Bưu chính duy trì tốc độ tăng trưởng 30 - 40%, phát triển mạng lưới, logisitcs

Lan Phương| 09/02/2019 15:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo lĩnh vực bưu chính phát triển đặt mục tiêu phát triển 30 - 40% trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết lĩnh vực bưu chính phải phát triển mạng lưới chuyển phát, logistics để phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 30 - 40%, để sau 5 năm nữa, doanh thu bưu chính Việt Nam sẽ tăng 3 - 4 lần và đạt 3 - 4 tỷ USD.

“Các công ty bưu chính lớn, có bộ máy đến cấp huyện, xã có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công cho các địa phương, giúp các tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm biên chế. Những cơ hội mang tính lịch sử, làm thay đổi căn bản lĩnh vực bưu chính đang đến, và chúng ta phải nắm bắt cơ hội này”.

Phát triển mạng lưới chuyển - phát, logistics để phát triển TMĐT

Theo thống kê của Bộ TTTT, thị trường bưu chính hoạt động sôi động với sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Tăng trưởng trong lĩnh vực này mấy năm nay đều đạt trên 50%. Tổng doanh thu ngành bưu chính năm 2018 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD). Doanh thu từ hoạt động bưu chính có xu hướng tăng mạnh khi năm 2016 đạt 410 triệu USD, năm 2017 là hơn 650 triệu USD.

Theo xếp hạng toàn cầu năm 2018 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) thực hiện, Việt Nam xếp hạng 50/173 đối với chỉ số phát triển bưu chính.

Theo Vụ Bưu chính - Bộ TTTT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN bưu chính hoạt động trên thị trường trong môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công tác quản lý nhà nước về bưu chính trong thời gian qua đã không chỉ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thực thi pháp luật nghiêm túc của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương tạo sự bình đẳng giữa các DN mà còn là sự nắm bắt kịp thời xu thế công nghệ áp dụng trong bưu chính để đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi nảy sinh vấn đề trên thực tế, trên thị trường mà pháp luật về bưu chính chưa quy định. Ý thức tuân thủ pháp luật, đặc biệt là pháp luật bưu chính của DN được nâng cao cho dù việc thực hiện về chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp còn nhiều hạn chế.

Để tăng cường sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN Bưu chính ở Việt Nam phát huy hơn nữa lợi thế sẵn có của DN trong thời gian tới rất cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại Trung ương và địa phương, cần sự kết nối, chia sẻ thông tin chung để kịp thời xử lý các vướng mắc cũng như có chính sách phù hợp về đất đai, thuế, vận tải, hàng hóa…

Đồng thời, Bộ TTTT cũng sẽ cùng với Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung như: Chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thuận lợi cho DN bưu chính phát triển theo hướng là hạ tầng chuyển - phát và logistics cho TMĐT; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính đáp ứng sự phát triển của thị trường thông qua việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, rào cản cho DN.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức và kiến thức của DN về chuyên môn bưu chính, TMĐT và các vấn đề liên quan đến ứng dụng CNTT trong bưu chính, chuyển đổi số, dữ liệu lớn cần được tăng cường, phổ biến; Hỗ trợ thành lập Hiệp hội của các DN bưu chính…

Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, với lợi thế mạng lưới phủ rộng đến cấp xã trong nội địa, đồng thời kết hợp với mạng lưới bưu chính toàn cầu trong UPU, lĩnh vực bưu chính đóng vai trò quan trọng, tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ logistics, làm cơ sở hạ tầng nền tảng cho TMĐT.

Thời gian tới, lĩnh vực bưu chính cần tái cơ cấu và đầu tư nền tảng công nghệ cao như dữ liệu lớn, ứng dụng tin học hóa, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để mang lại hiệu quả, giảm chi phí trong tổ chức sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường TMĐT biến đổi khong ngừng trong kỷ nguyên số.

Để phát triển lĩnh vực bưu chính trong thời gian tới, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đề xuất Nhà nước nên tổ chức đầu tư xây dựng vận tải hạ tầng và logistics dùng chung cho tất cả các DN bưu chính.

Cụ thể, nhà nước nên đầu tư xây dựng các trung tâm khai thác (TTKT) bưu chính hiện đại tại các vùng trọng điểm (từ 8 - 10 TTKT) đầu tư công nghệ chia chọn, khai thác hiện đại, tự động, sau đó cho các DN bưu chính đã được quy hoạch đủ điều kiện thuê lại hạ tầng này để kinh doanh, như thế sẽ thuận lợi cho quản lý hoạt động bưu chính của nhà nước, giảm chi phí DN, tăng năng suất lao động và không gây lãng phí nguồn lực của nhà nước của DN và xã hội.

Tiếp theo, cần quy hoạch lại các tuyến vận tải theo hướng, thay vì mỗi DN chạy 1 chuyến xe cùng 1 tuyến thì cần phân tuyến ra, mỗi DN chạy 1 tuyến và hàng của các DN bưu chính được đưa lên cùng 1 xe. Tại mỗi địa phương có chung 1 điểm tập kết hàng hoặc TTKT hiện đại, xe bưu chính chuyển hàng tới địa điểm này và bưu tá của các hàng tập trung nhận hàng ở đó. DN có xe sẽ thu được phí vận chuyển từ các DN gửi hàng, còn những DN có hàng sẽ đảm bảo được thời gian và chất lượng dịch vụ.

Để giảm chi phí vận tải và logistics thì cần đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các phương thức vận tải (đường thủy, đường sắt, đường không, đường bộ), đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải, nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và DN cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho DN logistics Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng vận chuyển một chiều.

Xây dựng các điểm dịch vụ bưu chính “dùng chung” tại các tòa nhà cao tầng cho tất cả các DN bưu chính, từ đó làm giảm chi phí và không lộn xộn trong hoạt động giao nhận tại các tòa nhà.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu chính duy trì tốc độ tăng trưởng 30 - 40%, phát triển mạng lưới, logisitcs
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO