Bộ TT&TT có thêm 2 đơn vị chuyên về CĐS

Đỗ Minh| 27/07/2022 07:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 48/2022/NĐ-CP về việc "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)".

Theo đó, Nghị định gồm 05 điều quy định: Vị trí và chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức của bộ; hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành.

Cụ thể, Bộ TT&TT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); ứng dụng CNTT; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Về nhiệm vụ và quyền hạn, Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Theo đó, Bộ TT&TT thực hiện 36 nhiệm vụ và quyền hạn.

Đặc biệt, Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm; chương trình mục tiêu quốc gia, hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia; hướng dẫn việc hoạt động của báo chí và nhà báo trong cả nước, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý hoạt động báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động báo chí của người nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam…

Về thông tin điện tử, Nghị định nêu rõ: "Quản lý về dịch vụ trò chơi điện tử, nội dung thông tin, ứng dụng cung cấp thông tin trên mạng theo quy định của pháp luật; chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện quy định về cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông (VT), ứng dụng VT, Internet; bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ VT, Internet theo quy định của pháp luật; chủ trì trong đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, phối hợp với bộ Công an đảm bảo an ninh thông tin trong hoạt động VT theo quy định của pháp luật; thẩm định chương trình, kế hoạt, dự án phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp công nghệ số, các nội dung xúc tiến thương mại…".

Về CĐS quốc gia, Nghị định cũng nêu rõ: Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ thường trực Uỷ ban CĐS quốc gia; Hướng dẫn, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số...; Hướng dẫn, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về kinh tế số, thúc đẩy ứng dụng CNTT, CĐS doanh nghiệp (DN) theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về xã hội số, thúc đẩy ứng dụng CNTT, hoạt động tuân thủ các quy tắc ứng xử trên môi trường số trong xã hội và cộng đồng.

Bên cạnh những nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Nghị định cũng quy định Bộ TT&TT là đầu mối tổng hợp, tham mưu điều phối hoạt động phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh…

Đối với lĩnh vực quản lý liên quan đến DN, Bộ TT&TT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN trong lĩnh vực TT&TT; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào DN khác theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT gồm 26 đơn vị: (1) Vụ Bưu chính; (2) Vụ khoa học và Công nghệ; (3) Vụ Kế hoạch - Tài chính; (4) Vụ Kinh tế số và Xã hội số; (5) Vụ Hợp tác quốc tế; (6) Vụ Pháp chế; (7) Vụ Tổ chức cán bộ; (8) Thanh tra Bộ; (9) Văn phòng Bộ; (10) Cục Báo chí; (11) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; (12) Cục Xuất bản, In và phát hành; (13) Cục Thông tin cơ sở; (14) Cục Thông tin đối ngoại; (15) Cục Viễn thông; (16) Cục Tần số vô tuyến điện; (17) Cục CĐS quốc gia; (18) Cục An toàn thông tin; (19) Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông; (20) Cục Bưu điện Trung ương; (21) Viện Chiến lược TT&TT; (22) Trung tâm Thông tin; (23) Báo VietNamNet; (24) Tạp chí TT&TT; (25) Học viện Công nghệ bưu chính, viễn thông; (26) Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT.

Như vậy, theo Nghị định số 48/2022/NĐ-CP, Bộ TT&TT sẽ có 2 đơn vị chuyên về CĐS là: Vụ Kinh tế số và Xã hội số và Cục CĐS quốc gia (trước đây là Cục Tin học hoá). Bộ cũng thành lập 1 đơn vị mới là Cục Công nghiệp CNTT-TT, đơn vị quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT - truyền thông, doanh nghiệp công nghệ số. Ngoài ra, theo Nghị định mới, các đơn vị Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ Quản lý - DN, Vụ Công nghệ Thông tin sẽ bị giải thể.

Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2022 và thay thế Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT có thêm 2 đơn vị chuyên về CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO