Bộ TTTT thúc đẩy triển khai 5G, thanh toán qua di động

Lan Phương| 25/06/2019 08:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành để thúc đẩy cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành sớm triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy CMCN 4.0 tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “CMCN lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/6/2019, tại Hà Nội.

Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xã hội chia sẻ quan điểm và tham gia thảo luận, góp phần tìm ra giải pháp chính sách, thiết kế quy định pháp luật để Việt Nam tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ cuộc CMCN 4.0. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các Bộ, ban ngành đã tham dự Hội thảo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cuộc  CMCN  4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài lề của cuộc cách mạng này. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp. Đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng tỷ người cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội.

Việt Nam đã đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi cách mạng 4.0 như Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây…

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính công nghệ tiên tiến, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thể chế quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Những công nghệ tiên tiến trong CMCN 4.0 cũng có thể ứng dụng được trong việc thực thi và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Một điều quan trọng khác được Thủ tướng nêu là tư duy về làm chính sách pháp luật trong CMCN 4.0. Xử lý các vấn đề mới cần giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cẩn thận với ứng dụng công nghệ mới, kịp thời nâng cao năng lực để theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới. “Xây dựng pháp luật trong thời đại 4.0 khác hơn với các thời kỳ trước. Các cơ quan quản lý cần chú ý tới điều này trong thời đại CMCN 4.0”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát văn bản pháp luật hiện hành, đánh giá rõ hơn tính tương thích với CMCN 4.0 và kịp thời đề xuất hướng tiếp tục bổ sung. Trước mắt, nên tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý, thử nghiệm các nghị định thí điểm của chính phủ với từng ứng dụng cụ thể nhằm thúc đẩy mô các hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp cần tập trung nghiên cứu đề xuất cụ thể các vấn đề đặt ra hiện nay, cũng như tham mưu về giải pháp để đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh CMCN lần thứ 4, mở rộng tiến trình xây dựng việc thực thi thể chế pháp luật, luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân và DN…

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm hoàn thiện trình chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về tận dụng CMCN 4.0, trong đó có việc phối hợp với Bộ TTTT xây dựng đề án số hoá quốc gia.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) định danh quốc gia, làm nền tảng cho công tác xác thực định danh, chia sẻ thông tin dữ liệu an toàn, hiệu quả. Đồng thời, Bộ Công an sớm hoàn tất việc hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng, đảm bảo vừa kiến tạo kinh tế số, xã hội số, vừa bảo đảm an ninh an toàn mạng và thông tin dữ liệu.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần sớm công bố CSDL về đất đai.

Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để có đề xuất chính sách phù hợp, sớm hoàn thiện và ban hành quy định về các hình thức huy động vốn cộng đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần chú trọng phối hợp với Bộ GDĐT và các bộ ngành liên quan, xây dựng hệ thống giáo dục, tài chính để người dân, doanh nghiệp, chính quyền nâng cao nhận thức, hiểu biết và hành động về các dịch vụ tài chính đang làm tốt hơn. Qua đó tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, vốn và thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần làm minh bạch hoá hệ thống thanh toán.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TTTT cần tập trung hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ TTTT cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử và các loại hình thanh toán mới qua di động (mobile money). Những hãng viễn thông cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thanh toán điện tử. Đẩy mạnh thanh toán điện tử ở Việt Nam góp phần tăng trưởng kinh tế.

Bộ KH&CN cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế pháp luật, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ thêm nhiều doanh nghiệp sáng tao. Trong đó, chú trọng đến tính tương tác, kết nối, chia sẻ, khả năng thương mại hoá các ý tưởng nghiên cứu.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất sử dụng linh hoạt công cụ tài chính làm đòn bẩy cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế nhằm vừa khuyến khích nhân tài CNTT, vừa bảo đảm thu đúng thu đủ thuế thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân hưởng lợi từ thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4, đảm bảo công bằng về chính sách thuế đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cần sớm nhận diện rõ những tác động của CMCN lần thứ 4 đối với lao động, việc làm và hệ thống an sinh xã hội để cho ra đời những chính sách phù hợp. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, DN để đổi mới chương trình đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng nhằm theo kịp yêu cầu của nền kinh tế số.

Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, từ 2016 - 2020, đồng thời tích cực chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng. Đại hội 13 của Đảng tới đây sẽ đề ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

“Để thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng thì thể chế pháp luật trong CMCN 4.0 là vô cùng quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ tư Pháp Lê Thành Long phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết các DN công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới nhưng chưa dám dấn thân sáng tạo hết mình, chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách quản lý hoặc trong pháp luật hiện hành.

Do vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh những nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới là: cần sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoàn thiện pháp luật về đầu tư mạo hiểm, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa DN trong nước với các DN nước ngoài, có ưu đãi thuế hợp lý đối với tài năng về công nghệ cao để tránh chảy máu chất xám.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết cần sớm hoàn thành việc xây dựng CSDL dân cư quốc gia và các CSDL quan trọng; sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân; xây dựng văn bản pháp luật để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả chủ trương, định hướng xây dựng đô thị thông minh.

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp quốc gia, đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn về 3 nhóm chủ đề quan trọng: Pháp luật dân sự, kinh tế trong bối cảnh CMCN lần thứ tư; xây dựng Chính phủ số và thành phố thông minh; tiếp cận công lý và bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT thúc đẩy triển khai 5G, thanh toán qua di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO