Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp công nghệ

Lan Phương| 12/05/2019 06:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp (DN) công nghệ tại phiên toạ đàm tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 09/5/2019.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp tất cả các kiến nghị, khúc mắc của DN

Trước các ý kiến của các DN về các kiến nghị thúc đẩy phát tiển DN công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng rất khó để có luôn một chính sách về vấn đề "sandbox". Vì đây là một vấn đề mới, các DN nên thử một vài lần trước đã.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới ví dụ về chủ trương triển khai dịch vụ mobile money. Khi chính sách này được triển khai, các DN viễn thông sẽ trở thành ngân hàng, người dân có thể nạp tiền vào tài khoản nhà mạng rồi dùng điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau hoặc chi tiêu hàng hoá có giá trị nhỏ.

Bộ TTTT và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với nhau về việc triển khai dịch vụ này, đồng thời đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. Taxi công nghệ cũng là một ví dụ cho việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi vấn đề đã lộ ra, chúng ta sẽ tạo ra một quy định cụ thể cho vấn đề sandbox. Nếu chúng ta chưa hiểu vấn đề mà đã ra chính sách thì việc áp dụng sẽ không khả thi.

Theo Bộ trưởng, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các DN nên đến những tỉnh thành nhỏ như Điện Biên hoặc những khu vực xa xôi nhất. Những nơi như vậy có quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn, ít có cái để mất hơn nên sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn. Tỉnh Phú Thọ đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ AI trong chẩn đoán khám chữa bệnh ung thư (trong khi nhiều bệnh viện lớn Trung ương chưa triển khai), đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bổ sung tại chỗ sự thiếu hụt bác sĩ trình độ cao. Thành phố Davos (Thụy Sĩ) cũng là một ví dụ. Do không có gì để mất, Davos cho phép thử tất cả các sản phẩm được phát triển từ công nghệ blockchain. Từ một thành phố nghèo nhất Thụy Sĩ, sau 3,5 năm, Davos trở thành nơi phát triển về blockchain mạnh nhất trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng ý với đề xuất của VCCorp về việc nên ưu tiên các DN tạo ra nhiều giá trị. Doanh thu trong lĩnh vực nội dung số đang có vấn đề do chiếm tỷ lệ quá thấp so với lĩnh vực viễn thông. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với các nước trong khu vực.

Điều này liên quan đến chính sách ăn chia của các nhà mạng và công ty nội dung. Tại những nước nội dung số phát triển, tỷ lệ ăn chia thường là 30% doanh thu thuộc về nhà mạng và 70% thuộc về nhà cung cấp nội dung. Ở Việt Nam, tỷ lệ này thường là 60% đối với các nhà mạng. Nhà mạng luôn có quyền lực để ép các công ty nội dung. 

Trong năm nay, Bộ TTTT sẽ tìm chiến lược phát triển ngành nội dung số Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị cùng với VNG, VCCorp có thể đề xuất về một chiến lược phát triển nội dung số Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước có thể coi đây là một ví dụ để tham khảo. Điều này sẽ giúp mang tới những góc tiếp cận khác để giải quyết vấn đề. Lúc đó, xây dựng chính sách không phải là việc việc riêng của các cơ quan quản lý nhà nước thuần tuý mà là việc của tất cả người dân Việt Nam.

Toàn cảnh Toạ đàm

Trước đề xuất của các DN về vấn đề bình đẳng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TTTT cũng rất trăn trở về vấn đề bảo hộ ngược. Các DN cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới chiếm 70% doanh thu quảng cáo trong không gian mạng, nhưng lại không nộp thuế giống DN Việt Nam. Theo người đứng đầu ngành TTTT, bất kỳ một DN nào muốn đến Việt Nam làm ăn thì cũng phải có tránh nhiệm giúp cho Việt Nam phát triển thịnh vượng bằng cách tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là tuyên bố của một nước có chủ quyền.

Các DN kinh doanh trong lĩnh vực ICT nếu có vấn đề với luật pháp có thể lấy Bộ TTTT làm đầu mối, ngay cả khi việc này liên quan đến các bộ ngành khác. 

Bộ TTTT tuyên bố sẽ bảo trợ cho các DN trong lĩnh vực ICT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là thành phần chính trong cuộc CMCN số và cuộc CMCN 4.0. 

Xây dựng hệ sinh thái 100.000 DN công nghệ Việt

Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp các kiến nghị, tổng kết Diễn đàn, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết để thúc đẩy thành công bước đầu của DN công nghệ Việt Nam, Bộ TTTT có một số dự kiến:

Thứ trưởng Phan Tâm tổng kết Diễn đàn

- Nhanh chóng ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số, làm tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp, tạo ra thị trường rộng lớn cho các DN công nghệ.

- Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối, thu hút những nhân tài Việt, nhân tài toàn cầu về xây dựng DN công nghệ Việt Nam.

- Nghiên cứu, xây dựng môi trường pháp lý cho DN công nghệ thử nghiệm các dịch vụ mới, thử nghiệm các khung chính sách mới theo cách tiếp cận “sandbox” cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

- Nghiên cứu xây dựng các chính sách đầu tư chấp nhận đầu tư rủi ro áp dụng cho phát triển công nghệ cho các start-up và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển DN như: chính sách thuế, chính sách phát triển thị trường, chính sách cho các công ty có tiềm năng xuất khẩu…

Bộ TTTT tiếp thu và cam kết khẩn trương thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất của các chuyên gia, DN công nghệ trong và ngoài nước. Bộ cũng cam kết đồng hành cùng với cộng đồng DN trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái 100.000 DN công nghệ Việt Nam vì sự thịnh vượng của bản thân các DN và của quốc gia, dân tộc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO