Bộ TTTT và TP. HCM đẩy mạnh hợp tác phát triển TTTT giai đoạn 2019 - 2020

Lan Phương| 21/11/2018 09:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP. HCM luôn coi phát triển CNTT-TT là nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 20/11/2018, tại Hà Nội, Bộ TTTT và UBND TP. HCM đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác phát triển Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ TTTT và UBND TP. Hồ Chí Minh. Tham dự buổi Lễ có: ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TTTT; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TTTT và UBND TP.HCM.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chứng kiến Lễ ký kết giữa Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Các mục tiêu trong Chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ TT&TT và UBND TPHCM: Tăng cường an toàn, an ninh mạng; Phát triển hạ tầng CNTT-TT; Phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử; Phát triển đô thị thông minh; Nâng cao năng lực quản lý báo chí, tuyên truyền, xuất bản, in, phát hành trên địa bàn thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu

Phát biểu tại lễ ký kết, Bí thư Thành  ủy  TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là thành phố có số lượng doanh nghiệp  CNTT nhiều  nhất cả nước, có khu Công viên Phần mềm Quang Trung ra đời sớm nhất và thành công nhất. Trong những năm gần đây, TP. HCM luôn coi phát triển CNTT-TT là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của thành phố là đi đầu cả nước về xây dựng thành phố thông minh. Cho đến nay, TP. HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt đề án đô thị thông minh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu

Tiếp lời Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP.HCM sẽ tập trung phát triển đột phá ngành điện tử và CNTT. Trong đó, CNTT được coi là một trong bốn ngành công nghiệp chủ lực của thành phố (cùng với ngành cơ khí, hóa nhựa và chế biến lương thực, thực phẩm). Bốn ngành này tạo ra hơn 70% tổng sản lượng của toàn ngành công nghiệp của thành phố. TP.HCM đã tập trung cho Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố giai đoạn 2013-2020. Đây là chương trình đầu tiên trên cả nước về phát triển công nghiệp vi mạch và được Chính phủ đánh giá rất cao.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết không chỉ là ngành công nghiệp chủ lực, CNTT còn là một trong chín ngành dịch vụ chủ lực của thành phố, đóng góp 60% vào tổng giá trị sản phẩm dịch vụ của thành phố. Tuy nhiên, dù đã có những bước phát triển như vậy, ngành điện tử, CNTT còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong cơ cấu ngành công nghiệp của TP.HCM, chỉ chiếm 4,4% trong tổng giá trị của toàn ngành công nghiệp thành phố só với tỷ lệ 55% của 3 ngành chủ lực còn lại (cơ khí, hóa nhựa và chế biến lương thực, thực phẩm). Theo đó, mong muốn Bộ TTTT hỗ trợ TPHCM phát triển ngành CNTT trở thành ngành chủ lực thực sự của thành phố , đồng thời hỗ trợ xây dựng hạ tầng để TP. HCM trở thành thành phố thông minh vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ quan điểm và định hướng phát triển của ngành ICT thế giới được bàn thảo tại Hội nghị APEC vừa được tổ chức trong tháng 11 tại Papua New Guinea mà người đứng đầu ngành TTTT vừa tham dự. Theo đó, tại APEC, các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đều khẳng định “ICT là nền tảng của tất cả các ngành và của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. ICT sẽ biến đổi các ngành công nghiệp truyền thống và các ngành dịch vụ và mở ra các ngành công nghiệp mới và mô hình kinh doanh mới”.

Dựa trên xu hướng công nghệ của thế giới, Bộ TTTT hiện đang xây dựng những định hướng mới trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do Bộ phụ trách và Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các định hướng mới này của Bộ sẽ được thực hiện đầu tiên tại TP.HCM.

Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM cân nhắc cho phép Sở TTTT thành lập thêm Phòng Ứng dụng CNTT nhằm mục tiêu đưa ICT vào ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực của thành phố. Nếu đề nghị này được chấp nhận, Sở TTTT TPHCM sẽ là sở đầu tiên trên cả nước triển khai theo định hướng này. TP.HCM cũng xem xét cho phép triển khai thí điểm chuyển đổi số tại thành phố. Chuyển đổi số là nền tảng để xây dựng nền kinh tế số và quá trình này sẽ là câu chuyện kéo dài nhiều năm. Hiện nay, Bộ TTTT đang xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của Bộ TTTT là phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp IoT, công nghiệp nội dung số và công nghiệp ứng dụng CNTT. Việt Nam hiện đang có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp IoT.

Trong lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2019 Bộ TTTT sẽ cấp phép thử nghiệm 5G và được triển khai đầu tiên tại TP.HCM, tiến tới sẽ triển khai thương mại vào năm 2020. “Với việc triển khai 5G vào năm 2019 sẽ mở ra một trang mới trong ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên trên thế giới triển khai 5G, không còn ở vị thế của nước đi sau trong triển khai công nghệ như trước đây. Triển khai 5G sẽ thu hút các công ty công nghệ nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài đến với Việt Nam, từ đó tạo ra một môi trường giúp hình thành các sản phẩm công nghệ trên đất nước Việt Nam”.

Về lĩnh vực an ninh mạng, Bộ TTTT sẽ hỗ trợ TP.HCM xử lý, dọn dẹp các máy tính bị nhiễm virus. Chính những máy tính nhiễm virus này đang là nguồn phát tán thư rác từ Việt Nam ra thế giới, khiến cho Việt Nam xếp dưới mức trung bình của thế giới về an ninh mạng. Đồng thời, Cục ATTT cũng sẵn sàng giúp TP.HCM giám sát ATTT, hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp, bảo vệ các cơ sở trọng yếu và đảm bảo an toàn nội dung.

Lĩnh vực bưu chính cũng có nhiều cơ hội phát triển, khi lĩnh vực này đang tăng trưởng 40 - 50%. Phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ không thể thiếu bưu chính. Bưu chính tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ hơn cả Viễn thông.

Về thông tin tuyên truyền, báo chí, Bộ trưởng khẳng định quan điểm, báo chí phải thể hiện được dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong xã hội, tạo ra khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Lần đầu tiên, Bộ TTTT đã triển khai được việc đo lường tin tiêu cực trên báo chí và mạng xã hội.  

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng Chương trình hợp tác ký kết hôm nay giữa Bộ TTTT và UBND TPHCM là động lực quan trọng giúp Bộ và UBND thành phố đạt được những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đồng thời, đây cũng là sự kiện rất ý nghĩa, góp phần đánh dấu mốc kỷ niệm 320 năm thành lập thành phố Sài Gòn, TP.HCM.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT và TP. HCM đẩy mạnh hợp tác phát triển TTTT giai đoạn 2019 - 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO