Bộ TTTT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành

25/10/2016 11:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Triển khai Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Để đạt được mục tiêu văn bản phải được trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan Nhà nước trong toàn quốc, thì các hệ thống thống quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) trong cơ quan nhà nước phải kết nối và trao đổi được dữ liệu với nhau.

Ngày 01/4/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QCVN 102:2016/BTTTT) kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BTTTT.

QCVN 102:2016/BTTTT để thống nhất một định dạng bản tin trao đổi giữa các hệ thống quản lý văn bản điều hành trong cơ quan Nhà nước; và nhằm phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Giới thiệu về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

1. Phạm vi và đối tượng

- Về phạm vi áp dụng:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định các yêu cầu kỹ thuật về:

Cấu trúc mã định danh các cơ quan, đơn vị tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành;

Định dạng dữ liệu của gói tin được trao đổi giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành và hệ thống trung gian phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này không quy định các yêu cầu kỹ thuật trong việc trao đổi các văn bản mật trên môi trường mạng.

- Đối tượng áp dụng:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, cung cấp giải pháp quản lý văn bản và điều hành và giải pháp kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, khai thác, sử dụng trong cơ quan nhà nước tại Việt Nam.

2. Các chỉ tiêu

QCVN 102:2016/BTTTT quy định các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể như sau:

- Cấu trúc mã định danh:

Mỗi cơ quan tham gia trao đổi văn bản điện tử sẽ được cấp phát một mã định danh ở dạng như sau:

V1V2V3.Z1Z2.Y1Y2. MX1X2

Mã định danh có 13 ký tự (bao gồm cả dấu chấm), chia thành bốn nhóm, các nhóm phân tách bởi dấu chấm.

QCVN 102:2016/BTTTT quy định dải mã cấp của các Bộ, ngành và địa phương (Mã cấp 1). Các Bộ ngành, địa phương chủ động trong việc cấp phát mã cho các đơn vị cấp dưới của mình (Mã cấp 2, 3, 4) nhằm đảm bảo tính chủ động xây dựng công cụ quản lý mã tập trung; có thể kiểm tra và cấp mã đơn vị của mình và đồng bộ với các hệ thống QLVBĐH khi có sự thay đổi mã cũng như trong quá trình khai thác.

Cụ thể:

a. Nhóm thứ nhất (MX1X2)

- MX1X2 xác định đơn vị cấp 1 (gọi là Mã cấp 1).

- M là các chữ cái từ A đến Z (dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh), cụ thể:

Chữ cái A dành cho Nhóm các cơ quan Đảng;

Chữ cái B dành cho Nhóm các cơ quan Chủ tịch Nước;

Chữ cái C dành cho Nhóm các cơ quan Quốc hội;

Chữ cái D dành cho Nhóm các cơ quan Tòa án;

Chữ cái E dành cho Nhóm các cơ quan Viện kiểm sát;

Chữ cái F dành cho Nhóm các cơ quan Kiểm toán Nhà nước;

Chữ cái G dành cho Nhóm các cơ quan Chính phủ (Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các trường đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, cơ quan khác đánh mã khi có nhu cầu);

Chữ cái H dành cho Nhóm các cơ quan địa phương (Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

Chữ cái K dành cho Nhóm các cơ quan địa phương (Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

Chữ cái I dành cho Nhóm các tổ chức chính trị - xã hội;

Chữ cái J dành cho Nhóm các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

Các chữ cái còn lại dùng để dự trữ.

- X1, X2 nhận giá trị là một trong các chữ số (từ 0 đến 9).

CHÚ THÍCH: Mã cấp 1 phải sử dụng dải mã đã quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn. Trường hợp có thêm yêu cầu sử dụng mã cho đơn vị cấp 1 thì sử dụng các mã dự trữ.

b. Nhóm thứ hai (Y1Y2)

- Y1Y2 xác định đơn vị cấp 2 (gọi là Mã cấp 2).

- Y1, Y2 nhận giá trị là một trong các chữ số (từ 0 đến 9).

CHÚ THÍCH: Trường hợp có nhiều hơn 100 đơn vị cấp 2 thì đơn vị cấp 1 đăng ký thêm mã mới cho đơn vị cấp 1 đó sử dụng để cấp mã cho các đơn vị cấp 2 có thứ tự từ 100 trở lên.

c. Nhóm thứ ba (Z1Z2)

- Z1Z2 xác định đơn vị cấp 3 (gọi là Mã cấp 3).

- Z1, Z2 nhận giá trị là một trong các chữ số (từ 0 đến 9) hoặc một trong các chữ cái (từ A đến Z, dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh).

- Đơn vị cấp 3: Tuần tự sử dụng các mã dạng chữ số - chữ số, chữ số - chữ cái, chữ cái - chữ số, chữ cái – chữ cái trong mã cấp 3 Z1Z2.

Trường hợp đặc biệt: Các cơ quan, đơn vị cấp 3 thuộc, trực thuộc cơ quan Trung ương (Cục thuế, Kho bạc Nhà nước…) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc

Trung ương được đánh mã trùng với mã tỉnh được ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

CHÚ THÍCH: Trường hợp có nhiều hơn 1.296 đơn vị cấp 3 thì đơn vị cấp 1 cấp mã mới cho đơn vị cấp 2 để sử dụng cấp mã cho các đơn vị cấp 3 có thứ tự từ 1.296 trở lên.

d. Nhóm thứ tư (V1V2 V3)

- V1V2 V3 xác định đơn vị cấp 4 (gọi là Mã cấp 4).

- V1, V2 , V3 nhận giá trị là một trong các chữ số (từ 0 đến 9).

Trường hợp đặc biệt: Các cơ quan, đơn vị cấp 4 thuộc, trực thuộc cơ quan Trung ương (Chi Cục thuế, Kho bạc Nhà nước cấp huyện… ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) được đánh mã trùng với mã huyện được ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

CHÚ THÍCH: Trường hợp có nhiều hơn 1.000 đơn vị cấp 4 thì đơn vị cấp 1 cấp mã mới cho đơn vị cấp 3 sử dụng để cấp mã cho các đơn vị cấp 4 có thứ tự từ 1.000 trở lên.

đ. Nguyên tắc đánh mã

- Các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc được đánh mã bắt đầu từ 01, 001, A1, 1A, AB. Các nhóm 00, 000, A0, 0A, AA dùng để dự trữ.

- Trường hợp tách đơn vị:

Có 01 (một) đơn vị có tên không thay đổi so với tên trước khi tách thì mã định danh không thay đổi.

Các đơn vị được thành lập mới sẽ được cấp mã định danh mới theo quy định;

Không có đơn vị trùng tên với đơn vị trước khi tách thì cấp mới mã định danh cho các đơn vị mới được thành lập theo quy định. Mã định danh cũ sẽ bị đóng không cấp lại cho các đơn vị khác.

Hình 1: Cấu trúc của một gói tin edXML.

- Trường hợp nhập các đơn vị:

Có 01 (một) đơn vị có tên không thay đổi so với tên trước khi nhập, thì mã định danh đơn vị không thay đổi. Mã định danh các đơn vị bị nhập sẽ bị đóng không cấp lại cho các đơn vị khác;

Không có đơn vị trùng tên với đơn vị trước khi nhập thì cấp mới mã định danh cho các đơn vị mới được thành lập theo quy định. Mã định danh cũ sẽ bị đóng không cấp lại cho các đơn vị khác.

- Trường hợp các đối tượng khác nếu tham gia trao đổi văn bản điện tử được đánh mã tương đương với các cơ quan, đơn vị trong các cấp tương ứng.

CHÚ THÍCH: Mã định danh được dùng để trao đổi văn bản điện tử là mã được cấp lần đầu tiên. Mã định danh được cấp thêm chỉ được sử dụng để đánh mã cho các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc.

Định dạng dữ liệu của gói tin phục vụ kết nối các hệ thống QLVBĐH - edXML:

Để kết nối giữa các hệ thống QLVBĐH, các hệ thống cần phải tuân thủ quy định thống nhất về định dạng dữ liệu trong gói tin edXML. QCVN 102:2016/BTTTT quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với các trường thông tin của gói tin edXML, không quy định về quy cách đóng gói gói tin edXML. Việc

xác định quy cách đóng gói gói tin do các doanh nghiệp cung cấp giải pháp quyết định dựa trên cơ sở đáp ứng được các yêu cầu (chức năng, hiệu năng…) do các cơ quan có nhu cầu khai thác và sử dụng đặt ra.

Hình 1 mô tả cấu trúc cơ bản nhất của một gói tin edXML.

Trong đó:

- Thông tin cơ bản (edXMLHeader): Là các thành phần thông tin cơ bản của gói tin edXML;

- Thông tin chính (edXMLBody): Là các thành phần thông tin lưu chuyển, thông tin tham chiếu đến tập tin đính kèm;

- Tập tin đính kèm được mã hóa (AttachmentEncoded): Là các thành phần thông tin về tập tin đính kèm và giá trị mã hóa của tập tin đính kèm.

CHÚ THÍCH: Căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình, các cơ quan, đơn vị có thể mở rộng thêm các trường thông tin phục vụ nghiệp vụ trong nội bộ của mình theo nguyên tắc không làm phá vỡ cấu trúc gói tin edXML gồm ba phần như cấu trúc gói tin ở trên.

Các quy định chi tiết về: trường thông tin, kiểu dữ liệu, độ dài trường tin, trạng thái trường tin (bắt buộc hay tùy chọn) của các thành phần gói tin edXML đã được quy định chi tiết trong quy chuẩn (Xem mục 2.2, QCVN 102:2016/BTTTT được đăng tải website của Bộ thông tin và Truyền thông tại địa chỉ www.mic.gov.vn/tbt).

QCVN 102:2016/BTTTT cũng quy định phương pháp đo kiểm để đánh giá các chỉ tiêu ở trên.

Đơn vị cấp 1 bao gồm: a) Nhóm các cơ quan Đảng: Văn phòng Trung ương, các Ban của Đảng, các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản); b) Nhóm các cơ quan Chủ tịch nước: Văn phòng Chủ tịch nước; c) Nhóm các cơ quan Quốc hội: Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban, Ban, Hội đồng Dân tộc, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, các cơ quan, đơn vị khác; d) Nhóm các cơ quan Tòa án: Toà án Nhân dân tối cao; đ) Nhóm các cơ quan Viện Kiểm sát: Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; e) Nhóm các cơ quan Kiểm toán: Kiểm toán Nhà nước; g) Nhóm các cơ quan Chính phủ: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Ban chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Chính phủ quản lý; các trường đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Chính phủ quản lý; các cơ quan, đơn vị khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Chính phủ quản lý; h) Nhóm các cơ quan, đơn vị ở địa phương: Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; i) Nhóm các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; k) Nhóm các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương khác.

Đơn vị cấp 2, cấp 3, cấp 4: Là các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc đơn vị cấp 1, cấp 2, cấp 3 tương ứng tham khảo Phụ lục D của QCVN 102:2016/BTTTT.

Trách nhiệm của Tổ chức, cá nhân

Cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp, khai thác và sử dụng giải pháp hệ thống trung gian và hệ thống QLVBĐH cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp giải pháp hệ thống trung gian và hệ thống QLVBĐH cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện quy định về cam kết tuân thủ Quy chuẩn.

Cục Tin học hóa có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra việc công bố cam kết tuân thủ Quy chuẩn.

Tổ chức thực hiện

Quy chuẩn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2016.

Bộ TTTT đã giao cho:

- Cục Tin học hóa có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra các Cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp, khai thác và sử dụng giải pháp hệ thống trung gian và hệ thống QLVBĐH cho các cơ quan nhà nước thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này trên phạm vi toàn quốc.

- Các Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thuộc Đơn vị cấp 1 có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện theo Quy chuẩn này.

BH

Tài liệu tham khảo

[1]. QCVN 102:2016/BTTTT.

[2]. Thông tư số 10/2016/TT-BTTTT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO