếu không cập nhật nhanh chóng, sẽ bị tụt hậu rất nhanh.

Rõ ràng, chúng ta muốn đi đầu, muốn trở thành cường quốc hay muốn trở thành một công ty đi đầu về công nghệ lõi thì chúng ta phải đầu tư rất nhiều, đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư về con người và xây dựng công nghệ dựa trên ứng dụng lõi.

"Với quy mô quốc gia, quy mô doanh nghiệp, quy mô trường học, chúng ta cần một chiến lược đào tạo sát với thực tế, liên kết với nhau để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Đặc biệt, blockchain là ngành có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống, do đó, chúng ta cần chiến lược hợp tác nghiên cứu liên ngành", ông Thạnh đề xuất.

Nhấn mạnh về vấn đề này, TS. Trịnh Công Duy cũng khẳng định, muốn đi nhanh thì đi một mình và muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Trong lĩnh vực blockchain cũng vậy, ngoài việc hỗ trợ các startup, chúng ta cần phải có các giải pháp xuyên suốt, có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để hỗ trợ, tạo động lực cùng nhau xây dựng đề án, nhiệm vụ nhằm tạo cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ cho các startup Việt Nam có thể đăng ký hoạt động trong nước.

Dựa trên nhu cầu thực tế đó, mới đây Liên minh blockchain Việt Nam (VBU) chính thức được ra đời với sứ mệnh tập hợp, kết nối các tổ chức, cá nhân, nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư và xây dựng các chính sách về blockchain nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển, ứng dụng blockchain hiệu quả vào nền kinh tế số, đóng góp tích cực vào công cuộc CĐS quốc gia.

Bên cạnh đó, VBU cũng tham gia đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức; Xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu thị trường trong và ngoài nước thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Tham gia thẩm định, đánh giá công nghệ Blockchain, khuyến cáo và cảnh báo rủi ro hoạt động của các dự án hay nhóm cộng đồng có dấu hiệu bất thường; Tư vấn và kết nối nghề nghiệp trong lĩnh vực blockchain.

VBU sẽ trở thành cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để xây dựng khung pháp lý cho Việt Nam. Khung pháp lý về blockchain được kỳ vọng là chính sách đưa Việt Nam bứt phá và thành công trong lĩnh vực Blockchain cũng như nền kinh tế số.

"VBU mong muốn hợp tác với các bộ, ngành để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái chứa sức mạnh tổng hợp để có thể thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước dẫn đầu về ngành blockchain, công nghệ số", ông Thạnh nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Blockchain và cơ hội bứt phá cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO