Các giải pháp nâng cao dịch vụ tài chính số tại Việt Nam

MP| 08/11/2021 07:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ sinh thái tài chính số đang phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn đầu với sự “bùng nổ” với nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 đã đặt ra những yêu cầu cần tăng cường, thúc đẩy sử dụng các dịch vụ tài chính số nhằm đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống tài chính.

Dịch vụ tài chính số tại Việt Nam

Các dịch vụ tài chính số cung cấp ở Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển ở dưới mức tiềm năng, do hệ sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp (DN) công nghệ tài chính (Fintech), quỹ đầu tư, hạ tầng Tài chính - Viễn thông, khuôn khổ pháp lý quản lý chưa được đồng bộ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động dịch vụ tài chính số tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh vượt bậc cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư.

Năm 2020, lĩnh vực tài chính số của Việt Nam đã phát triển đáng kể nhờ vào việc áp dụng các giao dịch số ngày càng tăng, ngành thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ và chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán số.

Các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về tiềm năng của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam trong những năm tới, khi bơm hàng triệu USD vào các công ty khởi nghiệp fintech trong nước. Năm 2019, Việt Nam đã đứng thứ hai trong ASEAN về thu hút đầu tư cho Fintech, thu hút 36% tổng vốn đầu tư vào Fintech của khu vực.

Trong những năm vừa qua, số lượng startup về fintech ở Việt Nam đã tăng từ 44 công ty vào năm 2017 lên khoảng 120 công ty vào năm 2020. Các công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mặc dù thanh toán vẫn là phân khúc thống trị với các công ty chiếm 30% trong tổng số startup fintech tại Việt Nam. Các ngân hàng Việt Nam cũng đã tăng tốc thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), hợp tác với các công ty fintech để tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính - mgân hàng tiên tiến, tiện lợi.

Thực tế cho thấy, các dịch vụ tài chính mới đã xuất hiện và đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam. Trong đó, thanh toán số là mảng dịch vụ phát triển nhanh nhất, với loại hình ví điện tử chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Dịch vụ tài chính số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Thanh toán số là mảng dịch vụ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực tài chính số. (Ảnh: VGP)

Ngoài ví điện tử, một số dịch vụ tài chính khác cũng đã xuất hiện dựa trên nền tảng số như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, chứng khoán số, bảo hiểm số…

Chia sẻ về dịch vụ tài chính số tại "Hội thảo phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức", TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, thời gian vừa qua fintech phát triển mạnh thể hiện ở việc thu hút kêu gọi vốn đầu tư. Dự báo trong năm tới sẽ có khoảng 310 tỷ USD trên toàn cầu. Mức độ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ thì xu hướng CĐS được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.

TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, dịch vụ tài chính qua mobile cũng phát triển nhanh từ năm 2015 trở lại đây. Tại Việt Nam, Chính phủ đã cho phép thí điểm hoạt động này từ tháng 3/2021, tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị. 

Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) là cơ sở pháp lý quan trọng của hoạt động thanh toán và tiền kỹ thuật số, tạo tiền đề của sự gia nhập các công ty lớn về viễn thông trong việc cung ứng dịch vụ này.

Nhận định về dịch vụ tài chính số trong thời gian tới, ông Lực cho rằng xu hướng tài chính số ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục bùng nổ. Cụ thể, các định chế tài chính đẩy nhanh tốc độ CĐS (cả kênh bán hàng và quy trình nội bộ); Hình thành các hệ sinh thái tài chính với các ngân hàng thương mại lớn/Bigtech giữ vai trò điều phối; Dữ liệu khách hàng được sử dụng để tạo ra những sản phẩm thiết kế riêng; Các Fintech, Bigtech sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường tài chính, có thể thông qua việc cạnh tranh hoặc hợp tác với các định chế tài chính truyền thống; Các mô hình kinh doanh mới cũng xuất hiện nhiều hơn.

Hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính số trong tương lai

Bên cạnh những bứt phá trong thời gian vừa qua, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Dịch vụ tài chính số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển; công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, khung pháp lý cho tài chính số phát triển còn thiếu, manh mún, không đồng bộ. Chủ trương chung là tạo điều kiện cho tài chính số phát triển, song từ góc độ quản lý, có nhiều ý kiến còn lo ngại nếu chính sách quá mở có thể dẫn đến rủi ro liên quan đến gian lận, tội phạm về tài chính, rửa tiền, thị trường cạnh tranh…

Ngoài ra, an toàn bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức cần phải quan tâm trong phát triển tài chính số. Thể chế, chính sách, pháp luật dẫn đường cho tài số phát triển là cần thiết. Nhưng hoạch định chính sách phát triển tài chính số cần có sự cân bằng, hài hòa, một mặt mở để phát triển, song vẫn phải đảm bảo được việc quản lý hiệu quả.

Để đảm bảo dịch vụ tài chính số phát triển mạnh mẽ và ổn định tại Việt Nam trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, yếu tố đầu tiên là cần phải sớm sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Cùng với đó, cần xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động tài chính số, nhất là Fintech; đẩy mạnh hoạt động cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng khẳng định cần phải có những quy định về quản lý dữ liệu; Quy định về cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các định chế tài chính, Fintech, Bigtech và các đối tác khác trong hệ sinh thái, trong mô hình ngân hàng mở; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ở các cấp quốc gia (dữ liệu dân cư và DN); Quy định về dịch vụ đám mây; Quy định về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số); Tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số; An ninh mạng, phòng chống tội phạm tài chính; Nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính số…

Cùng chia sẻ về những giải pháp cũng như khuyến nghị cho lĩnh vực này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, Đồng sáng lập MOMO cho rằng, cần có một hệ thống pháp lý mở để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; mở rộng khung pháp lý cho các dịch vụ Fintech và ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát.

Đặc biệt, ông Diệp cũng đề xuất cần có sự định hướng của Nhà nước cho chiến lược phát triển dài hạn; Đưa Fintech vào các chương trình quốc gia liên quan đến phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện, hỗ trợ dịch bệnh; cần thiết có đơn vị quản lý Nhà nước có chức năng tham mưu và quản lý chung cho lĩnh vực Fintech.

Hiện nay, các công ty Fintech Việt Nam gặp rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Theo ông Diệp, Việt Nam cần tạo ra một sàn huy động vốn trong nước để các công ty Fintech có thể tìm kiếm các nhà đầu tư cũng như huy động được vốn từ chính cộng đồng trong nước để đảm bảo hoạt động được hiệu quả hơn.

Các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính số

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi khu vực tài chính, giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn. Từ thực tế đó, Báo cáo làn sóng đột phá thứ 2 của Fintech (The second wave of Fintech Disruption) của Công ty cung cấp dịch vụ Gia công phần mềm CNTT Indus Net Technologies cũng đã đưa ra một số xu hướng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính số.

Tài chính tự động (Autonomous Finance): Tài chính tự động đứng đầu danh sách khi tìm kiếm xu hướng công nghệ tài chính lớn của năm 2021; Đảm bảo khả năng tiếp cận, dễ dàng quản lý nhiều hoạt động tài chính như thanh toán hóa đơn tiện ích, bảo hiểm, thuê bao cáp... Tài chính tự động đã thực hiện một cách tự động những quy trình ra quyết định bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML); Giao công việc định kỳ cho Fintech, khách hàng có toàn quyền kiểm soát các hoạt động tài chính khác.

Những hứa hẹn mới từ Regtech (công nghệ quản lý quy trình pháp lý trong tài chính): Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, 70% công ty cho rằng những hoạt động của mình ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Tỷ lệ phụ thuộc vào công nghệ lên đến 81% ở các công ty Fintech. Số lượng các công ty Fintech ngày càng tăng kéo theo những yêu cầu về quản trị và cấu trúc DN do sự gia tăng hoạt động rửa tiền, gian lận và xâm phạm dữ liệu. Regtech trao quyền cho các công ty Fintech bằng cách triển khai công nghệ ML nhằm đơn giản hóa quy trình tuân thủ các quy định và luật hiện hành.

Dịch vụ tài chính số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 2.

Tập trung vào ngân hàng số: Bắt đầu từ hoạt động chuyển tiền P2P (ngang hàng) đến giao dịch và mua bitcoin, việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính được chú ý đầu tiên. Ngân hàng chỉ hoạt động trên môi trường số mang lại sự thuận tiện cho khách hàng bằng cách giảm số lần đến ngân hàng thực tế, tối ưu hóa chi phí và đẩy nhanh quá trình thanh toán hóa đơn.

Tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation - RPA): Năm 2021 chứng kiến việc sử dụng rộng rãi "Tự động hóa quy trình bằng robot" để cải thiện hiệu quả tổng thể của tổ chức tài chính. Công việc lặp đi lặp lại và nhàm chán như các quy trình văn phòng, hỗ trợ như hướng dẫn khách hàng mới, xử lý thế chấp được tự động hóa, do đó giảm 50% chi phí quản lý. RPA giúp chuyển trọng tâm chủ yếu sang các hoạt động có giá trị cao từ các hoạt động thông thường nhằm nâng cao năng suất của tổ chức. Tự động hóa việc thu thập dữ liệu và sử dụng con người để phân tích và lập mô hình dữ liệu nhiều hơn.

Định hướng lại hệ thống với blockchain (chuỗi khối): 48% đại diện ngân hàng cho rằng công nghệ blockchain sẽ có tác động lớn nhất đến lĩnh vực ngân hàng vào năm 2021 và những năm sau đó. Mối lo ngại về an ninh gia tăng khi hoạt động rửa tiền, vi phạm dữ liệu và trộm cắp mạng bị phát hiện và xảy ra thường nhật.

Blockchain được liên kết với các loại tiền điện tử hiện được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác nhau. Blockchain mang lại một nền tài chính phi tập trung, tập trung vào mật mã, bảo mật và quyền riêng tư, là công nghệ lý tưởng để sử dụng trong ngân hàng và Fintech.

Mang đến các giải pháp tùy biến cho khách hàng thông qua AI và ML: Theo báo cáo của PwC, AI sẽ làm giảm 22% chi phí hoạt động của ngân hàng vào năm 2030. Nói cách khác, các ngân hàng có thể tiết kiệm tới 1.000 tỷ USD bằng cách sử dụng AI.

Fintech đang sử dụng AI/ML để tạo ra dịch vụ và trải nghiệm kỹ thuật số độc đáo. AI/ ML giúp xác định các mối đe dọa và gian lận tài chính. Chatbot tự học là một trường hợp sử dụng của AI/ML trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng. ML được triển khai trong việc đề xuất hành động tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng dựa trên dữ liệu thời gian thực đã học. Sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhu cầu của khách hàng giúp công ty tối ưu hóa các loại sản phẩm tài chính.

Tăng cường hệ sinh thái tài chính toàn diện: Năm 2021, xu hướng nâng cao sự hiểu biết kỹ thuật số tăng lên khi Fintech và tổ chức tài chính truyền thống hợp tác, tận dụng thế mạnh của các bên trên thị trường tạo thành một hệ sinh thái mở. Công nghệ tiên tiến và sự nhanh nhạy của Fintech sẽ đảm bảo mang lại các dịch vụ tài chính tiện dụng cho bộ phận người dân không có tài khoản ngân hàng, dễ bị tổn thương trong xã hội. Xu hướng này sẽ cải thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện bằng cách làm cho việc tiếp cận các dịch vụ tài chính dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện cho những người không có tài khoản ngân hàng.

Bảo mật với hệ thống bảo mật sinh trắc học: Các giải pháp sinh trắc học không tiếp xúc (nhận diện khuôn mặt, mống mắt) được thiết lập để thay thế các giải pháp sinh trắc học dựa bằng cách tiếp xúc (vân tay) vào năm 2021. Theo báo cáo của Juniper Research, 1,5 tỷ điện thoại thông minh sẽ sử dụng công nghệ sinh trắc học dựa trên phần mềm vào năm 2023.

COVID-19 đã khiến các giải pháp nhận dạng sinh trắc học không tiếp xúc tăng lên và tỷ lệ các tổ chức tài chính chấp nhận sử dụng ngày càng cao hơn. Với sự gia tăng người dùng điện thoại thông minh, Fintech đang sử dụng các hệ thống bảo mật sinh trắc học để nhận diện các đối tượng cho hoạt động thanh toán và chuyển tiền. Đăng nhập một lần (SSO) là một công cụ quản lý mật khẩu mạnh mẽ được các công ty công nghệ lớn sử dụng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp nâng cao dịch vụ tài chính số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO