Bưu chính

Hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số và thương mại điện tử

Ở Việt Nam, trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành bưu chính luôn là một kênh bảo đảm các hoạt động cung cấp thông tin liên lạc thiết yếu, quen thuộc và tin cậy cho xã hội. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành “Chiến lược phát triển Bưu chính - Viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” (Quyết định số 158/2001/QÐ-TTg). Sau 20 năm thực hiện Chiến lược, lĩnh vực bưu chính đã có những đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên hiện nay, sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường bưu chính, của thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư làm thay đổi phương thức kinh doanh và tiêu dùng dịch vụ, mở ra cơ hội mới cho phát triển lĩnh vực bưu chính. Do đó, bưu chính đòi hỏi cần phải có những định hướng chiến lược mới phù hợp cho sự phát triển vượt bậc của ngành trong giai đoạn tới.

Nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức

Cuộc CMCN 4.0 với tác động của công nghệ số đã thúc đẩy TMĐT phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2019 đến nay, tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã diễn ra phức tạp và trên diện rộng đã khiến nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP quý III/2021 của Việt Nam giảm 6,17% so cùng kỳ năm 2020 và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý. Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong quý IV, GDP năm 2021 được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% - 2,5%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Chính phủ đã đặt ra cho năm 2021 là 6,5%.

Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19 TMĐT ở Việt Nam vẫn bùng nổ và tăng trưởng khoảng 18% [1]. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô ước đạt 52 tỷ USD [2]. Lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh sẽ kéo theo nhu cầu dịch vụ chuyển phát bùng nổ theo và đó chính là cơ hội, là không gian vô hạn của ngành bưu chính để bưu chính có bước chuyển mình mạnh mẽ từ chuyển phát thư, báo trở thành nền tảng quan trọng cho phát triển TMĐT, thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, Bưu chính đang nổi lên như là ngành hậu cần cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, với mạng lưới rộng khắp cả nước phục vụ mọi ngóc ngách của cuộc sống với rất nhiều cơ hội để phát triển bứt phá và trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, đặc biệt cho TMĐT thông qua con đường chuyển đổi số (CĐS). Các công ty bưu chính truyền thống với thế mạnh là mạng lưới rộng khắp, cơ sở hạ tầng lớn và đội ngũ nhân viên đông đảo đang đồng hành trên thị trường cùng các công ty khởi nghiệp với thế mạnh về công nghệ, sự năng động và tham vọng phát triển nhanh khi sử dụng nền tảng kinh tế chia sẻ để tham gia cung ứng dịch vụ.

Thị trường bưu chính ở Việt Nam đang chứng kiến cái CŨ và MỚI hoạt động đan xen, cạnh tranh với nhau và tương lai sẽ có những cuộc soán ngôi rất ngoạn mục. Các công ty bưu chính với cách thức cung ứng dịch vụ truyền thống, chậm đổi mới đang mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN công nghệ còn non trẻ về kinh nghiệm nhưng sớm ứng dụng nhiều công nghệ, nền tảng vào cung ứng dịch vụ bưu chính.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã hình thành nên những gã khổng lồ về công nghệ, sở hữu các nền tảng xuyên biên giới hiện diện tại nhiều nước trên thế giới. Thị trường Việt Nam đang trở thành đấu trường của các nền tảng số xuyên biên giới với sự có mặt của những gã khổng lồ công nghệ. Để có thể trụ lại trong cuộc chiến này, không có cách nào khác, bưu chính phải chuyển mình thành một mạng lưới cung ứng số (Digital Supply Network), chuyển giao giá trị vật chất của xã hội, sẵn sàng phối hợp để bảo đảm an ninh quốc gia.

Tỷ lệ doanh nghiệp bưu chính phân theo khu vực cung cấp dịch vụ TMĐT

Theo khảo sát của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) năm 2017, 93% bưu chính các nước (116/125 nước tham gia khảo sát) đang cung cấp dịch vụ bưu chính số. Bưu chính có đầy đủ điều kiện thuận lợi để cung cấp các dịch vụ điện tử, TMĐT và tài chính điện tử tới mọi tầng lớp người dân trên toàn cầu.

Cũng theo khảo sát của UPU, 62% các DN bưu chính cho biết các chính sách của Chính phủ như chính phủ điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và chính sách lĩnh vực số đã giao cho ngành bưu chính cung cấp dịch vụ điện tử. Bên cạnh đó, trong năm 2018, Hội nghị Chiến lược cấp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực bưu chính tại Addis Ababa đã khẳng định vai trò ngày càng lớn của bưu chính trong Chương trình Phát triển bền vững 2030 nhằm hỗ trợ các DN và người dân trong lĩnh vực số hóa, kết nối, giải pháp tài chính toàn diện và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quốc gia.

Tỷ lệ DN bưu chính phân theo khu vực cung cấp dịch vụ bưu chính điện tử và CPĐT

Theo công bố chính thức của UPU trong Lễ kỷ niệm Ngày Bưu chính Thế giới được tổ chức trực tuyến ngày 8/10/2021 và đăng tải trên website chính thức của UPU (www.upu.int/uputv), năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020) trong Bảng xếp hạng 2IPD [3]; là một trong 04 nước khu vực ASEAN lọt vào top 50 các quốc gia trên thế giới.

Vững bước hướng tới tương lai

Với mạng lưới trên 21.600 điểm phục vụ đến tận cấp xã trải dài từ Mèo Vạc tới Cà Mau cùng lực lượng gần 600 DN, ngành Bưu chính giờ đây không còn là gánh nặng phải duy trì mà đã là tài sản to lớn, là lợi thế không phải lĩnh vực nào cũng có được để thích nghi, nắm bắt các cơ hội mới. Gần 100.000 lao động bưu chính đang ngày đêm vận hành khai thác để nhu cầu chuyển phát khối lượng đồ sộ hàng TMĐT với chất lượng ngày càng cao, bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu trong kỷ nguyên số cũng như bảo đảm cung cấp các dịch vụ bưu chính phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước an toàn, an ninh, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.

Thế giới càng “ảo” bao nhiêu thì nhu cầu tiếp xúc ngoài đời càng hạn chế bấy nhiêu. Khi đó, gần 100.000 lao động bưu chính sẽ là "sứ giả" mang niềm tin đến cho 26 triệu hộ gia đình trên cả nước thông qua những "thông điệp" về chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như sự đa dạng, phong phú của các dịch vụ mới trên nền tảng số đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, khi các thiết bị thông minh được phổ cập thì hạ tầng bưu chính (cùng với hạ tầng viễn thông và hạ tầng thanh toán điện tử) sẽ là cầu nối để hỗ trợ hoạt động TMĐT phát triển trên cơ sở nền tảng địa chỉ số Việt Nam để mở rộng thị trường bưu chính, trong đó chú trọng đẩy mạnh TMĐT ở địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ đó, Bưu chính sẽ nhanh chóng rũ bỏ hình ảnh về một lĩnh vực lạc hậu, chậm chạp và sống nhờ vào sự bùng nổ của thị trường TMĐT để trở thành lĩnh vực năng động, chủ động mở rộng không gian hoạt động, mở rộng hệ sinh thái và mang tham vọng lớn trở thành lĩnh vực có quy mô kinh tế lớn, đóng vai trò huyết mạch quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, có tốc độ phát triển hàng đầu trong ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Cuộc cách mạng số và đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với cách nhìn “trong khó khăn, luôn có cơ hội”, lĩnh vực bưu chính Việt Nam coi đây là cơ hội để thực hiện hóa khát vọng của Ngành để trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số; góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.

Trên góc độ Chính phủ số, cũng như nhiều nước trên thế giới, Bưu chính là đối tác chính, thậm chí là đối tác duy nhất của Chính phủ để phục vụ người dân.

Trên góc độ kinh tế số, Bưu chính phục vụ cho TMĐT. Khi các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ (như giao hàng, giao thức ăn, chuyển phát quà, tài liệu), các mô hình kinh doanh TMĐT và bán lẻ thế hệ mới bùng nổ thì đều cần một hạ tầng chuyển phát rộng khắp để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Và Bưu chính có lợi thế to lớn đó.

Mạng lưới bưu chính rộng khắp với hơn 21.600 điểm phục vụ và 100% xã trong cả nước có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có thể đưa những sản phẩm của hộ sản xuất, những hợp tác xã đến tiêu thụ tại mọi nơi trên đất nước và vươn xa trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Trên góc độ xã hội số, Bưu chính trở thành ngành dịch vụ tham gia vào nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh, trao gửi niềm tin cho xã hội. Bưu chính tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Định hướng phát triển bưu chính đến năm 2030

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021, Bộ TT&TT đã nghiên cứu và xây dựng “Chiến lược phát triển Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn “Bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của TMĐT; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030, ngành bưu chính cần xác định hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất là, tập trung xây dựng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch phát triển hạ tầng mạng bưu chính công cộng theo quy định của pháp luật về quy hoạch và bưu chính; Chương trình hỗ trợ CĐS cho DN bưu chính phù hợp với Chương trình CĐS quốc gia được ban hành năm 2020; Chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai là, huy động nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:

- Xây dựng các trung tâm bưu chính vùng, khu vực (MegaHub/Hub) phù hợp và đồng bộ với quy hoạch hệ thống logistics quốc gia; Hoàn thiện nền tảng Địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia sử dụng trên phạm vi toàn quốc; Hình thành Cổng dữ liệu quốc gia về bưu chính; thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển lĩnh vực và tăng cường sự kiểm tra, giám sát của người dân, xã hội; Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành bưu chính.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại, khai thác triệt để cơ sở dữ liệu bưu chính để phát triển dịch vụ số theo hướng mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm khách hàng.

- Hình thành một số doanh nghiệp bưu chính lớn làm nòng cốt cho phát triển mạng bưu chính đến hộ gia đình trên cơ sở nền tảng Địa chỉ số Việt Nam để mở rộng thị trường bưu chính, trong đó chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử ở địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế số nông thôn.

Để việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được khả thi, 08 nhóm giải pháp cần được xem xét triển khai đồng bộ là: (i) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (ii) Phát triển hạ tầng bưu chính; (iii) Phát triển dịch vụ bưu chính; (iv) CĐS bưu chính; (v) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số và tuyên truyền; (vi) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bưu chính; (vii) Hợp tác quốc tế và (viii) Đo lường, giám sát, đánh giá triển khai.

Hiện nay dự thảo “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành. Khi được ban hành, đây sẽ là chiến lược cấp quốc gia đầu tiên của lĩnh vực bưu chính, là định hướng để Bưu chính chuyển mình trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của TMĐT; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số góp phần thực hiện mục tiêu hình thành một Việt Nam số vào năm 2030.

Tài liệu tham khảo

[1]. Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại họp báo Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021, ngày 26/11.
[2]. Báo cáo VECOM 2020
[3]. 2IPD là Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (Integrated Index for Postal Development) do Liên minh Bưu chính Thế đánh giá