Bộ Tài chính: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý

Trang Anh| 14/05/2020 14:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Tính đến hết tháng 4/2020, Bộ Tài chính công bố đã bãi bỏ hàng chục thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý thuế.

Bãi bỏ hàng chục TTHC

Cùng với 101 thủ tục dịch vụ công trực tuyến (DVC TT) cấp độ 1, trong tổng số 936 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính thì có 293 thủ tục DVC TT được thực hiện ở mức độ 2, 208 thủ tục được thực hiện ở mức độ 3.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối 7 DVC TT mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia(DVCQG) . Đồng thời, ban hành 2 Quyết định công bố bãi bỏ 18 TTHC, đơn giản hoá 11 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý công sản và kho bạc nhà nước.

Bộ Tài chính: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: qlg.mof.gov.vn/

Trong tháng 5/2020, ngành Tài chính tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính và kiểm soát TTHC. Cùng với đó là các nhiệm vụ quan trọng khác về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN; quản lý tài sản công; điều hành ngân quỹ và huy động vốn, quản lý chặt chẽ nợ công; quản lý giá, bình ổn thị trường...

Trong đó, ngành Tài chính tập trung trình các cấp có thẩm quyền các đề án, chính sách với các nội dung chính gồm các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý thuế

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính là quản lý thuế. Những năm gần đây, lính vực này được đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ hiện đại. Thống kê, những năm gần đây, số thuế xác định giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra thuế luôn đạt từ 30.000 đến 50.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của PGS,TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học Viện Tài chính, ngành thuế đã xác định rõ ràng rằng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ Thuế là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi lẽ, nếu không giải quyết bài toán nợ thuế thì không những không đảm bảo số thu Ngân sách Nhà nước, mà còn làm cho môi trường kinh doanh mất công bằng và tạo ra hiệu ứng lan tỏa không tuân thủ của người nộp thuế.

Bộ Tài chính: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý - Ảnh 2.

Trụ sở Tổng cục Thuế. Ảnh: Trang Anh

Để đảm bảo tốt công tác nợ thuế và cưỡng chế thuế, ngành Thuế đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp. Kết quả, số thuế nợ của thời gian trước được thu những năm sau mỗi năm đạt từ 25.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Vì lẽ đó, số nợ lũy kế tuy có cao nhưng ở mức có thể chấp nhận được. Đáng chú ý, giải pháp tăng cường quản lý hóa đơn và hiện đại hóa công tác quản lý hóa đơn được triển khai mạnh. Công tác này là chứng cứ pháp lý chứng minh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, là chứng cứ pháp lý để xác định thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và xác định chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, là căn cứ xác định  doanh thu để tính các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Thực tế, Bộ Tài chính đã tham mưu và trực tiếp ban hành các Nghị định, Thông tư để hiện đại hóa công tác quản lý hóa đơn và tăng cường quản lý hóa đơn. Trong đó, đáng chú ý, Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là văn bản có tính đột phá về ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, sử dụng hóa đơn, tạo ra nền tảng để sử dụng CNTT kiểm soát các giao dịch kinh tế; đối chiếu thông tin dữ liệu giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ...đem lại hiệu quả, hiệu lực thực sự trong quản lý Nhà nước về thuế.



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO