Các đài PTTH ứng dụng nền tảng số trong sản xuất chương trình

Trần Đình Hoạch| 30/08/2022 14:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong sản xuất chương trình để phục vụ khán giả tốt hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) luôn nỗ lực thực hiện trong những năm trở lại đây.

Đài PTTH Hải Phòng đẩy mạnh làm báo đa phương tiện

Công nghệ số và đa nền tảng đã được các phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) của Đài PTTH Hải Phòng ứng dụng từ khá lâu nhằm sản xuất các chương trình phát thanh sinh động, hấp dẫn, dễ dàng tiếp cận và tương tác với khán thính giả. Nhiều chương trình của Đài PTTH Hải Phòng như: "Hải Phòng café sáng", "Một giờ với Hải Phòng", "Điểm hẹn chiều nay", "Hẹn hò bí mật"…, được phát thanh trực tiếp và livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ tính riêng Kênh FM 102,2 Mhz của Đài, các PV, BTV "lên sóng" trực tiếp hơn 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày, được thính giả đón nhận và lượt tương tác cao.

Phóng viên Hoài Thương chia sẻ, các PV của Đài đều được đào tạo và có ý thức tự học hỏi để có thể làm báo đa phương tiện với nhiều vị trí như vừa là PV-BTV, vừa là MC, đạo diễn, vừa là kỹ thuật viên.

"Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, các BTV cũng chính là những kỹ thuật viên, thực hiện chương trình trên nền tảng mạng xã hội Facebook để độ phủ sóng của chương trình được xa hơn. Một số chương trình chúng tôi thực hiện livestream cũng đã giúp tiếp cận nhiều đối tượng khán thính giả ở mọi lúc mọi nơi chứ không đơn thuần qua nền tảng radio truyền thống. Điều đó cũng đòi hỏi những BTV phải luôn tự làm mới mình để có thể tạo ra những chương trình phát thanh gần gũi, sinh động hấp dẫn và mang tính tương tác cao", PV Hoài Thương cho biết.

PV Thanh Huyền cũng chia sẻ: "Có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc chuyển đổi số (CĐS) khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới dường như có vẻ chững lại so với giai đoạn COVID-19. Chúng tôi đi tìm những nguyên nhân, những nút thắt trong cuộc sống, trên cơ sở đó, mạnh dạn đề xuất một giải pháp để có thể thúc đẩy nhanh quá trình CĐS. Đây không là chuyện riêng của Hải Phòng mà cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương hiện nay trong công cuộc CĐS".

Bà Lưu Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Đài PTTH Hải Phòng cho biết: "Hiện có chênh lệch rất lớn trong các Đài PTTH trong cả nước về CĐS. Thực ra CĐS chúng ta nói rất nhiều, nhưng hầu như các Đài hiện nay đang mò mẫm, tự thực hiện. Chúng tôi rất cần sự định hướng, một quy chuẩn chung để các Đài căn cứ vào đấy, rút ra những cái cần thực hiện trong lộ trình của mình. Chúng tôi rất kỳ vọng sẽ được học những kinh nghiệm, được trao đổi và tiếp cận những vấn đề mới về sản xuất chương trình phát thanh trong đa nền tảng".

Thời gian tới, Đài PTTH Hải Phòng sẽ tiếp tục chuyển đổi linh hoạt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong sản xuất các chương trình để đưa phát thanh rộng rãi trên mạng xã hội, như: sản xuất chương trình theo định dạng podcast, phát thanh đa nền tảng, đa loại hình... Đồng thời, để xứng tầm với vị thế, vai trò của Thành phố đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia cũng như để thực hiện đúng kế hoạch số hóa truyền hình của Chính phủ, Đài PTTH Hải Phòng đã và đang khắc phục, vượt qua những khó khăn để phát triển truyền hình với chương trình truyền hình của thành phố có sức thu hút khán giả, sức cạnh tranh cao cùng với sử dụng có hiệu quả các kênh truyền hình của Trung ương và địa phương khác.

Các đài PTTH chú trọng khai thác lợi thế nền tảng đa phương tiện và ứng dụng công nghệ  - Ảnh 1.

Công nghệ số và đa nền tảng đã được các PV, BTV của Đài PTTH Hải Phòng ứng dụng từ khá lâu

Quảng Ninh ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại

Từ nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm tới loại hình phát thanh và gần đây nhất vào năm 2020, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh nhận được gói đầu tư các trang thiết bị, dây chuyền hiện đại lên tới hàng chục tỷ đồng để nâng cao chất lượng phát thanh. Việc nâng cấp hệ thống phát sóng, phủ sóng tới các vùng lõm giúp 98% dân số Quảng Ninh tiếp cận được các tín hiệu phát thanh từ các nền tảng khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thiện, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi rất tăng cường sản xuất các chương trình theo hướng trực tiếp và tương tác với thính giả để khán giả có thể tiếp cận rộng rãi và chủ động hơn với Phát thanh Quảng Ninh. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện các phóng viên tìm tòi cách thể hiện mới nhất... Sau 3 năm sáp nhập, loại hình báo nói càng có thêm điều kiện tận dụng sự hỗ trợ sản xuất các loại hình báo khác. Nhờ đó, các BTV phát thanh có thêm các điều kiện để thực hiện các chương trình phát thanh chuyên biệt".

Việc ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại những năm gần đây thể hiện sự quan tâm đầu tư của đơn vị, tạo cho đội ngũ làm báo phát thanh của tỉnh Quảng Ninh sự năng động, bắt nhịp với xu thế đổi mới mạnh mẽ. Cụ thể, hơn 10 năm nay, Chương trình Phát thanh trực tiếp "Giờ cao điểm" đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân vùng mỏ vào mỗi buổi sáng và xế chiều. Các BTV cập nhật các tin tức thời sự trong 1 tiếng đồng hồ với sự kết nối trực tiếp của phóng viên ở các điểm nóng giao thông và sự tương tác trực tiếp của thính giả.

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị trong toàn quốc sớm ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại. Ngoài 2 kênh phát thanh truyền thống trên sóng FM là Thời sự chính trị tổng hợp QNR1 và Văn hóa - du lịch - đối ngoại QNR2, Trung tâm còn đẩy mạnh truyền tín hiệu trên các nền tảng số như Website báo điện tử Quảng Ninh, ứng dụng Quảng Ninh Media trên điện thoại, livestream trên các fanpage, thử nghiệm loại hình sản xuất mới như Podcast...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó trưởng phòng Phát Thanh, Trung tâm truyền thông Quảng Ninh chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi cũng bỡ ngỡ nhưng đây cũng là thách thức với người làm phát thanh. Quá trình làm chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm để đầu tư cả phần hình và phần tiếng, đặc biệt là đổi mới nội dung chương trình mang lại sự hấp dẫn, để tương tác, tiếp cận được nhiều hơn thính giả nhất là khán giả trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Trước đây, chúng tôi chỉ chú trọng tới phần nội dung, phần tiếng nhưng bây giờ chú trọng cả phần hình với khán giả đang xem trên mạng xã hội."

Việc áp dụng công nghệ số đã đưa phát thanh lên tầm cao mới, vượt qua suy nghĩ thông thường khi phát thanh chỉ có đường tiếng qua radio và hệ thống loa truyền thanh... Ứng dụng công nghệ số giúp các PTV, BTV phát thanh có cơ hội xuất hiện hình ảnh trên các hệ sinh thái Internet và điều quan trọng là giúp khán giả được tương tác, tiếp cận được các thông tin nhanh, chính xác và được thể hiện quan điểm nhiều hơn trên sóng phát thanh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các đài PTTH ứng dụng nền tảng số trong sản xuất chương trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO